Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
IFC thông qua OCB mở rộng nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ
Chí Tín - 27/03/2019 14:37
 
Tổ chức tài chính quốc tế IFC sẽ cấp khoản vay trị giá 100 triệu USD cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB).

Gói tài chính kèm dịch vụ tư vấn do IFC thu xếp sẽ giúp OCB gia tăng các khoản vay dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ hoặc quản lý, đồng thời giúp thúc đẩy tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Theo IFC, SMEs chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Đây là nguồn tạo việc làm chính tại Việt Nam, sử dụng tới hơn một nửa lực lượng lao động và đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước. Song, khoảng 60% SMEs phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn, ước tính khoảng 21 tỷ USD. Tiếp cận tài chính, do vậy, là chìa khóa để khai mở tiềm năng của MSMEs.

Gói tài chính dài hạn gồm 57,16 triệu USD từ IFC và 42,84 triệu USD từ nhiều nhà tài trợ thông qua Chương trình Danh mục Đồng Cấp vốn (MCPP) do IFC quản lý.

Đặc biệt, OCB đặt mục tiêu sử dụng tối thiểu 50% khoản vay này để tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ hoặc quản lý, với sự hỗ trợ từ Quỹ Sáng kiến Tài chính Dành cho Nữ Doanh nhân (We-Fi).

We-Fi là một chương trình hợp tác nhiều bên với mục tiêu gỡ bỏ các rào cản về tài chính và phi tài chính mà các nữ doanh nhân tại các quốc gia đang phát triển phải đối mặt.

Đây là khoản vay đầu tiên IFC cung cấp cho một ngân hàng thương mại dưới sự hợp tác với We-Fi. Mục tiêu hỗ trợ mở rộng tiếp cận tài chính và thị trường cho nữ doanh nhân của We-Fi sẽ được hiện thực hóa thông qua việc cấp thưởng dựa trên hiệu suất giải ngân nguồn vốn dành cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, từ đó giúp thúc đẩy các khoản vay cho nữ doanh nhân của OCB đạt ít nhất 50 triệu USD trong khuôn khổ chương trình này.

Ngoài việc cấp vốn, với sự hỗ trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), IFC sẽ giúp OCB phát triển hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng (SCF). SCF là một giải pháp hợp tác giữa người mua hoặc người bán là doanh nghiệp với ngân hàng, qua đó cho phép các nhà cung cấp và phân phối của doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn mà không cần phải thế chấp tài sản.

Giải pháp này chuyển đổi các khoản phải thu và các khoản phải trả thành tiền mặt ngay tức thời và nhờ đó tạo điều kiện cho các nhà cung cấp và phân phối tiếp cận được nguồn tài chính với chi phí thấp hơn dựa trên nền tảng tín nhiệm tín dụng của người mua.

 Cho đến nay, thông qua các ngân hàng thương mại, IFC đã cung cấp hơn 400 triệu USD cho các doanh nhân do phụ nữ làm chủ hoặc quản lý tại Việt Nam. Việt Nam là một trong ba thị trường lớn nhất của chương trình tài trợ cho phụ nữ của IFC.

 Quan hệ hợp tác giữa IFC và OCB bắt đầu từ năm 2011 với khoản tài trợ thương mại trị giá 20 triệu USD thuộc khuôn khổ Chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu của IFC.

IFC đã cấp thêm cho OCB khoản vay 25 triệu USD vào tháng 3/2012 và một khoản vay 10 triệu USD nhằm giúp OCB tăng khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương giải quyết các vấn đề thanh khoản trong ngắn hạn.

Quan hệ đối tác này cho phép OCB cung cấp được nhiều khoản vay hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và giúp nhiều công ty địa phương gia tăng được các cơ hội thương mại và tạo việc làm.

IFC bình chọn VPBank là một trong ba ngân hàng tốt nhất châu Á cho doanh nghiệp SME
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa được Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) vinh danh tại Diễn đàn Tài chính SME Toàn cầu. Theo đó,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư