Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Không có chuyện giảm phát
Nguyên Đức - 04/03/2015 09:00
 
Chuyên gia cao cấp, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh khẳng định, không có chuyện nền kinh tế đang giảm phát và việc cần làm hiện nay là thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển để tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
TP.HCM phấn đấu GDP quý I tăng 8% trở lên
Hà Nội dự thu ngân sách 141.690 tỷ đồng năm 2015
CPI giảm, sức mua của nền kinh tế tăng
Chính phủ: Kinh tế không có dấu hiệu giảm phát

Thưa ông, một trong những diễn biến đáng chú ý của nền kinh tế trong tháng 2/2015 là lần đầu tiên sau nhiều năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 - tháng có Tết Nguyên đán - giảm so với tháng trước. Đây cũng là tháng thứ tư liên tiếp, CPI giảm. Dư luận lo ngại đây là dấu hiệu giảm phát của nền kinh tế, quan điểm của ông như thế nào?

Ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Đúng là trong 4 tháng gần đây, kể từ tháng 11/2014, CPI tháng sau luôn giảm so với tháng trước (lần lượt là giảm 0,27%; 0,24%; 0,2% và 0,05%), nhưng đó không phải là hiện tượng giảm phát của nền kinh tế. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2015, các thành viên Chính phủ cũng đã thống nhất quan điểm này. CPI mấy tháng qua giảm chủ yếu là do giá xăng, dầu, giá gas trong nước điều chỉnh giảm mạnh theo giá thế giới, tác động làm giảm chỉ số giá các nhóm hàng giao thông, nhà ở và vật liệu xây dựng.

Nhưng không thể chỉ lấy lý do giá thế giới giảm dẫn tới CPI giảm để khẳng định chúng ta không có giảm phát, thưa ông...

Giảm phát của nền kinh tế được phản ánh qua hiện tượng cung vượt cầu, dẫn tới suy giảm sản xuất trong nước. Tuy nhiên, tình hình sản xuất trong nước 2 tháng đầu năm vẫn phát triển tốt, sức mua tăng cao. Các con số cụ thể mà tôi có thể dẫn chứng là sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm nay tăng 12% so với 2 tháng đầu năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,4% của cùng kỳ năm trước. Tương tự, sức mua - biểu hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ - cũng tăng tới 10,7% so với cùng kỳ các năm trước (2 tháng năm 2014 chỉ tăng 6,2%, còn 2 tháng năm 2013 tăng 3,6% - PV).

Chưa kể, lạm phát cơ bản tháng 2/2015 vẫn tăng 0,36% so với tháng trước và tăng 0,6% so với tháng 12/2014. Bình quân 2 tháng đầu năm vẫn tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Hơn nữa, những dấu hiệu gần đây cho thấy, giá xăng dầu có thể nhúc nhích tăng, giá điện có thể cũng sẽ tăng, qua đó tác động CPI trong những tháng tới. Vì thế, không thể nói là nền kinh tế đang có giảm phát.

Cuối năm ngoái, Chính phủ đã đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2015 ở mức 5% để có tốc độ tăng trưởng cao hơn. Nhưng sau 2 tháng, lạm phát đang âm 0,25%. Liệu điều này có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và chúng ta phải làm sao để kích thích nền kinh tế phát triển?

Các giải pháp điều hành nền kinh tế đã được Chính phủ ban hành ngay từ đầu năm. Tôi cho rằng, quyết liệt và đồng bộ thực hiện các giải pháp này là điều kiện quan trọng để nền kinh tế có thể về đích kế hoạch năm 2015.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, có thể xem xét điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa theo hướng linh hoạt hơn. Mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng được đặt ra trong năm nay là 13-15%, chúng ta có thể nới lên 16-17%, nhưng điều quan trọng là phải đưa được dòng tiền này vào khu vực sản xuất, cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chứ không phải đến với bất động sản hay chứng khoán.

Hai tháng đầu năm nay, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 0,96%, trong khi cùng kỳ năm 2014 giảm 1,67%. Tôi cho rằng, đây là một tín hiệu tích cực.

Với chính sách tài khóa, cần tính toán kỹ vấn đề thu - chi ngân sách, nhất là trong giai đoạn giá dầu biến động như hiện nay; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn ODA... để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Một số nền kinh tế trên thế giới vừa tung ra các gói kích thích kinh tế. Liệu Việt Nam có cần tính đến phương án này không, thưa ông?

Đúng là một số nền kinh tế tăng trưởng trì trệ đã tung ra các gói kích thích kinh tế. Chúng ta cũng cần các giải pháp để kích thích kinh tế, nhưng không phải bằng cách tung ra một khoản tiền như đã từng làm trước đây, mà cách tốt nhất là tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi để tạo niềm tin cho thị trường, khuyến khích các khu vực kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân phát triển.

Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế và cần phải đẩy mạnh hơn, nhất là với tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước... Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đang được đẩy mạnh, nhiều doanh nghiệp nhà nước đang được cổ phần hóa, nhưng nên hạn chế việc Nhà nước bỏ tiền mua cổ phần, mà nên để khu vực tư nhân được tham gia quá trình này. Đó chính là cách để Việt Nam có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư