Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
JICA hỗ trợ vốn vay để Bình Dương đầu tư các dự án giao thông trọng điểm
Lê Quân - 14/12/2022 17:28
 
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ hỗ trợ vốn vay để Bình Dương đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Ngày 13/12, tại Bình Dương, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã làm việc với ông Hayakawa Yuho, Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) về việc vay vốn để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Tuyến metro của Bình Dương sẽ nối với tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP.HCM - Ảnh: Lê Toàn )
Bình Dương sẽ đầu tư đường sắt nối với tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP.HCM. Trong ảnh là nhà ga đường sắt tại Long Bình, TP. Thủ Đức của tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) - Ảnh: Lê Toàn

Thông tin về các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm mà Bình Dương sắp đầu tư, ông Võ Văn Minh cho biết, năm 2023 tỉnh sẽ triển khai các dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Khi các dự án giao thông này hoàn thành, sẽ thúc đẩy các khu công nghiệp phát triển rất nhanh.

Đối với dự án tuyến metro kết nối từ Thành phố mới Bình Dương​ đến​ Suối Tiên (TP. HCM) là một trong những tuyến giao thông trọng điểm của tỉnh Bình Dương. Việc đẩy nhanh tiến độ dự án này sẽ tạo ra không gian phát triển đô thị mới cho tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương mong muốn JICA sẽ tư vấn và hỗ trợ tỉnh trong khảo sát kỹ thuật các dự án này để tỉnh sớm có những bước triển khai tiếp theo.

Liên quan đến các dự án đường sắt khác, ông Võ Văn Minh cho biết, hiện tại Bình Dương đang dự kiến xây dựng tuyến đường sắt trùng với tuyến đường sắt xuyên Á từ trung tâm Bình Dương đi Củ Chi, TP.HCM.

Trước tiên, Bình Dương sẽ xây dựng tuyến đường sắt chiều dài 41 km từ khu vực phía Bắc của tỉnh (giáp tỉnh Bình Phước) xuống ga Sóng Thần, TP. Dĩ An. Hiện tại, Bình Dương đang thuê đơn vị tư vấn thiết kế, cũng như tìm đối tác đầu tư để phát triển tuyến đường sắt này.

Ngoài ra, Bộ Giao thông - Vận tải đã lên kế hoạch triển khai tuyến đường sắt từ ga Sóng Thần đi Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) và sân bay Long Thành (Đồng Nai). Vì vậy, Bình Dương đánh giá rất cao tính khả thi tuyến đường này, vì dự án có tính kết nối liên kết vùng từ các tỉnh Tây Nguyên, qua các địa phương từ Bắc xuống Nam của tỉnh, đặc biệt là đi qua các khu công nghiệp.

Sau khi nghe kế hoạch đầu tư các dự án hạ tầng giao thông của Bình Dương, ông Hayakawa Yuho cho biết, đối với Dự án đường Vành đai 3, JICA mong muốn Bình Dương sớm hoàn thành các thủ tục để hai bên có thể ký kết công hàm trao đổi và hiệp định vay để triển khai dự án vào đầu năm 2023.

Đối với Dự án đường sắt đô thị nối từ Suối Tiên (TP.HCM) đến Bình Dương và tuyến đường sắt chở hàng hóa từ ga Sóng Thần đi Cái Mép, JICA đánh giá rất cao thông tin từ lãnh đạo tỉnh Bình Dương.

Tuy nhiên, ông cho rằng, để các dự án đường sắt có thể đạt được những mục tiêu dài hạn, hai bên cần có thời gian và sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Ông Hayakawa Yuho mong muốn Bình Dương xây dựng kế hoạch chi tiết và cụ thể để 2 bên có thể hợp tác các bước tiếp theo.

Ông Hayakawa Yuho tin tưởng, với cơ sở hạ tầng đồng bộ, Bình Dương sẽ là tâm điểm thu hút vốn đầu tư FDI trong khu vực. Ông  cho biết JICA sẽ hợp tác, đồng hành cùng tỉnh để tiếp tục xem xét tài trợ các dự án phát triển hạ tầng giao thông. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư