Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Khu kinh tế Dung Quất hút dòng vốn đầu tư
Hoàng Thủy - 15/06/2014 09:40
 
Sự thành công của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Tổ hợp công nghiệp Doosan kết hợp chiến lược phát triển hạ tầng mạnh mẽ, Khu kinh tế Dung Quất đang tạo sức hút lớn đối với dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Dự án tỷ đô đánh thức Duyên hải miền Trung
Lọc dầu Dung Quất sẽ vận hành trở lại vào tháng 7
Quảng Ngãi muốn thiết lập Đặc khu kinh tế Dung Quất
Cổ phần hóa Lọc dầu Dung Quất: Chờ đối tác khủng

Ông Phạm Như Sô, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, kiêm Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất cho biết, mục tiêu xây dựng Khu kinh tế Dung Quất là trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, trên cơ sở các ngành chủ lực như hóa dầu, hóa chất cùng các loại hình công nghiệp nặng quy mô lớn như luyện cán thép, đóng tàu biển…

Hơn nữa, Dung Quất được định hướng trở thành thành phố công nghiệp mở trong tương lai, có trung tâm lọc hóa dầu, trung tâm thương mại, trung tâm dịch vụ cảng…

  Khu kinh tế Dung Quất hút dòng vốn đầu tư  
 

Khu kinh tế Dung Quất hút dòng vốn đầu tư bằng những dự án thành công

 

“Với chiến lược hiện hữu, việc quy hoạch, phát triển và thu hút đầu tư khu kinh tế đang là một vấn đề được tỉnh rất quan tâm và đây cũng là áp lực để Dung Quất thật sự phát triển đúng tầm”, ông Sô nói và cho biết, Khu kinh tế Dung Quất đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch, với diện tích từ 10.300 ha lên hơn 45.332 ha (tăng gấp 4,5 lần).

Cũng theo ông Sô, việc mở rộng Khu kinh tế Dung Quất nhằm tạo điều kiện để Quảng Ngãi giải quyết bài toán thu hút đầu tư, nhưng cũng là bài toán khó trong việc phát triển hạ tầng, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Điều đáng ghi nhận là, sau khi quy hoạch, rất nhiều nhà đầu tư lớn đã tìm đến. Điển hình là Dự án Nhà máy nhiệt điện do Tập đoàn Semcorp đầu tư có công suất 1.200 MW; Dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) với quy mô đầu tư cả 2 giai đoạn lên đến 1.200 ha. Tổng vốn đầu tư hai dự án này lên đến 3 tỷ USD.

Để một khu kinh tế thật sự thu hút nhà đầu tư, vấn đề đầu tiên chính là quy hoạch và phát triển hạ tầng sao cho tương xứng, cũng như hấp dẫn nhà đầu tư. Chuẩn bị cho việc này, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và Liên danh Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd - Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Cảng - Đường thủy (TEDIPORT) đã tiến hành ký kết hợp đồng tư vấn lập quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2.000 khu bến cảng Dung Quất II. Cảng này được quy hoạch trên cơ sở Vịnh Dung Quất II, nơi có độ sâu cách bờ 3 km là 24 m, chiều dài đường bờ là 9 km. Cảng có thể đón tàu có trọng tải 250.000 - 300.000 DWT, tạo tiền đề để phát triển Cụm công nghiệp nặng Dung Quất II. Khi Dung Quất II hình thành sẽ tạo ra vùng đất khoảng 5.000 ha để phát triển công nghiệp nặng và khoảng 2.000 ha để phát triển công nghiệp phụ trợ.

Bên cạnh đó, Quảng Ngãi đang đề nghị Chính phủ hỗ trợ có mục tiêu từ nguồn thu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất. Chưa kể, đến năm 2015, Khu kinh tế Dung Quất sẽ thu hút 13 tỷ USD vốn đầu tư, thu ngân sách đạt 16.000 tỷ đồng, trong đó kiến nghị trích 10% (khoảng 1.500 tỷ đồng/năm) từ tổng thu đó để thực hiện mục tiêu tạo nguồn vốn 7.500 tỷ đồng đầu tư hạ tầng cho Dung Quất.

Song song đó, Quảng Ngãi đang xúc tiến đầu tư các hạng mục giao thông quan trọng, như Tuyến đường Dốc Sỏi - cảng Dung Quất (vốn đầu tư 65 tỷ đồng), đã hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng; đường Trì Bình - Dung Quất, vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng đang kêu gọi nhà đầu tư theo hình thức BT; đường Tịnh Phong - Dung Quất 2 (14 km), vốn 2.000 tỷ đồng sẽ giao Sở Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư…

Nói đến Dung Quất, ngoài Tổ hợp lọc hóa dầu, phải nhắc đến Doosan Vina, thuộc Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc), một tập đoàn đa quốc gia chuyên về điện, nước và thiết bị phát triển cơ sở hạ tầng thế giới, với doanh thu hàng năm đạt 22 tỷ USD.

Doosan Vina chuyên sản xuất và cung cấp sản phẩm cơ sở hạ tầng kỹ thuật làm biến đổi và giúp cuộc sống con người ngày một hiện đại hơn, như lò hơi cho nhà máy điện nhiệt; thiết bị thu hồi nhiệt làm tăng hiệu quả sản xuất điện của một nhà máy điện điển hình lên 30%; thiết bị khử muối nước biển thành nước sinh hoạt; hệ thống cẩu trục có mặt tại các cảng, trung tâm ngành hậu thế giới và thiết bị xử lý hóa chất…

Ông Hang Ha Ryu, Tổng giám đốc Doosan Vina cho biết, Doosan đã đạt nhiều thành tựu to lớn, với năng suất sản xuất của toàn Công ty đạt tổng cộng hơn 34.000 tấn thiết bị công nghệ cao “Made in Vietnam” đã được xuất khẩu sang 10 thị trường lớn trên thế giới.

“Doosan đã chế tạo 2 nồi hơi lớn nhất chưa từng sản xuất tại Việt Nam cho nhà máy Nhiệt điện Kudgi (Ấn Độ), sản xuất hai thiết bị thu hồi nhiệt (tổng công suất 880 MW) cho Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, chế tạo và xuất khẩu 28 cẩu trục siêu trường siêu trọng đang hoạt động trên cảng biển Singapore và Ấn Độ, xuất khẩu thành công trên 3.750 tấn các loại bình bồn áp lực, tháp chưng cất và thiết bị trao đổi nhiệt…”, ông Hang Ha Ryu cho biết.

Cũng theo ông Hang Ha Ryu, Doosan Vina đã cung cấp việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho trên 2.500 lao động, doanh thu thuần trong năm đạt 165 triệu USD, đóng góp vào ngân sách tỉnh Quảng Ngãi gần 750.000 USD và tác động kinh tế hàng năm ước đạt 60 triệu USD.

“Sự thành công vượt bật của Doosan sẽ là minh chứng rõ ràng nhất giúp các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghiệp phụ trợ và công nghiệp công nghệ cao… nhận thấy được môi trường đầu tư tại Khu kinh tế Dung Quất, hứa hẹn sẽ mang lại thành công cho họ trong tương lai, nếu lựa chọn Dung Quất”, ông Sô khẳng định.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng bày tỏ mong muốn được thành lập mô hình Đặc Khu kinh tế Dung Quất, hoặc Thành phố Dung Quất. Bước đi này nhằm xây dựng mô hình quản lý đủ mạnh, để tập trung giải quyết hai nhiệm vụ quan trọng của Khu kinh tế Dung Quất hiện nay là quản lý kinh tế và xã hội.

“Mô hình mới này là để thử nghiệm các thể chế, chính sách mới, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, gắn kết quản lý kinh tế với xã hội, môi trường, an sinh xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế. Qua đó, có thêm kinh nghiệm hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực sâu hơn”, ông Sô cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư