Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Không thành lập mới khu công nghiệp, khu kinh tế
Mạnh Bôn - 14/03/2014 15:20
 
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp (KCN), trong đó tổng hợp chung kết quả rà soát quy hoạch KCN của các địa phương, lưu ý không đề xuất bổ sung mới KCN. >>> >>> >>> >>>

Thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về phát triển khu kinh tế (KKT), KCN vừa được Văn phòng Chính phủ công bố. Theo đó, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đặc biệt đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công thương trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia gắn với hệ thống bản đồ số về KKT, KCN để cung cấp thông tin cho các bộ ngành, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và cho các doanh nghiệp tìm hiểu về cơ hội đầu tư.

Không thành lập mới khu công nghiệp, khu kinh tế
Các KKT, KCN đã có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, nhưng cần
rà soát, điều chỉnh để ngày càng gia tăng hiệu quả

Nhờ đó, KKT, KCN thời gian qua đã có đóng góp quan trọng và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp, tỷ lệ xuất khẩu, tỷ trọng GDP…

Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của KKT, KCN bộc lộ không ít hạn chế, như tỷ lệ lấp đầy còn thấp so với yêu cầu; điều kiện thu hút doanh nghiệp có nơi còn dễ dãi, chưa chú trọng vấn đề công nghệ, bảo vệ môi trường, nhà ở công nhân; mô hình quản lý chưa nhất quán và hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo…

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về KKT, KCN.

Trong đó, các chỉ tiêu phải phản ánh toàn diện hoạt động của KKT, KCN trên các lĩnh vực; tổ chức cập nhật thường xuyên để theo dõi tiến độ, khó khăn, vướng mắc của từng KKT, KCN và các dự án đầu tư, tổng hợp thông tin phục vụ kịp thời cho công tác quản lý.

Rà soát, nắm cụ thể tình hình hoạt động của dự án đầu tư vào KKT, KCN; tổ chức các đoàn công tác làm việc với các địa phương về giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN có tỷ lệ lấp đầy thấp và giải pháp tháo gỡ khó khó khăn, xử lý kiên quyết các dự án đầu tư thuộc nhóm IV và V.

Hoàn thành Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước đối với KKT, KCN từ Trung ương tới địa phương theo hướng thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về KKT, KCN, đảm bảo tinh giản, gọn nhẹ, phù hợp với thực tế của các địa phương.

Nghiên cứu, tiếp tục hỗ trợ ngân sách Trung ương hàng năm để hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp cho các địa phương, trong đó ưu tiên các địa phương có khả năng và điều kiện thuận lợi phát triển các cụm công nghiệp.

Trong khi đó, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ tổng kết, đánh giá việc áp dụng thuế nhập khẩu đối với KKT, KCN; nghiên cứu, đề xuất việc bổ sung ưu đãi thuế nhập khẩu đối với KKT, KCN trong trường hợp cần thiết; giải quyết kiến nghị của địa phương liên quan đến áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KKT, KCN, thu tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với dự án đầu tư vào KKT, KCN.

Theo Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các KKT, khu kinh tế cửa khẩu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thực hiện thì tính đến cuối năm 2011, cả nước có 18 KKT, trong đó có 15 KKT ven biển gồm, Vân Đồn, Đình Vũ - Cát Hải, Nghi Sơn, Đông Nam Nghệ An, Vũng Áng, Hòn La, Chân Mây-Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Nam Phú Yên, Vân Phong, đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới, Định An và Năm Căn.

Đến hết năm 2011, tổng số vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các KKT ven biển trên cả nước là gần 250.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trong nước khoảng chiếm 30% tổng vốn đầu tư, vốn đầu tư nước ngoài chiếm 70% tổng vốn đầu tư. Các KKT ven biển đã thu hút được hơn 31 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và gần 564 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Riêng trong năm 2011, các KKT ven biển đạt tổng doanh thu khoảng 8 tỷ USD, xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD, đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 20 nghìn tỷ đồng, th hút 30.000 lao động.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận định, chủ trương xây dựng KKT để hình thành nên khu vực kinh tế năng động, thúc đẩy sự phát triển chung, tạo tiền đề thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài là chủ trương đúng đắn. Việc thành lập KKT đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất, mặt nước, tạo điều kiện cho các địa phương giải quyết việc làm, thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư