Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
IOC Huế - “trái tim” điều hành chính quyền thông minh
Hữu Tuấn - 12/08/2022 09:13
 
Sau 3 năm đi vào sử dụng, Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (IOC Huế) đang trở thành “trái tim” của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế.
Dự án IOC Huế là dự án smart city đầu tiên của Việt Nam đạt giải "Dự án Thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á". 

Giành trọn niềm tin của người dân cố đô

IOC Huế đang triển khai đồng thời 10 dịch vụ, bao gồm: phản ánh hiện trường; nhóm giải pháp camera giám sát đô thị và an toàn giao thông; thông tin cảnh báo; giám sát thông tin báo chí địa phương; thẻ điện tử công chức, viên chức; giám sát dịch vụ hành chính công; giám sát quảng cáo điện tử; giám sát môi trường; giám sát an toàn mạng; giám sát tàu cá.

Đặc biệt, Hue-S là ứng dụng nền tảng di động được xây dựng theo hướng super app (siêu ứng dụng) với định hướng một ứng dụng duy nhất tích hợp. Hue-S vừa triển khai các dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp, vừa ứng dụng chính quyền số phục vụ công tác chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước. Hue-S chính là sợi dây kết nối, giúp tiếng nói người dân đến với chính quyền và ngược lại.

Trên Hue-S, từ phản ánh việc vi phạm giao thông, lấn chiếm vỉa hè, đốt rơm rạ… đến cảnh báo cháy rừng, ứng phó lũ lụt, chỉ số ô nhiễm không khí, thông tin du lịch, đều được người dân, doanh nghiệp phản ánh và ngay lập tức có tiếp nhận, xử lý, báo cáo kết quả công khai, minh bạch.

Đến nay Hue-S đã có 793.050 lượt tải ứng dụng, với thời gian sử dụng trung bình 34 phút 52 giây mỗi người/ngày. Tính riêng năm 2021, đã có 17.371.225 lượt truy cập.

Trên cơ sở áp dụng nền tảng số, Hue-S đã làm thay đổi cơ bản và toàn diện phương thức kết nối giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Các vấn đề bức xúc, tồn tại xã hội đã bộc lộ ngày càng nhiều hơn, rõ hơn thông qua sự tham gia phản ánh của người dân. Thông qua Hue-S, các cơ quan, đơn vị tại Huế đã tiếp nhận xử lý trên 58.000 phản ánh với 226 đơn vị tham gia hệ thống xử lý phản ánh hiện trường, bao gồm 193 cơ quan nhà nước và 33 tổ chức, doanh nghiệp.

Số phản ánh được xử lý chiếm 97,5%; thời gian xử lý các phản ánh của người dân rút ngắn từ 60 đến 70%, có những vụ việc rút ngắn đến 90%, tiết kiệm kinh phí cho ngân sách nhà nước hơn 7,7 tỷ đồng tiền in giấy.

Tiếp tục xây dựng IOC Huế lên phiên bản 2.0

Đánh giá về kết quả sau 3 năm triển khai IOC Huế, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, qua 3 năm triển khai IOC với hạt nhân là Hue-S đã ghi nhận những kết quả tích cực, tác động trực tiếp đến việc sử dụng các ứng dụng trong công tác điều hành các cấp. Các ứng dụng thông minh thực hiện hướng đến người dân, lấy người dân làm trung tâm. Những kết quả đạt được đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương, đóng góp lớn vào sự thay đổi bộ mặt của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dự án IOC Huế là Dự án smart city đầu tiên của Việt Nam đạt giải "Dự án Thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á" tại Giải thưởng Viễn thông châu Á năm 2019.

Theo ông Bình, người dân Huế gọi vui Hue-S là Huế “méc”, bởi nó có tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống, từ công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ môi trường; công tác phòng, chống bão, lụt, thiên tai; việc phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là Covid-19; công tác truyền thông, quy hoạch đất đai; tích hợp dịch vụ số cho doanh nghiệp cũng như góp phần thúc đẩy các giá trị nhân văn, đạo đức, tình người trong xã hội.

Còn ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế đánh giá, hiệu quả lớn nhất là thay đổi nhận thức về thông tin giữa các cơ quan tham gia, tạo ra một quy trình làm việc có thể khắc phục những hạn chế hành chính thông thường, giảm bớt áp lực nhân sự và kết nối người dân với chính quyền một cách thuận tiện, minh bạch.

Đến nay, sau 3 năm, thông qua IOC Huế, tỉnh đã triển khai nhiều dịch vụ đô thị thông minh trên tất cả các lĩnh vực, xây dựng một chính quyền phục vụ như mục tiêu của lãnh đạo tỉnh, tạo niềm tin vững chắc cho người dân.

Ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó tổng giám đốc Viettel Solutions nhận xét, IOC Huế đóng góp vai trò quan trọng giúp tỉnh Thừa Thiên Huế vươn lên vị trí thứ 2 toàn quốc về chỉ số DTI (Digital Transformation Index - Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông) ở cấp tỉnh tại cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

“Giai đoạn tiếp theo, Viettel Solutions sẽ tiếp tục đồng hành cùng chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, nâng cấp lên phiên bản 2.0 với mục tiêu thực hiện hóa sứ mệnh sử dụng công nghệ số, mang lại hiệu quả cho các tổ chức, hạnh phúc cho người dân”, ông Linh cho hay.

6 tháng đầu năm 2022: Thừa Thiên Huế thu hút gần 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư
Sáu tháng đầu năm 2022, UBND Thừa Thiên Huế chấp thuận chủ trương đầu tư 16 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 9,775 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư