Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Inlaco Sài Gòn “mắc cạn” vì tàu giải cứu
Anh Minh - 08/12/2021 14:45
 
Việc tiếp nhận tàu Inlaco Express từ chương trình giải cứu Vinashin năm 2010 để lại gánh nặng nợ, lỗ gần 800 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Vận tải biển và hợp tác lao động quốc tế.
Lỗ lũy kế từ việc khai thác tàu Inlaco Express đến ngày 30/9/2021 lên tới 354,55 tỷ đồng
Lỗ lũy kế từ việc khai thác tàu Inlaco Express đến ngày 30/9/2021 lên tới 354,55 tỷ đồng

Ngập trong nợ nần

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Inlaco Sài Gòn vừa gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) xin cơ cấu nợ các khoản vay đóng mới tàu biển.

Cụ thể, Inlaco Sài Gòn - doanh nghiệp vận tải biển từng là thành viên của Vinalines (nay là VIMC) kiến nghị các đơn vị trên trình Chính phủ có biện pháp giúp đỡ Công ty tái cơ cấu các khoản vay tại VDB để đầu tư tàu Inlaco Express theo hướng xóa dư nợ lãi đến ngày 31/12/2020, khoanh nợ gốc 5 năm từ ngày 1/1/2021 đến 31/12/2025.

Trong khi chờ ý kiến của Chính phủ, Inlaco Sài Gòn muốn VDB - Chi nhánh khu vực Đông Bắc tiếp tục cho phép doanh nghiệp vận tải biển này duy trì mức trả nợ gốc 4 - 6 tỷ đồng/tháng. “Inlaco Sài Gòn sẽ khai thác hiệu quả đội tàu hiện có, phát triển các dịch vụ kinh doanh khác để tạo nguồn trả hết nợ gốc và lãi phát sinh sau khi được tái cơ cấu tài chính”, ông Nguyễn Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Inlaco Sài Gòn cam kết.

Inlaco Sài Gòn được thành lập theo Quyết định số 633/QĐ-TCCB-LĐ ngày 27/2/1995 của Bộ GTVT. Ngày 12/3/2007, theo Quyết định số 532/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT, Công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và chính thức bắt đầu hoạt động kể từ ngày 1/7/2007.

Hiện áp lực trả nợ vay vốn tín dụng đầu tư đối với Công ty cổ phần Vận tải biển và hợp tác lao động quốc tế (Inlaco Sài Gòn) đang “căng như dây đàn” khi VBD - Chi nhánh khu vực Đông Bắc thông báo tổng nợ của Công ty vào ngày 20/10/2021 đã lên tới 1.117 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 258,6 tỷ đồng (nợ gốc quá hạn là 255,1 tỷ đồng), nợ lãi vay 859,34 tỷ đồng (nợ lãi quá hạn là 850,466 tỷ đồng).

Trong số khoản nợ của Inlaco Sài Gòn tại VDB, Dự án đầu tư đóng mới tàu chở hàng khô 34.000 DWT - Inlaco Express hiện có nợ lãi vay là 797,8 tỷ đồng, trong đó tổng số lãi phát sinh và lãi phạt từ khoản giải ngân đầu tiên (ngày 30/12/2010) đến khi bàn giao tàu (ngày 5/1/2012) là 36,6 tỷ đồng. Đây là khoản nợ nằm ngoài khả năng thanh toán của Inlaco Sài Gòn, bởi vốn điều lệ của doanh nghiệp này hiện chỉ vỏn vẹn 88 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2020 là âm 469 tỷ đồng.

Tại thông báo nhắc nợ, VDB - Chi nhánh Khu vực Đông Bắc yêu cầu Inlaco sử dụng nguồn thu của Dự án và các nguồn vốn hợp pháp khác để trả nợ vốn vay tín dụng đầu tư theo đúng cam kết tại hợp đồng tín dụng đã ký. Đồng thời, Inlaco Sài Gòn có nghĩa vụ cung cấp thông tin khai thác, hợp đồng vận tải, hợp đồng cho thuê hạn định của các tàu và thông báo cho Chi nhánh biết khi các tàu của Công ty cập cảng tại Việt Nam để kiểm tra tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định.

Gánh nặng giải cứu

Dự án đầu tư đóng mới tàu chở hàng khô 34.000 DWT - Inlaco Express mà Inlaco Sài Gòn triển khai có nguồn gốc khá phức tạp và từng không nằm trong kế hoạch kinh doanh của đơn vị.

Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, thực hiện chương trình “giải cứu” Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) của Chính phủ, Vinalines được giao tiếp nhận 20 tàu đóng dở dang mà chủ tàu nước ngoài từ chối tiếp nhận. Trong đó, Vinalines giao Inlaco Sài Gòn, khi đó vẫn là đơn vị thành viên, tiếp nhận tàu số hiệu PR04 trọng tải 34.000 DWT (sau đó được đặt tên là Inlaco Express) đang đóng dở dang tại Nhà máy Đóng tàu Phà Rừng.

Tại thời điểm tiếp nhận tàu PR04 đầu năm 2010, bản thân Inlaco Sài Gòn gặp rất nhiều khó khăn do thị trường vận tải biển đang lao dốc. Tuy nhiên, Inlaco Sài Gòn vẫn chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và Vinalines khi tiến hành tiếp nhận toàn bộ hợp đồng đã ký với chủ tàu nước ngoài là Graig Investment về cả kỹ thuật, phương thức giao nhận tàu, giá cả (24,97 triệu USD chưa bao gồm chi phí phát sinh và thuế VAT). Đến ngày 5/1/2012, Inlaco Sài Gòn chính thức nhận tàu Inlaco Express và đưa vào khai thác từ đó đến nay.

Trái ngược với sự kỳ vọng từ con tàu “giải cứu”, Inlaco Sài Gòn bị “mắc cạn” với “con nợ” mang tên Inlaco Express khi lỗ lũy kế từ việc khai thác tàu đến ngày 30/9/2021 lên tới 354,55 tỷ đồng (chưa tính lãi quá hạn, lãi phạt). Do làm ăn không hiệu quả, Inlaco Sài Gòn đã nhiều lần gửi văn bản tới Chính phủ, các bộ, ngành xin cơ cấu nợ đối với khoản vay đầu tư tàu Inlaco Express.

Nhưng theo Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 10/10/2017 của Chính phủ về một số biện pháp tái cơ cấu tài chính của Vinalines giai đoạn 2016 - 2020, chỉ có một số công ty thành viên như Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam, Công ty cổ phần Vận tải Vinaship và Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang được ưu tiên thực hiện cơ cấu nợ đối với các dự án đầu tư mua sắm tàu từ chương trình giải cứu Vinashin. Trong khi đó, Inlaco Sài Gòn tuy tham gia các chương trình của Chính phủ như các doanh nghiệp trên, nhưng không được đề cập trong Nghị quyết số 107.

Vì thực hiện Dự án đầu tư đóng mới tàu chở hàng khô 34.000 DWT - Inlaco Express và không được tái cơ cấu tài chính, nên Inlaco Sài Gòn rơi vào nguy cơ phá sản. Thậm chí, hiện Công ty không được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho đổi giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, do lỗ, âm vốn chủ sở hữu quá nhiều.

Trong khi đó, đối với Ngân hàng TMCP Hàng hải - đối tác cùng tham gia tài trợ vốn một số dự án đóng tàu khác của Inlaco Sài Gòn trong cùng giai đoạn đã thực hiện cơ cấu nợ vào tháng 3/2016 theo hướng xóa 85% lãi, kéo dài thời gian trả nợ 10 năm từ năm 2016, hàng năm trả nợ gốc 650.000 USD, lãi suất 2%/năm và được tính vào kỳ cuối, không tính lãi quá hạn, lãi phạt. Do không phải gánh các chi phí tài chính, nên các tàu này đã và đang khai thác hiệu quả, tạo nguồn trả nợ cho Công ty.

“Chúng tôi rất mong Chính phủ sớm có hướng xử lý phù hợp với Dự án đầu tư đóng mới tàu chở hàng khô 34.000 DWT - Inlaco Express bởi nếu không, Inlaco Sài Gòn sẽ không thể thoát khỏi nguy cơ phá sản, dù đã có rất nhiều nỗ lực”, lãnh đạo Inlaco Sài Gòn thông tin.

VN-Index về mốc 1.355 điểm, cổ phiếu vận tải biển rơi sâu sau chuỗi tăng phi mã
Với số mã tăng/giảm ngang ngửa, diễn biến chỉ số chứng khoán khá giằng co trong phiên hôm nay và đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư