Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Khẩn cấp phòng chống dịch bệnh tại Bắc Kạn
D.Ngân - 30/10/2022 12:53
 
Bộ Y tế đề nghị Bệnh viện Nhi Trung ương cử chuyên gia hỗ trợ ngành Y tế tỉnh Bắc Kạn liên quan việc hơn 700 trẻ trong cùng 1 huyện mắc bệnh.

Theo Cục Y tế dự phòng, qua xét nghiệm phát hiện 5/7 mẫu bệnh phẩm tại Bắc Kạn dương tính với virus cúm B. Đây là 1 trong 2 chủng cúm mùa (A, B) lưu hành trên thế giới và Việt Nam.

Dịch cúm đang hoành hành ở nhiều tỉnh, thành phố.

Cũng theo Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn, tình hình ổ dịch sốt nay đã được kiểm soát. Đến ngày 27/10, trong số hơn 700 trẻ mắc bệnh có 70 trẻ đang điều trị, tình trạng sức khỏe ổn định, không có biểu hiện nặng.

Để phòng chống dịch Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn tiếp tục theo dõi, báo cáo hằng tuần và báo cáo đột xuất về Bộ Y tế khi dịch có diễn biến bất thường.

Đồng thời, triển khai kế hoạch phân công các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp nhận người bệnh và tuân thủ các quy định về phân luồng, cách ly nhóm bệnh lây qua đường hô hấp.

Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị Bệnh viện Nhi Trung ương cử chuyên gia hỗ trợ trực tiếp và trực tuyến cho Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn về phân tuyến, phân luồng, điều trị, chăm sóc, theo dõi và kiểm soát lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh theo tình hình dịch bệnh.

Sau khi có đề nghị, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cử một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm lên Bắc Kạn hỗ trợ các giải pháp điều trị cho bệnh nhân. 

Đầu tuần tới, Bệnh viện này sẽ bố trí đoàn lên Bắc Kạn hỗ trợ đồng nghiệp về chuyên môn về cách ly, xử lý, phát hiện sớm dấu hiệu bệnh nặng, không để lây nhiễm trong bệnh viện.

Trước đó, Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn tiếp nhận số lượng lớn trẻ ở các lứa tuổi có biểu hiện sốt cao đến khám và điều trị tăng cao.

Nói về dịch cúm, theo chuyên gia bệnh cúm B là một loại cúm mùa (có 4 type A, B, C, D) là loại virus thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. 

Kể từ sau đại dịch Covid-19 các nghiên cứu thấy rằng cúm B gặp khoảng 40%, do cúm A chiếm 60% trong các trường hợp cúm mùa, rất hiếm gặp cúm C, D.

Cũng như cúm A, cúm B lây từ người sang người thông qua các giọt bắn nhỏ (có chứa virus cúm) trong không khí khi người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Do trẻ chạm vào các bề mặt bị ô nhiễm bởi các giọt bị nhiễm bệnh rồi chạm vào miệng, mũi hoặc mắt của trẻ.

Thời gian ủ bệnh của bệnh cúm B từ 1 - 4 ngày kể từ khi bị nhiễm virus cúm. Trẻ em và những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu có thể ủ bệnh lâu hơn.

Chuyên gia cho hay, cũng giống như mắc cúm A, các triệu chứng thường gặp của bệnh cúm B bao gồm: Sốt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, đau xương khớp, mệt mỏi cảm thấy kiệt sức. Trẻ em bị cúm cũng có thể có các triệu chứng tiêu hóa (buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy).

Mặc dù một số triệu chứng cúm có thể tương tự như cảm lạnh, và đa số trẻ sẽ bình phục sau 1-2 tuần, tuy nhiên ho và mệt mỏi có thể kéo dài hơn 2 tuần.

Cũng theo chuyên gia, phần lớn bệnh cúm B nhẹ tự khỏi, tuy nhiên virus cũng có thể gây biến chứng nặng như viêm phổi do virus cúm hoặc do bội nhiễm vi khuẩn.

Các biến chứng nghiêm trọng khác hiếm gặp hơn như: viêm cơ tim, viêm não, viêm cơ tiêu cơ vân, suy đa cơ quan nhưng rất hiếm.

Những trẻ nào có nguy cơ biến chứng nặng do cúm là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi), đặc biệt trẻ < 2 tuổi;
Trẻ có các bệnh mãn tính: Bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh/mắc phải, bệnh gan, bệnh thận, bệnh hen, bệnh phổi mãn, bệnh tăng áp phổi, trẻ được dùng các thuốc ức chế miễn dịch, mắc các bệnh ung thư, bệnh máu rối loạn chuyển hóa, béo phì,…

Chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh cúm, thuốc kháng sinh không có hiệu quả đối với vi rút cúm, tùy thuộc vào lâm sàng bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp.

Điều trị và chăm sóc tại nhà với các trẻ bị cúm nhẹ, chủ yếu điều trị triệu chứng: Cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà với môi trường sạch sẽ, thoáng mát thông gió

Dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ có sốt trên 38,5 độ C, các thuốc có thể sử dụng như: Paracetamol liều từ 10 -15 mg/kg/lần (không dùng với các trẻ có các bệnh gan), hoặc Ibuprofen liều 6-8 mg/kg/lần (không dùng với trẻ có giảm tiểu cầu hoặc nghi ngờ có sốt xuất huyết), khoảng cách dùng cách 4-6h nếu sốt ≥ 38,5 độ C

Cho trẻ ăn thức ăn mềm, cho uống thêm nhiều dịch (không dùng các loại nước ngọt công nghiệp): nước quả, dung dịch orezol…

Nếu trẻ có ho dùng các thuốc ho thảo dược; Thông thoáng đường thở bằng nhỏ nước muối sinh lý, vệ sinh mũi bằng bấc bông tự cuốn…

Cha mẹ cần cho trẻ mắc cúm B đến các cơ sở y tế thăm khám khi trẻ sốt cao ≥ 39,5 độ C dùng thuốc hạ sốt và các phương pháp vật lý hạ nhiệt (phòng thoáng mát 26-29 độ, chườm nước ấm tích cực) nhưng nhiệt độ không hạ; Hoặc trẻ sốt cao ≥ 38,5 độ C quá 3 ngày không có xu hướng thuyên giảm;

Trẻ thở nhanh, thở bất thường: thở rít, khò khè, rút lõm lồng ngực, co kéo cơ hô hấp; Mạch nhanh so với tuổi (khi trẻ không sốt) vân tím, lạnh chi (khi không sốt cao);

Trẻ không ăn/uống Trẻ có biểu hiện mất nước: môi se, mắt trũng, niêm mạc miệng/lưỡi khô, khát nước đòi uống nước, hoặc đi tiểu ít (theo dõi thấy bỉm/tã ít ướt hơn bình thường); Thay đổi ý thức: trẻ không chịu chơi, quấy khóc, li bì, co giật… ;

Trẻ lớn thấy kêu đau bụng/đau ngực, nôn nhiều...; Hoặc cha/mẹ/người chăm sóc cảm thấy lo lắng bất an về trẻ;

Cha mẹ/người chăm sóc không tự ý gọi xét nghiệm chẩn đoán cúm B cũng như các xét nghiệm khác, không tự ý sử dụng các thuốc kháng sinh cũng như các thuốc kháng virus cho trẻ mà nên theo tư vấn, chỉ định của các bác sĩ.

Tùy thuộc vào tình trạng của trẻ khi thăm khám các bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm cần thiết, để từ đó đưa ra các chỉ định điều trị phù hợp với tình trạng của trẻ.

Biện pháp phòng chống dịch cúm:

Giữ khoảng cách xa tối thiểu 1m với những người có các triệu chứng cúm;

Nếu trẻ có các triệu chứng cúm, nên để trẻ ở nhà không đi học;

Rửa tay trước khi chạm vào mắt, mũi và miệng;

Sử dụng khăn giấy hoặc mặt trong cánh tay khi bạn ho và hắt hơi, vứt bỏ khăn giấy vào nơi quy định và rửa tay;

Cha mẹ cần tiêm phòng cho trẻ đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Việc tiêm phòng hàng năm sẽ tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ chống lại các chủng cúm gần đây nhất, giúp phòng các biến chứng nặng nếu nhiễm bệnh.

Ngăn dịch cúm gia cầm bùng phát
Theo Bộ Y tế, thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, vì vậy tổng đàn gia cầm và hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư