Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Khó khăn bủa vây, nhiều doanh nghiệp xây dựng không có hợp đồng mới
Hà Nguyễn - 10/07/2024 15:55
 
Kết quả khảo sát tình hình kinh doanh của doanh nghiệp quý II/2024 cho thấy, “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Để đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong quý II/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông qua Tổng cục Thống kê tiến hành khảo sát 30.530 doanh nghiệp. Trong số này, có 29.300 doanh nghiệp trả lời khảo sát, chiếm 96% số doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra.

Kết quả cho thấy, phần lớn doanh nghiệp đều gặp khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra, đặc biệt là thị trường đầu ra. Về đầu ra, “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, với tỷ lệ lựa chọn lần lượt là 53,8% và 43,6%. Riêng đối với doanh nghiệp xây dựng, có 46,9% doanh nghiệp gặp khó khăn do “không có hợp đồng xây dựng mới”.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu phân tích theo yếu tố đầu vào cho sản xuất - kinh doanh, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí vận tải kho bãi, chi phí các dịch vụ tăng cao vẫn là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp. Có 27,4% doanh nghiệp được hỏi đã trả lời như vậy. 

Trong khi đó, 21,2% doanh nghiệp lựa chọn vốn cho sản xuất - kinh doanh là khó khăn lớn nhất; 18,1% doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 14,7% doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, quy trình đấu thầu còn phức tạp, chồng chéo làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp…

Xây dựng là một trong những ngành mà doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, vì không có hợp đồng xây dựng mới.

Phân tích theo ngành kinh tế, thì các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo cho rằng, hai yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn lần lượt là 53,4% và 50,4%.

Bên cạnh đó, 31,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 27,9% doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính; 22,3% gặp khó khăn do lãi suất vay vốn vẫn còn cao; 20,9% doanh nghiệp gặp khó khăn do không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp…

Trong nhóm ngành này, ngành dệt may và da giày cũng đang gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng xuất khẩu và lao động có tay nghề.

Cụ thể, có tới 57,7% doanh nghiệp sản xuất trang phục; 55,8% doanh nghiệp sản xuất da và các sản phẩm có liên quan và 47,1% doanh nghiệp dệt gặp khó khăn do nhu cầu thị trường quốc tế thấp. Bên cạnh đó, có 54,7% doanh nghiệp sản xuất trang phục, 36,5% doanh nghiệp sản xuất da và các sản phẩm có liên quan và 24,1% doanh nghiệp dệt gặp khó khăn do không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu.

Nhóm ngành điện, điện tử cũng gặp những khó khăn tương tự. Mặc dù có sự phục hồi rất tích cực trong quý II/2024, nhưng các doanh nghiệp trong ngành này cũng vẫn đang đối mặt với khó khăn do nhu cầu thị trường quốc tế thấp và thiếu hụt lao động có kỹ năng.

Kết quả khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có tới 54,4% doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học và 43,7% doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện gặp khó khăn do nhu cầu thị trường quốc tế thấp. Trong khi đó, có 24,7% doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học và 23,8% doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện gặp khó khăn do không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Bên cạnh các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo, thì các doanh nghiệp ngành xây dựng cũng bị khó khăn bủa vây. Trong đó, hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng là “giá nguyên vật liệu tăng cao” và “không có hợp đồng xây dựng mới”, với tương ứng 47,1% và 46,9% số doanh nghiệp được hỏi lựa chọn.

Bên cạnh đó, có 25,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do nợ đọng xây dựng cơ bản không được thanh quyết toán đúng kỳ hạn; 24,3% doanh nghiệp nhận định do năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế; 22,9% doanh nghiệp thiếu vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh; 17% gặp khó khăn do thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; 16,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do công tác giải phóng mặt bằng chậm…

Còn với các doanh nghiệp ngành thương mại, dịch vụ, kết quả khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp là “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của thị trường trong nước cao”, với tương ứng 56,4% và 48% số doanh nghiệp lựa chọn.

Bên cạnh đó, có 20,4% doanh nghiệp gặp khó khăn do giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào sản xuất sản phẩm dịch vụ và các chi phí kho, bãi tăng cao; 18,8% doanh nghiệp nhận định do lãi suất vay vốn cao; 18,2% doanh nghiệp khó khăn về tài chính cho hoạt động sản xuất - kinh doanh; 15,2% doanh nghiệp gặp khó khăn trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường; 13,9% gặp khó khăn do thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, quy trình đấu thầu còn phức tạp, chồng chéo…

Hoạt động sản xuất - kinh doanh còn nhiều khó khăn, đó là một trong những lý do vì sao số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường trong 6 tháng đầu năm vẫn ở mức cao. Cụ thể, 6 tháng, đã có 110.300 doanh nghiệp, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư