Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Khuyến cáo tiêm vắc-xin phòng cúm A
D.Ngân - 01/08/2022 13:51
 
Cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra vào mùa Đông - Xuân, khi chuyển giao giữa hai mùa (cúm do mùa).

Bệnh Cúm A gây ra bởi các chủng của virus cúm A như H1N1, H5N1, H7N9… Bệnh lây lan qua đường hô hấp thông qua các hạt bụi nước, giọt bắn li ti dính virus được thải ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng.

Theo chuyên gia, cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra vào mùa Đông - Xuân, khi chuyển giao giữa hai mùa (cúm do mùa). 

Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày; nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Ở người mắc cúm A hay gặp nhất là tình trạng viêm phổi; đặc biệt bệnh nhân có thể viêm phổi dạng tiến triển nhanh, có thể suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Đối với trẻ em, bác sĩ Đặng Thị Thúy cảnh báo, triệu chứng ban đầu của nhiễm cúm A hay bệnh cúm mùa nói chung và nhiễm các virus gây viêm đường hô hấp khác là tương tự nhau, trẻ đều có thể có sốt, viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, sổ mũi), đau họng… 

Do vậy, khi trẻ có những dấu hiệu này, cha mẹ thường rất khó phân biệt được có phải trẻ mắc cúm A hay không.

Tuy nhiên, ngoài các triệu chứng ban đầu như trên, trẻ nhiễm cúm A thường sốt cao 39-40 độ C, da mắt sung huyết, họng đỏ sung huyết toàn bộ, trẻ mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, nhiều trường hợp nặng có cảm giác khó thở, viêm phổi, viêm tiểu phế quản.

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin phòng cúm chủ động, thời điểm tiêm thích hợp là trước lúc giao mùa đông xuân khoảng 3 tháng (tháng 7-9 hàng năm) để cơ thể kịp sản sinh những kháng thể cần thiết để chống lại virus gây bệnh. 

Virus cúm không ngừng biến đổi, sau một năm thì kháng thể cũng dần ít đi, do vậy nên tiêm phòng nhắc lại hàng năm.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, cúm A là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, giống như Covid-19. Để phòng bệnh, người dân vẫn cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc đông người ở các hội họp đám đông; nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang lưu hành.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, trong đó có cúm A, người dân cần thực hiện bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối.

Mỗi người cũng cần ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng phòng bệnh.

Người dân cần hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. 

Liên quan tới vắc-xin cúm A, các nhà nghiên cứu ở Đại học Miami, bang Florida (Hoa Kỳ) đã có một nghiên cứu đánh giá số liệu trên 2 nhóm bệnh nhân mắc Covid-19, có 37.377 bệnh nhân mỗi nhóm.

Các bệnh nhân phân bố ở Hoa kỳ, một số quốc gia châu Âu, Israel, Singapore.

Số liệu trên bệnh nhân được thu thập và phân ra 2 nhóm: Nhóm có sử dụng vắc xin phòng cúm mùa (trước khi mắc từ 6 tháng đến 2 tuần) và nhóm kia bao gồm các bệnh nhân không chủng ngừa vắc xin cúm mùa trước đó.

Kết quả nghiên cứu này cho thấy đã có sự giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng huyết, đột quỵ, tắc tĩnh mạch sâu trên nhóm bệnh nhân mắc COVID-19 đã tiêm phòng vắc-xin cúm mùa trước đó từ 2 tuần đến 6 tháng.

Nghiên cứu cũng chỉ ra khả năng phải nhập điều trị tại đơn vị điều trị tích cực (ICU) cũng giảm tới 20% trên nhóm có tiêm vắc-xin phòng cúm mùa.

Nghiên cứu đã cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cúm. Làm như vậy có thể giúp tránh đại dịch "kép” sự bùng phát đồng thời của cả bệnh cúm và COVID-19.

Đồng thời giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế, tăng cường sự bảo vệ ở các quốc gia mà vắc xin COVID-19 chưa được cung cấp đầy đủ. Tuy nhiên vắc xin cúm mùa không thể thay thế vắc xin COVID-19, vì vậy vẫn cần tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ.

Trong số các vắc xin cúm A đang lưu hành hiện nay, vắc xin phòng cúm mùa 4 chủng bất hoạt (2 chủng nhóm A và 2 chủng nhóm B) (Quadrivalent) có thể sử dụng cho mọi đối tượng từ 6 tháng tuổi giúp phòng bệnh theo khuyến cáo WHO hằng năm cho các quốc gia Bắc bán cầu.

Được biết ở nước ta, tại Hệ thống tiêm chủng Safpo, vắc xin cúm mùa 4 chủng (Quadrivalent) đang được sử dụng để tiêm phòng đáp ứng cho nhu cầu của người dân.

Vắc xin Quadrivalent có thể sử dụng an toàn trên phụ nữ có thai, trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ.

Phụ nữ có thai khi được tiêm chủng vắc xin cúm mùa có thể bảo vệ được bản thân và cả em bé sau khi sinh. Chưa ghi nhận được biến cố nghiêm trọng của vắc xin phòng cúm mùa bất hoạt đối với thai nhi và thai phụ .

Để phòng chống bệnh cúm mùa, người từ trên 6 tháng tuổi nên tiêm chủng vắc xin cúm mùa hằng năm (do các chủng virus cúm có thể thay đổi hằng năm).

Nhóm ưu tiên đặc biệt bao gồm trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi, người >50 tuổi, người có bệnh phổi tim phổi, gan, thận mạn tính, , rối loạn huyết học, chuyển hóa (gồm tiểu đường, người suy giảm miễn dịch) và phụ nữ mang thai.

Nghiêm cấm lợi dụng cúm A để nâng giá thuốc
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế yêu cầu bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt thuốc điều trị cúm A; không để...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư