Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Không có ngoại lệ đối với gian lận xuất xứ
Khánh Linh - 15/11/2019 16:28
 
Chiều ngày 15/11, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các bộ, cơ quan liên quan về tình hình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/0) và công tác phòng chống gian lận xuất xứ.
.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc làm việc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhắc đến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngay khi bắt đầu cuộc làm việc của Tổ công tác.

Theo đó, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để tiêu thụ tại Việt Nam và xuất khẩu ra các thị trường trên thế giới.

“Nhưng Thủ tướng cũng yêu cầu không để lợi dụng việc cấp C/O để lẩn tránh xuất xứ hàng hóa, gian lận thương mại vì điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của môi trường đầu tư Việt Nam”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Trước buổi làm việc này, Tổ công tác đã làm việc riêng với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan về các quy định liên quan đến cấp C/O và những nghi vấn về việc giả mạo xuất xứ.

“Cuộc làm việc này cần làm rõ những vướng mắc nếu có về thể chế, cách thức phối hợp giữa các cơ quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi truyển tải thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là không có ngoại lệ với hành vi gian lận và giả mạo xuất xứ hàng hóa. Tôi cũng nêu vấn đề mà báo chí đang đặt ra, là nếu chúng ta không làm tốt việc này, thì đây sẽ là trung tâm của những hàng hóa gian lận xuất xứ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Hiện tại, hoạt động cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt nam được thực hiện bởi hai cơ quan là Bộ Công thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Cụ thể, các loại C/O ưu đãi về thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do dô Bộ Công thương cấp. Bộ Công thương ủy quyền cho VCCI một số loại C/O form A, B, GSTP và C/O không ưu đãi theo quy định của nước nhập khẩu.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng số lượng cấp C/O của VCCI là 472.742 bộ C/O, tăng 2,36% so với cùng kỳ. Trong số này, chủ yếu là cấp 2 loại C/O mẫu A và mẫu B.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, số lượng này đang có xu hướng giảm do nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển từ đề nghị cấp C/O mẫu B không ưu đãi tại VCCI san các loại C/O ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do do Bộ Công thương cấp. Đồng thời, Cơ chế REX – Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ khi xuất khẩu hàng hóa sang EU, naUY, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thay thế việc cấp C/O mẫu A cho hàng hóa xuất khẩu đến các thị trường này từ năm 2019 dẫn đến số lượng cấp C/O của VCCI sẽ giảm khoảng 30-40%.

"Bên cạnh việc phân loại mặt hàng có nguy cơ để tăng cường kiểm tra một cách hợp lý, chúng tôi đã và tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp hiểu rõ về C/O, những hậu quả nếu gian lận xuất xứ, để doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định", đại diện VCCI nói.

Đặc biệt, VCCI kiến nghị thành lập nhóm tham vấn cho một số ngành hàng được cho là có nguy cơ bị các ước áp dụng các biện pháp tự vệ...

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, số lượng hồ sơ cấp C/O ưu đãi 882.000 bộ trong 10 tháng đầu năm 2019, trung bình 1 năm hơn 1 triệu bộ.

“Chúng tôi đã thực hiện phân luồng, hiện đại hóa và cấp C/O qua Internet... để đảm bảo thuận lợi cho việc thực hiện”, ông Khánh cho biết.

Đặc biệt, ông Khánh nhấn mạnh, việc tham gia các FTA không làm gia tăng các trường hợp gian lận xuất xứ. Thực tế cấp C/O trong 20 năm qua đã chứng tỏ điều ấy. Chưa bao giờ Văn phong chính phủ bận tâm về việc này.

Nhưng giai đoạn vừa qua, không chỉ Chính phủ, Văn phòng Chính phủ mà cả báo chí đặc biệt quan tâm đến việc này. Lý do do những chênh lệch phát sinh do quyết định đánh thuế rất cao của một nước với hàng hóa nước khác, nên phát sinh tình trạng gian lận xuất xứ lẩn tránh xuất xứ.

“Phải nhấn mạnh, gian lận xuất xứ rất khác lẩn tránh xuất xứ. Với những khái niệm mới về lẩn tránh xuất xứ, cần phải làm rõ vì doanh nghiệp cũng có thể bị ảnh hưởng rất lớn, dù không gian lận xuất xứ”, ông Khánh nói và cho rằng, cần phải giải thích rõ để các doanh nghiệp nắm được thông tin, tránh trường hợp bị vạ lây.

Để giải quyết vấn đề này, ông Khánh đề nghị cần có sự chủ động hơn, dù đã vào cuộc rất sớm, ngăn chặn được nhiều vụ việc, của tất cả các cơ quan liên quan.

"Phải xác định rõ thị trường có nguy cơ, mặt hàng nào có nguy cơ để có giải pháp trọng tâm, trọng điểm, chứ không thể vì việc này mà gây khó khăn cho doanh nghiệp", ông Khánh nói.

Bên cạnh đó, ông Khánh cũng để nghị các cuộc làm việc với các thị trường nguy cơ để có giải pháp phù hợp.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, sẽ không có việc kiểm tra toàn bộ các doanh nghiệp đề nghị cấp C/O, nhưng với các doanh nghiệp, mặt hàng nguy cơ, cần phải có giải pháp để tránh việc doanh nghiệp lợi dụng.

"Các cơ quan cấp C/O phải xác định rõ trách nhiệm, chứ không thể nói là đã làm đúng cả. Chúng ta xác định tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhưng có cơ chế kiểm soát để không để xảy ra khả năng lợi dụng để gian lận xuất xứ", ông Dũng nhấn mạnh.

Kết quả cuộc làm việc sẽ được báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa còn nhiều lỗ hổng
Ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) nhận định, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa nhiều khả...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư