Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Không tạo sự đối đầu
A.H - 20/05/2013 05:35
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) không cho rằng, sự ra đời của Co.opXtraplus và tới đây là Co.opXtra sẽ tạo nên đối trọng mang tính đối đầu trong thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam

Thưa bà, sự đặt chân của Saigon Co.op vào phân khúc đại siêu thị chắc chắn sẽ làm thay đổi bản đồ thị phần của thị trường phân phối, bán lẻ. Bà nhìn nhận điều này như thế nào?

Việc mở rộng các hình thức phân phối, bán lẻ hiện đại là xu hướng tất yếu và được khuyến khích.

Đại siêu thị là một hình thức mới với các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng đang được rất quan tâm.

Sự kết hợp giữa Saigon Co.op và NTUC FairPrice cũng đã được ấp ủ khá nhiều năm. Sự ra đời của Co.opXtraplus và tới đây là Co.opXtra chứng tỏ đã đến thời điểm doanh nghiệp Việt Nam thực sự nhìn thấy hiệu quả và tự tin đầu tư vào phân khúc này.

Quan điểm của tôi là, dù mô hình đại siêu thị ở Việt Nam chưa nhiều, chủ yếu vẫn thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, song sự xuất hiện của đại siêu thị mới không có nghĩa là có sự đối đầu.

Rõ ràng, cơ hội đầu tư vào thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam vẫn đang nằm trong tầm ngắm của cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Động thái này có thể nói là tích cực khi thị trường bán lẻ Việt Nam không có tên trong bảng xếp hạng top 30 quốc gia hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài theo đánh giá của A.T Kearney (Mỹ).

Có thể nói, một cuộc cạnh tranh mới đã bắt đầu giữa doanh nghiệp nội mới đặt chân và những ngoại binh đang lấn sân?

Để bình luận về tỷ lệ lấn sân của các doanh nghiệp ngoại trong thị trường phân phối, bán lẻ thì cần phải có những đánh giá, phân tích trên cơ sở các con số thống kê đầy đủ. Rất tiếc, đến giờ vẫn chưa có được nghiên cứu nào như vậy.

Tuy nhiên, cũng có thể thấy, những tên tuổi lớn của thế giới đang kinh doanh mô hình đại siêu thị ở Việt Nam như Big C, Metro.

Về phía doanh nghiệp Việt Nam, trên cơ sở những thông tin mà Hiệp hội có được, thì doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ có sự gia tăng mạnh mẽ cả về chất và lượng. Rõ nhất là quan điểm sẵn sàng cạnh tranh của họ. Trước đây vài năm, khi Việt Nam bắt đầu từng bước thực thi các cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc mở cửa thị trường phân phối, bán lẻ, rất nhiều doanh nghiệp nội đề nghị được bảo hộ. Hiện tại, câu chuyện này đã không còn được nhắc tới.

Trong hành động, các doanh nghiệp có những chiến lược rất rõ ràng. Có doanh nghiệp không mở rộng nhanh, nhưng đặt chân vững chắc trên địa bàn họ chọn và giữ uy tín với khách hàng, như Citimart, Maximark, Fivimart. Có doanh nghiệp tận dụng cơ hội để mở rộng hệ thống như Vinatex, Nguyễn Kim, Trần Anh...

Ngay cả Saigon Co.op có chiến lược rất rõ, giữ chân ở hệ thống Co.op Mart và liên doanh trong mô hình đại siêu thị...

Lâu nay, liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài chủ yếu ở hình thức chuỗi bán lẻ, các cửa hàng tiện lợi với quy mô nhỏ và vừa, nhưng cũng không phải thực sự thành công như họ mong muốn. Khi tham gia mô hình đại siêu thị, bà có lo ngại sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt yếu hơn?

Liên doanh là hình thức tốt để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được lợi thế của các bên. Chính các doanh nghiệp nắm rõ nhất bài toán kinh tế mà họ đang tham gia.

Đứng từ quan điểm của AVR, tôi cho rằng, thị trường Việt Nam còn rất nhiều khoảng trống, cả về hình thức, mô hình và hướng đi. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tìm được hướng đi thích hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu của mình.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư