Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Khơi mào cuộc chiến giá cước: Nhà mạng sẽ “chết chùm”?
Hữu Tuấn - 21/08/2015 07:57
 
Việc các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone liên tục áp dụng các chương trình khuyến mãi, khiến giá cước nhiều gói “rẻ như cho không” đã đặt ra câu hỏi, có phải cuộc chiến hạ giá cước đã bắt đầu?

Đua nhau khuyến mãi

Sự việc bắt đầu từ VinaPhone. Để tri ân khách hàng, nhân Lễ ra mắt Tổng công ty VNPT VinaPhone ngày 11/8, VinaPhone đã tung một chương trình khuyến mãi chưa từng có: đối với thuê bao trả trước sẽ được khuyến mại 100% giá trị thẻ nạp và thuê bao trả sau được gọi miễn phí từ phút thứ 2 đến phút thứ 10 trong ngày 11/8. Trước đó, từ đầu năm 2015 đến nay, trung bình 5-10 ngày, VinaPhone đều có chương trình khuyến mãi 50% giá trị thẻ nạp. Bên cạnh đó, với các gói cước trả trước tương đồng với các đối thủ khác, VinaPhone cũng đưa ra giá cạnh tranh hơn.

Ngay trong ngày 11/8, khi VinaPhone phát động chiến dịch khuyến mãi “khủng” nêu trên, Viettel cũng áp dụng chương trình khuyến mãi 100% giá trị thẻ nạp cho thuê bao di động trả trước nằm trong danh sách nhà mạng lựa chọn. Ngoài ra, mới đây, Viettel còn tung ra gói cước Tomato 550 với mức giá 550 đồng/phút gọi nội mạng toàn quốc. Bên cạnh đó, trong vòng 6 tháng sau khi thuê bao Tomato 550 hòa mạng mới, mỗi tháng khách hàng được tặng 35.000 đồng và 200MB vào tài khoản, được miễn phí 2.000 phút gọi/tháng (kết nối đến 2 thuê bao viettel đăng ký). Ngoài ra, thuê bao Tomato 550 còn được đăng ký gói cước data trọn gói Mimax với giá chỉ gần 1/3 so với thông thường.

.
Các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone liên tục áp dụng các chương trình khuyến mãi, khiến giá cước nhiều gói “rẻ như cho không”  (ảnh minh họa)

 

Trước đó, Viettel cũng là nhà mạng áp dụng gói cước cho sinh viên gọi nội mạng “giá chỉ bằng chiếc kẹo mút”: chỉ với 2.500 đồng/lần đăng ký được sử dụng 200 tin nhắn nội mạng miễn phí và cước gọi nội mạng chỉ còn 200 đồng/phút (tương đương 1/7 so với cước gọi thông thường).

Nhà mạng MobiFone cũng không chịu kém cạnh khi tung ra gói cước Sim1+. Theo đó, cứ mỗi phút gọi ngoại mạng, thuê bao sẽ được tặng 1.000 đồng. Trước ngày mùng 10 hàng tháng, cứ mỗi giây gọi liên mạng trong nước trong tháng liền trước, thuê bao sẽ được tặng 16,67 đồng/giây vào tài khoản KM3T. Không chỉ vậy, gói cước Sim1+ còn gây bất ngờ với ưu đãi hết tiền vẫn gọi được. Cụ thể, khi thoại nội mạng, thuê bao sẽ được miễn phí các cuộc gọi dưới 10 phút, tối đa tới 1.000 phút miễn phí mỗi tháng. Khách hàng có thể đăng ký tối đa 2 số thuê bao trong danh sách của gói cước…

Theo tính toán của các chuyên gia viễn thông, chỉ số doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao di động (ARPU) tại Việt Nam liên tục sụt giảm từ năm 2009 đến nay. Nếu như năm 2006, ARPU Việt Nam đạt khoảng 7 USD thì đến thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng hơn 3,5 USD, có nhà mạng chỉ số APRU đạt chưa đầy 2 USD/thuê bao.

 Thời gian qua có việc giảm giá cước để thu hút thuê bao, nhưng sẽ không một nhà mạng nào đứng ra để khơi mào cuộc chiến giá cước, vì về lâu dài, việc giảm giá cước sẽ khiến cho các doanh nghiệp cùng thiệt hại, Nhà nước thất thu một khoản lớn và khiến thị trường méo mó - Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT.

 

Dựa trên tính toán các gói cước và các chương trình khuyến mại hiện nay của các nhà mạng, có thể thấy rằng, giá cước thực phải trả thấp nhất trên thị trường là chưa đến 100 đồng/phút. Đây là mức giá khách hàng phải trả thấp nhất từ trước đến nay, là hậu quả cuộc chạy đua giá cước của các nhà mạng.

Giảm nữa là cùng chết!

Trong lịch sử ngành viễn thông, cuộc chiến giá cước điện thoại quốc tế vẫn còn nóng hổi. Từ mức giá cước điện thoại quốc tế 2 USD/phút với sự tham gia của 3 nhà cung cấp dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về (VNPT, Viettel, SPT), sau đó với sự tham gia của hàng loạt nhà cung cấp khác như FPT, Hanoi Telecom, CMC, Đông Dương Telecom, VTC, Vishipel... đã khiến giá cước điện thoại quốc tế giảm xuống chỉ còn gần 1/10, ở mức 2,6 cent/phút. Hàng loạt nhà cung cấp đã phải rút lui khỏi thị trường, mỗi năm Nhà nước thất thu hàng trăm triệu USD.

Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho rằng, thời gian qua có việc giảm giá cước để thu hút thuê bao, nhưng sẽ không một nhà mạng nào đứng ra để khơi mào cuộc chiến giá cước, vì về lâu dài, việc giảm giá cước sẽ khiến cho các doanh nghiệp cùng thiệt hại, Nhà nước thất thu một khoản lớn và khiến thị trường méo mó.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Minh Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel kiêm Tổng giám đốc Viettel Telecom cho rằng, APRU tại Việt Nam đã thuộc nhóm thấp nhất thế giới và xu hướng thoại, SMS ngày càng suy giảm, nhường chỗ cho sử dụng Data. Nếu xuất hiện cuộc chiến giá cước, các doanh nghiệp sẽ cùng thua và cùng chết. Nếu giảm giá tiếp, không những doanh thu, lợi nhuận của các nhà mạng giảm mà còn khiến tổng doanh thu ngành viễn thông của cả nước giảm, các nhà mạng sẽ không có nguồn thu tái đầu tư phát triển công nghệ.

Theo ông Long, từ nay đến cuối năm, VinaPhone đặt mục tiêu giành vị trí thứ 2 về thuê bao di động, nhưng sẽ không giành thị phần bằng cách giảm giá mà bằng chiến lược đầu tư lớn vùng phủ và đẩy mạnh kênh phân phối. VNPT đang đầu tư thêm 10.000 trạm BTS 3G. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ hoàn thành và nâng vùng phủ lên gấp 3 lần hiện tại. Bên cạnh đó, VinaPhone sẽ đẩy mạnh kênh phân phối bán hàng.

VinaPhone khuyến mãi "khủng" dành cho 26 triệu khách hàng
Chiều ngày 11/8, Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông – VNPT VinaPhone đã chính thức ra mắt. Nhân dịp này, VNPT VinaPhone và VNPT VinaPhone Hà Nội đã có một...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư