Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Khởi tạo xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp
NQS (Tinnhanhchungkhoan.vn) - 13/07/2016 09:08
 
Trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam hiện chưa hấp dẫn dòng tiền đại chúng vì chưa có thị trường và chưa có sự minh bạch do đó việc xây dựng một thị trường trái phiếu doanh nghiệp để khơi rộng kênh huy động vốn cho khu vực sản xuất, kinh doanh đang là vấn đề cấp bách.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Báo cáo của Chính phủ trong phiên họp Thường vụ Quốc hội ngày 11/7/2016 đưa ra đánh giá, phát hành trái phiếu chính phủ diễn biến thuận lợi, 6 tháng đầu năm đạt 83% kế hoạch năm.

Thực tế này sẽ làm giảm áp lực trong huy động trái phiếu chính phủ trong 6 tháng cuối năm, tạo điều kiện thuận lợi cho các kênh huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh.

Trong ngành, thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, tổng mức huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu (cả phát hành riêng lẻ), đấu giá cổ phần hóa và đấu thầu trái phiếu chính phủ đạt 223.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, trong đó, riêng huy động qua phát hành trái phiếu chính phủ đạt hơn 180.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng lượng vốn huy động từ phát hành cổ phiếu, đấu giá cổ phần hóa 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt con số khiêm tốn là 43.000 tỷ đồng.

Làm thế nào để giúp khu vực kinh tế tư nhân tăng khả năng huy động vốn là câu hỏi được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra trong cuộc làm việc với lãnh đạo ngành chứng khoán tháng 4/2016. Thực tế, ngoài thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa được tổ chức, quản lý, nên quy mô còn rất nhỏ bé. Thống kê từ nhiều nguồn, Sở GDCK Hà Nội đưa ra một thông tin ấn tượng: thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay có tính chất kỳ hạn khác hẳn công cụ trái phiếu chính phủ.

Cụ thể, nếu như trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3-5 năm chiếm 80% dư nợ trái phiếu thì với trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư dường như ưa thích kỳ hạn dài hơn, khi loại trên 5 năm chiếm đến 46% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đo đếm được.

Trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu phát hành qua kênh riêng lẻ (năm 2015 không ghi nhận đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp đại chúng nào) và có quy mô rất hạn chế, dao động từ 1-2% GDP. Trong khi đó, tại khu vực ASEAN, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 21,7% GDP. Nếu loại trừ 3 nước có thị trường tài chính phát triển hơn là Singapore, Malaysia, Thái Lan, thì quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại đây cũng lên tới 18,2% GDP…

Trên thị trường niêm yết có lác đác một vài hàng hóa trái phiếu với quy mô chưa đến 5.000 tỷ đồng. Trong khi đó, trên thị trường tự do, các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thể đo đếm được có tổng quy mô khoảng gần 50.000 tỷ đồng.

Trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam chưa hấp dẫn dòng tiền đại chúng vì chưa có thị trường và chưa có sự minh bạch. Tại Việt Nam, hầu hết dòng tiền chảy vào trái phiếu doanh nghiệp là đến từ ngân hàng, hoặc từ đối tác của doanh nghiệp.

Khởi tạo xây thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một nhiệm vụ cấp bách để khơi rộng kênh huy động vốn cho khu vực sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, định hình thị trường này như thế nào, nền tảng pháp lý ra sao để tạo thuận lợi tối đa cho dòng chảy vốn, nhưng vẫn bảo vệ những nhà đầu tư chân chính là câu hỏi lớn với nhà quản lý.

Ở nhiều nước, để hỗ trợ tối đa doanh nghiệp tìm được vốn mới, họ không quy định các điều kiện khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu, thay vào đó yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin minh bạch, đầy đủ và tôn trọng sự tự nguyện lựa chọn của các nhà đầu tư trên thị trường. Tuy nhiên, ở Việt Nam, với nền tảng và văn hóa minh bạch còn thấp, xây thị trường mới mẻ này như thế nào là vấn đề cần nhiều tiếng nói từ các thành viên thị trường.

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2015 tiếp tục sôi động, trái ngược với thị trường sơ cấp trái phiếu chính phủ. Trong 6...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư