Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
IEA hiến kế giúp châu Âu giảm phụ thuộc năng lượng từ Nga
Lê Quân - 08/03/2022 15:23
 
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa công bố một lộ trình giúp Liên minh châu Âu (EU) đối phó với sự phụ thuộc khí đốt tự nhiên từ Nga.
 Trong năm 2020 và 2021, trên 40% lượng khí tự nhiên và dầu mỏ EU nhập khẩu đến từ Nga và Nga vẫn là nhà cung cấp khí tự nhiên và dầu mỏ lớn nhất cho khu vực này. Ảnh: AFP
Trong năm 2020 và 2021, Nga cung cấp trên 40% lượng khí tự nhiên và dầu mỏ EU nhập khẩu. Ảnh: AFP

Việc phụ thuộc nhiều vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ Nga khiến EU khó có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt năng lượng đối với Moscow sau khi Điện Kremlin tấn công Ukraine.

Theo kế hoạch, Cơ quan Năng lượng Quốc tế, một tổ chức hoạch định chính sách năng lượng của 31 quốc gia thành viên, sẽ giúp EU cắt giảm 1/3 mức phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên từ Nga trong một năm, trong khi vẫn tuân thủ Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) - một thỏa thuận của EU nhằm cắt giảm ít nhất 55% lượng phát thải ròng khí nhà kính vào năm 2030, so với năm 1990.

Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng sẽ rất khó để nhanh chóng giũ bỏ nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga, bởi EU quá phụ thuộc vào nguồn cung này trong khi EU đã cam kết hạn chế phát thải khí nhà kính.

EU nhập khẩu 155 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên từ Nga trong năm 2021, chiếm 45% lượng khí đốt nhập khẩu của khu vực này và gần 40% tổng lượng khí đốt được sử dụng, theo thống kê của IEA. Việc chuyển từ đốt khí tự nhiên sang đốt than là một giải pháp khả thi nhanh chóng về mặt kỹ thuật, nhưng nó sẽ không giúp EU đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Hiến kế của IEA có 10 điểm mấu chốt giúp EU giảm bớt phụ thuộc vào nguồn khí đốt tự nhiên từ Nga, bằng cách đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của châu Âu, đẩy nhanh tiến độ chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo và tập trung cải thiện hiệu quả năng lượng.

"Không còn là tưởng tượng nữa. Việc Nga sử dụng các nguồn khí đốt tự nhiên của mình như một vũ khí kinh tế và chính trị cho thấy châu Âu cần phải nhanh chóng hành động để sẵn sàng đối mặt với sự bất ổn lớn về nguồn cung khí đốt của Nga vào mùa đông tới", Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nêu trong một văn bản công bố kế hoạch.

Dưới đây là tóm tắt về 10 điểm mấu chốt trong hiến kế của IEA:

Không gia hạn hợp đồng cung cấp khí đốt với Nga. Hiện tại, EU đang thực hiện hợp đồng nhập khẩu hơn 15 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm với Gazprom, một tập đoàn năng lượng đa quốc gia thuộc sở hữu nhà nước Nga. Hợp đồng này sẽ hết hạn vào cuối năm và EU không nên gia hạn mà để hợp đồng này và các hợp đồng nhập khẩu khí đốt khác hết hiệu lực.

Thay thế các hợp đồng hết hạn từ Nga bằng các hợp đồng từ các nguồn khác. Năm 2022, EU cần tăng lượng khí đốt tự nhiên sản xuất trong nước và nhập khẩu từ các nguồn khác ngoài Nga, bao gồm từ Azerbaijan và Na Uy, thêm 10 tỷ mét khối so với năm 2021.

Phía IEA cho rằng EU nên có bước đi xa hơn và tăng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Đồng thời mở rộng nguồn cung khí sinh học và khí metan sinh học (biomethane), tuy các chuỗi cung ứng này cần thời gian để phát triển.

Tăng tích trữ khí đốt. Tích trữ khí đốt có thể giúp EU xây dựng một vùng đệm an ninh năng lượng khi chuyển mùa, hay xuất hiện hiện tượng thời tiết cực đoan hoặc tình hình chiến sự Nga - Ukraine như hiện nay. Cần đến 90% công suất lưu trữ được lấp đầy vào ngày 1/10 để "giữ ấm" cho các hộ gia đình vào mùa đông.

Đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo, như điện gió và điện mặt trời. Trong năm 2022, EU dự kiến tăng 15% sản lượng điện từ năng lượng tái tạo so với năm 2021 do tăng đầu tư vào các cơ sở sản xuất điện mặt trời và điện gió mới. EU cần tăng tốc triển khai các dự án năng lượng tái tạo bằng cách khắc phục sự chậm trễ trong giải quyết thủ tục giấy phép. Điều này đòi hỏi EU sẽ bố trí thêm nhiều nhân viên hành chính giải quyết thủ tục hơn, nâng cao hiệu quả trao đổi giữa các cơ quan cấp phép, thiết lập thời hạn cấp phép rõ ràng, và chuyển sang số hóa các ứng dụng.

Giữ nguyên trạng thái phát triển điện hạt nhân hiện có và vận hành các nhà máy năng lượng sinh học ở quy mô tối đa. Năm ngoái, một số lò phản ứng hạt nhân ở châu Âu đã được đưa vào bảo trì và kiểm tra an toàn. Khi các nhà máy điện này hoạt động trở lại trong năm nay, chúng sẽ bổ sung vào việc sản xuất năng lượng sạch của khu vực này. Ngoài ra, mức năng lượng hạt nhân thương mại của nhà máy hạt nhân mới ở Phần Lan dự kiến sẽ bắt đầu triển khai trong năm nay, điều này sẽ giúp đáp ứng các mục tiêu phát thải của EU.

Ngoài ra, một số ít các lò phản ứng hạt nhân đã dự kiến tạm ngưng trong năm 2022 và 2023. Nếu được tiếp tục hoạt động trở lại, chúng sẽ giúp kéo giảm nhu cầu của EU đối với khí đốt tự nhiên từ Nga.

Thêm vào đó, nhiều nhà máy năng lượng sinh học của EU chỉ mới hoạt động 50% công suất, và chúng cần được cung cấp đầy đủ nhiên liệu và vận hành hết công suất.

Bảo vệ những khách hàng dễ bị tổn thương. Khi giá năng lượng tăng cao, các công ty năng lượng có thể kiếm lời tốt, nhưng người tiêu dùng lại gặp khó khăn về khả năng chi trả. EU nên có biện pháp hỗ trợ người tiêu dùng có thu nhập thấp chi trả cho các hóa đơn năng lượng tăng cao. Một giải pháp đặt ra cho thị trường năng lượng EU lúc này là áp thuế tạm thời đối với khoản lợi nhuận quá cao của các công ty năng lượng và sử dụng số tiền thuế thu đó để hỗ trợ người tiêu dùng có thu nhập thấp chi trả hóa đơn năng lượng.

Đẩy nhanh việc thay thế lò hơi đốt khí bằng máy bơm nhiệt. IEA kêu gọi EU đẩy nhanh tốc độ thay thế lò hơi đốt khí bằng máy bơm nhiệt trong nhà. Việc tăng gấp đôi tỷ lệ lắp đặt máy bơm nhiệt trong nhà sẽ tiêu tốn của EU 16,3 tỷ USD nhưng hệ thống này sẽ tiết kiệm thêm 2 tỷ mét khối khí đốt trong năm đầu tiên. IEA cho rằng đây sẽ là phương án lý tưởng nhất nếu cùng lúc triển khai thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng trong gia đình.

Tăng cường các chương trình tiết kiệm năng lượng ở các tòa nhà và cơ sở sản xuất công nghiệp. Hiện tại, khoảng 1% các tòa nhà của EU được trang bị thêm các hệ thống nhằm tiết kiệm năng lượng hơn mỗi năm. Để tối đa hóa tác động, EU nên tập trung vào việc cải thiện hiệu quả của những ngôi nhà sử dụng năng lượng kém hiệu quả nhất và những tòa nhà không phải mục đích ở.

Phía IEA cũng đề nghị EU đẩy nhanh việc lắp đặt các bộ điều nhiệt thông minh để giảm nhu cầu năng lượng. Quá trình này có thể tăng tốc bằng cách trợ cấp cho các hộ gia đình lắp đặt một bộ điều nhiệt thông minh.

Khuyến cáo người tiêu dùng hạ mức nhiệt sưởi ấm. Hầu hết các tòa nhà có nhiệt độ trung bình gần 72 độ F và việc yêu cầu người tiêu dùng giảm 1,8 độ F, hoặc 1 độ C nhiệt độ sưởi ấm có thể giúp cắt giảm 10 tỷ mét khối khí đốt.

Tăng cường cơ chế lưới điện phát thải thấp. IEA khuyến nghị EU nên tập trung tăng cường tính linh hoạt cho hệ thống lưới điện, cả về khả năng chống chịu khi thay đổi theo mùa và khả năng xử lý các đợt nhu cầu năng lượng tăng đột biến trong ngắn hạn.

Việc cải thiện độ tin cậy và tính linh hoạt của lưới điện trong tương lai sẽ phụ thuộc vào việc xây dựng một danh mục đáp ứng nhu cầu khác nhau, bao gồm cả công nghệ pin và các công nghệ lưu trữ năng lượng dài hạn, quy mô lớn khác. Một số loại khí phát thải carbon thấp được sản xuất nội khối EU như khí metan sinh học (biomethane), hydro carbon thấp và khí metan tổng hợp, nên được tận dụng để cải thiện độ tin cậy của cơ chế phát thải thấp, mặc dù chúng không đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng tổng thể.

Các khuyến nghị trên của IEA là xuôi chiều với các nỗ lực của EU nhưng chúng lại trở nên mờ nhạt so với kế hoạch mà EU vừa công bố rằng họ sẽ cắt giảm 80% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Nga trong năm tới. Trên thực tế, EU vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Tính riêng năm 2020 và 2021, trên 40% lượng khí tự nhiên và dầu mỏ EU nhập khẩu đến từ Nga và Nga vẫn là nhà cung cấp khí tự nhiên và dầu mỏ lớn nhất cho khu vực này.

Nhiều tháng qua, EU chật vật tìm cách giảm phụ thuộc năng lượng của Nga. Trước khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen cho biết EU đã thành công trong việc tiếp cận các nguồn năng lượng thay thế. "Chúng tôi có thể vượt qua mùa đông này mà không cần khí đốt của Nga", Chủ tịch Ủy ban châu Âu khẳng định.

Thế giới bên bờ vực khủng khoảng năng lượng như những năm 1970
Nguồn cơn khủng hoảng là do sự gián đoạn nguồn cung dầu mỏ từ Nga khi nước này thấm đòn trừng phạt tài chính của phương Tây, chuyên gia IHS...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư