
-
Hợp tác Việt Nam - Na Uy hướng tới chuyển đổi hàng hải xanh
-
Samsung sử dụng điện mặt trời mái nhà cho nhà máy tại Việt Nam
-
Giải pháp công nghệ thúc đẩy phát triển cảng biển xanh từ Schneider Electric
-
Hải Phòng muốn tái đầu tư nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon -
Hà Nội đẩy mạnh tăng trưởng lĩnh vực kinh tế ngành với 36 nhóm chỉ tiêu
Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đã và đang trở thành một thách thức nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường sống và sự phát triển kinh tế - xã hội.
![]() |
Giao thông đường bộ, đặc biệt là xe máy, được xác định là nguồn phát thải lớn nhất đối với hầu hết các chất ô nhiễm. |
Dù nguyên nhân đã được chỉ ra từ lâu, nhưng việc kiểm kê nguồn phát thải một cách bài bản để “bắt đúng bệnh” vẫn là lỗ hổng lớn trong quản lý môi trường hiện nay.
Tại Hội thảo khoa học Quốc gia về kiểm soát, cải thiện chất lượng môi trường không khí do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức ngày 24/4, nhiều chuyên gia, nhà khoa học nhấn mạnh vai trò then chốt của công tác kiểm kê khí thải.
Theo PGS-TS.Hồ Quốc Bằng (Đại học Quốc gia TP.HCM), kiểm kê khí thải chính là “công cụ chẩn đoán” quan trọng để xác định đâu là thủ phạm chính gây ô nhiễm.
Dựa trên số liệu thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 8,4 triệu dân, hơn 6 triệu xe máy, gần 687 nghìn ô tô và gần 2.000 cơ sở sản xuất phát sinh khí thải. TP.HCM có gần 9 triệu dân, hơn 7,3 triệu xe máy, 637 nghìn ô tô và hơn 2.700 nhà máy. Giao thông đường bộ, đặc biệt là xe máy, được xác định là nguồn phát thải lớn nhất đối với hầu hết các chất ô nhiễm.
Cụ thể, tại Hà Nội, giao thông chiếm tới 87% lượng NOx, 92% CO, 57% SO₂, 86% VOC, 96% bụi mịn PM10 và 74% PM2.5. Tình trạng này tương tự tại TP.HCM, nơi xe máy đóng góp tới 97,8% CO, 42,9% NMVOC, 71,8% CH₄, 37,7% SO₂, 69,2% NOx và 18% PM2.5.
Dữ liệu từ Cục Môi trường cho thấy ô nhiễm không khí hiện tập trung tại hai khu vực kinh tế trọng điểm: phía Bắc (với trung tâm là Hà Nội) và phía Nam (với TP.HCM). Bụi mịn PM2.5, loại hạt siêu nhỏ có khả năng xâm nhập sâu vào hệ hô hấp đang là tác nhân nguy hiểm nhất.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), giai đoạn 2019 - 2020, bụi từ giao thông và xây dựng chiếm tới 17% nồng độ PM2.5 tại Hà Nội. Báo cáo cũng chỉ ra rằng công nghiệp là nguồn phát thải lớn nhất, chiếm tới 29% lượng PM2.5 vào năm 2015. Tại các tỉnh lân cận như Bắc Ninh và Hưng Yên, ô nhiễm chủ yếu đến từ làng nghề và đốt phụ phẩm nông nghiệp.
Đáng chú ý, hiện Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu kiểm kê khí thải chính thức và đầy đủ nào do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện. Đây là một lỗ hổng lớn trong quá trình hoạch định chính sách kiểm soát ô nhiễm hiệu quả.
Trước thực trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết đang tích cực rà soát và xây dựng các chính sách chiến lược như Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí, và kế hoạch quản lý cấp tỉnh. Đồng thời, thiết lập mạng lưới trạm quan trắc tự động, liên tục nhằm giám sát, cảnh báo và dự báo xu hướng ô nhiễm.
Đặc biệt, Cục Môi trường đang xem xét siết chặt quy chuẩn khí thải đối với ô tô, xe máy; đồng thời nghiên cứu áp dụng các biện pháp quản lý như: hạn chế xe cá nhân vào giờ cao điểm, tổ chức thanh tra, xử phạt các hành vi đốt rác thải, rơm rạ, xử lý khí thải tại công trường, nhà máy.
Bên cạnh đó, các giải pháp xanh như chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang điện mặt trời, điện gió và thủy điện nhỏ, phát triển “đô thị thông minh” với hệ thống giao thông tự động hóa cũng được thúc đẩy.
Tại một hội thảo khác gần đây cũng về môi trường, ở góc độ học thuật, nhiều nhà khoa học Việt Nam đã và đang nỗ lực áp dụng công nghệ mới vào kiểm soát ô nhiễm.
Tiêu biểu, nhóm nghiên cứu của PGS-TS.Nguyễn Thị Nhật Thanh (Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phát triển mô hình dự báo PM2.5 bằng trí tuệ nhân tạo với độ phân giải 1km, có thể dự báo trước 7 ngày với sai số thấp. Hệ thống được tích hợp WebGIS, cập nhật theo thời gian thực, hỗ trợ cả người dân lẫn nhà quản lý trong việc chủ động ứng phó với ô nhiễm.
PGS-TS.Nguyễn Đức Lượng (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho biết Bắc Kinh từng là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới đã kiểm soát ô nhiễm thành công sau hơn 20 năm nỗ lực nhờ cơ chế giám sát chặt chẽ, hệ thống pháp lý nghiêm ngặt, và đặc biệt là mô hình “Phương tiện - Nhiên liệu - Đường sá”. Đây là bài học quý giá mà Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi để xây dựng giải pháp mang tính hệ thống.
Đưa ra những giải pháp cho vấn nạn ô nhiễm môi trường, theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, với nhóm giải pháp về quy hoạch và đầu tư hạ tầng, mục tiêu của nhóm này là phát triển đồng bộ hệ thống giao thông, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật đô thị, đồng thời bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, Bộ ủng hộ việc triển khai thử nghiệm mô hình “vùng phát thải thấp” tại Hà Nội, một mô hình đã thành công tại nhiều quốc gia và có thể mở rộng ra TP.HCM và các đô thị lớn khác.
Nhóm giải pháp về kiểm soát nguồn phát sinh khí thải: Bộ sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn khí thải theo hướng nghiêm ngặt hơn.
Đồng thời, xây dựng lộ trình giảm phát thải, thúc đẩy chuyển đổi sang hệ thống giao thông xanh và sử dụng năng lượng sạch. Đầu tư vào hệ thống quan trắc hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để dự báo, cảnh báo chất lượng không khí là xu hướng cần thiết và sẽ được đẩy mạnh.
Bên cạnh hai nhóm giải pháp trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đề nghị Quốc hội tiếp tục phát huy vai trò giám sát trong việc thực thi chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường. Đồng thời, tích hợp yêu cầu bảo vệ môi trường vào các luật chuyên ngành như Giao thông, Xây dựng, Quy hoạch… một cách đồng bộ và hiệu quả.
Bộ cũng kiến nghị xem xét tăng tỷ lệ ngân sách dành cho công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là ưu tiên đầu tư vào xử lý ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn và các lưu vực sông trọng điểm.

-
Kiểm kê khí thải: Chìa khóa để giải quyết ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn -
ESG là vũ khí để thu hút đầu tư -
Đề xuất lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả -
Nông nghiệp công nghệ cao cần thêm nguồn lực từ doanh nghiệp -
Hải Phòng muốn tái đầu tư nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon -
Hà Nội: Hơn 1.000 ha đất lúa được chuyển đổi mục đích sử dụng hàng năm -
Hà Nội đẩy mạnh tăng trưởng lĩnh vực kinh tế ngành với 36 nhóm chỉ tiêu
-
Chất lượng làm nên thương hiệu: Bí quyết phát triển sản phẩm của Orenda
-
Beyond Digital - Dấu ấn CMC tại sự kiện công nghệ lớn nhất Hàn Quốc
-
Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket thông báo tìm kiếm địa điểm đầu tư (lần 2)
-
Acecook Việt Nam và hành trình 30 năm phát triển cùng đất nước
-
Bệnh viện Thuận Mỹ ITO Đồng Nai, thành viên Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ được vinh danh Doanh nghiệp phát triển vững mạnh 2025
-
Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket thông báo tìm kiếm địa điểm đầu tư (lần 1)