Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Không chủ quan khi biến thể Covid-19 mới xuất hiện
D.Ngân - 08/01/2023 08:33
 
Với sự xuất hiện của biến thể XBB mới ngành Y tế khuyến cáo người dân không chủ quan đồng thời tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin.

Trước sự xuất hiện của biến thể mới, nhu cầu đi lại, du lịch gia tăng đột biến dịp Tết Nguyên đán Bộ Y tế nhận định số ca mắc mới sẽ gia tăng, khuyến cáo người dân cẩn trọng.

Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Lương Tâm, Cục phó Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế lo ngại với chính sách mới của các quốc gia trong khu vực, thời gian tới, số trường hợp mắc Covid-19 từ nước ngoài vào nước ta sẽ gia tăng cho biết thêm miễn dịch (do mắc bệnh hoặc tiêm chủng) giảm dần theo thời gian, trong khi đó virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, né tránh miễn dịch. Do đó, diễn tiến dịch thời gian tới chưa ổn định và khó dự đoán.

Đặc biệt, đại diện Bộ Y tế lo ngại hiện là giai đoạn giao mùa Đông- Xuân, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, có thể dẫn đến "dịch chồng dịch". 

Một yếu tố khác thúc đẩy số ca Covid tăng là dịp Tết đang tới gần, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, các lễ hội đầu năm. Trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền sẽ là nhóm dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Đánh giá về chủng Omicron XBB vừa được TP.HCM ghi nhận, ông Tâm nói các biến chủng phụ có khả năng lây lan nhanh hơn nhưng vắc-xin hiện tại vẫn có thể dự phòng chuyển bệnh nặng, tử vong.

Do đó, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân như đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, tiêm chủng vaccine đủ liều, đúng lịch.

Ngày 7/1, theo đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, trước biến thể XBB đã xuất hiện tại TP.HCM, ngành Y tế sẽ thực hiện đợt cao tiêm điểm tiêm phòng Covid-19 từ ngày 6/1 đến hết ngày 2/2, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, tại thời điểm tháng 9/2022, theo một khảo sát ngẫu nhiên của đơn vị ghi nhận, miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh đạt 98,7%.

Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ cộng đồng của vắc-xin sẽ giảm theo thời gian nếu người dân không tham gia tiêm hoặc không tiêm nhắc lại đúng theo quy định, đặc biệt đối với các đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch…

“Để bảo vệ gia đình và duy trì miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19, người dân Thành phố tiêm đủ liều, đúng lịch, đưa người thân trong gia đình và trẻ em từ 5 tuổi trở lên đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nếu chưa tiêm và tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung đúng theo quy định”, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố khuyến cáo.

Được biết, TP.HCM sẽ tổ chức đợt cao điểm tiêm vắc-xin phòng Covid-19 xuyên Tết. Đợt cao điểm này sẽ thực hiện từ ngày 6/1 đến hết ngày 2/2, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão.

Thành phố sẽ tổ chức nhiều điểm tiêm trên khắp các địa bàn quận, huyện, TP.Thủ Đức cũng như các bệnh viện; các điểm tiêm sẽ được treo băng rôn thông báo và đảm bảo an toàn tiêm chủng đầy đủ.

Để phòng ngừa Covid-19 bùng phát, Bộ Y tế đã lên kế hoạch ứng phó bằng cách giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại các cửa khẩu, đặc biệt với các trường hợp nhập cảnh đến từ những khu vực đang bùng dịch, từ các nơi xuất hiện biến chủng mới, nguy hiểm.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh; tăng cường lấy mẫu trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm, giải trình tự gene nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, các biến chủng, biến thể mới.

Các địa phương tiếp tục thúc đẩy tiêm vaccine phòng Covid-19, đặc biệt với nhóm nguy cơ cao, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, nhất là ở các tỉnh, thành lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao. Các cơ sở y tế đảm bảo công tác phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân, chuẩn bị sẵn sàng tình huống ca mắc tăng cao.

Biến thể phụ XBB.1.5 của Omicron, XBB.1.5, đang gây lo ngại cho các nhà khoa học sau khi lan truyền nhanh chóng tại Mỹ vào tháng 12. Đợt bùng phát dịch Covid-19 mới ở Mỹ được xác định là do biến thể phụ XBB.1.5, với tỷ lệ mắc biến thể này tăng rất nhanh, từ 4% lên hơn 41%.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo, chủng XBB và biến thể phụ XBB.1.5 sẽ dần chiếm ưu thế so với các chủng phụ của Omicron khác trong thời gian tới.

Điểm đặc biệt nhiều chuyên gia trên thế giới nhận định, biến thể XBB có khả năng tránh miễn dịch và lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác của Omicron. Tuy nhiên, vắc-xin phòng Covid-19 hiện tại vẫn có thể phòng diễn biến bệnh nặng, nhập viện và tử vong.

Cũng theo WHO, cho đến nay, cơ quan này chưa có bất kỳ dữ liệu nào về mức độ nghiêm trọng hoặc về tác động của biến thể phụ XBB.1.5. Và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy, biến thể phụ XBB.1.5 gây ra mức độ bệnh nghiêm trọng hơn, tuy nhiên biến thể phụ này có khả năng lây truyền cao hơn, đây là vấn đề đáng quan ngại.

Các nhà nghiên cứu thống nhất rằng sự xuất hiện của biến thể phụ mới không có nghĩa là có một cuộc khủng hoảng mới về dịch bệnh Covid-19 sẽ xảy ra, nhưng sẽ có thêm sự xuất hiện các biến thể mới khi virus tiếp tục lây lan.

Chính phủ đề xuất chuyển nguồn 5.016,674 tỷ đồng kinh phí chống dịch Covid-19
24/54 địa phương đề xuất chuyển nguồn 5.016,674 tỷ đồng phòng chống dịch Covid-19 là đã được bố trí trong dự toán để chi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư