Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 05 năm 2024,
Kiểm soát vấn nạn lừa đảo bán thực phẩm chức năng
D.Ngân - 03/01/2024 19:39
 
Liên tiếp các vụ lừa đảo bán thực phẩm chức năng diễn ra khiến cơ quan quản lý buộc phải tăng cường các giải pháp.

Nói về vấn nạn lừa đảo bán thực phẩm chức năng, theo bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, tình trạng giả mạo giáo sư, bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện có uy tín, thậm chí giả mạo cả thầy lang và người bệnh để giới thiệu, quảng cáo bán thực phẩm chức năng xuất hiện chủ yếu trên mạng xã hội.

Liên tiếp các vụ lừa đảo bán thực phẩm chức năng diễn ra khiến cơ quan quản lý buộc phải tăng cường các giải pháp.

Thủ đoạn của các đối tượng là livestream mặc quân phục, mặc áo bác sĩ, giới thiệu đã điều trị khỏi cho rất nhiều bệnh nhân, đưa ra bằng chứng giả mạo để người dân tin.

Đối tượng còn trực tiếp điện thoại đến người bệnh, đặc biệt người cao tuổi để giới thiệu, tư vấn thuốc, kèm theo thủ đoạn đe dọa về sức khoẻ và dẫn dắt người bệnh tin, bỏ số tiền lớn để mua và theo những liều điều trị của đối tượng giả mạo.

Vì tin vào đối tượng giả mạo, nhiều người tiêu dùng đã phải chi khoản tiền rất lớn để mua thực phẩm chức năng, có người ngoài khả năng chi trả phải vay mượn.

Bên cạnh thiệt hại về kinh tế, thì thiệt hại về sức khoẻ và tính mạng là vô cùng nguy hiểm. Hầu hết các đối tượng thường không bán thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đã được cơ quan nhà nước cấp công bố, mà bán thực phẩm chức năng chưa được phép lưu hành, thực phẩm chức năng giả, hay tự sản xuất, tự bán mà không được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Người tiêu dùng khi sử dụng những thực phẩm chức năng này, không những không khỏi được bệnh mà còn ảnh hưởng tới sức khoẻ, làm lỡ cơ hội chữa bệnh.

Chưa kể, nguy hiểm hơn, thời gian vừa qua, Cục An toàn thực phẩm đã phát hiện nhiều thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trôi nổi chứa chất cấm. Bộ Y tế đã ban hành được Thông tư về danh mục các chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Với các mối nguy hại nêu trên theo bà Trần Việt Nga, Cục An toàn thực phẩm đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan như Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để ngăn chặn tình trạng giả mạo này. 

Bên cạnh đó, Bộ Y tế tổ chức các cuộc hội thảo trực tuyến, có các buổi làm việc giữa Cục An toàn thực phẩm và các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn quảng cáo giả mạo, cũng như cung cấp những nguồn tin có giá trị cho cơ quan Công an để điều tra, xử lý. Bộ Y tế cũng có nhiều công văn đề nghị phối hợp với các Bộ, ngành để quyết liệt xử lý tình trạng giả mạo bán thực phẩm chức năng trên không gian mạng.

Gần đây nhất, Cục An toàn thực phẩm đã trình lãnh đạo Bộ Y tế ký Công văn số 4318/BYT-ATTP ngày 10/7/2023 gửi Bộ Công an và các Bộ liên quan, cùng với UBND và Sở Y tế các tỉnh, thành phố tập trung giải quyết vi phạm quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm còn phối hợp chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương để kiểm soát các website thương mại điện tử và yêu cầu gỡ bỏ các website vi phạm.

Bộ Y tế cũng trực tiếp làm việc với đại lý quảng cáo, facebook để đưa ra những yêu cầu về phía Việt Nam liên quan đến việc phát hành thông tin quảng cáo không đúng sự thật trên facebook.

Đồng thời, thường xuyên cảnh báo trên website của Cục An toàn thực phẩm những quảng cáo sai phạm, thông tin giả mạo để người tiêu dùng biết và nhận diện, tránh bị mắc lừa. Sự phối hợp này bước đầu đã đạt được những kết quả đáng kể.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng thông tin, cơ quan này luôn tuyên truyền người sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ các quy định của pháp luật;

Đồng thời đảm bảo hàng sản xuất, kinh doanh của mình phải đúng, đủ điều kiện an toàn thực phẩm, phải ghi nhãn mác thông tin đầy đủ. Việc kiểm soát bán hàng đa cấp do Bộ Công thương quản lý và Bộ đã ban hành hệ thống văn bản pháp luật kiểm soát bán hàng đa cấp…

Về phía người dân, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, khi có bệnh phải đi khám bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Còn thực phẩm bảo vệ sức khoẻ chỉ có tác dụng hỗ trợ nâng cao sức khoẻ, không có tác dụng điều trị. Nếu quảng cáo thực phẩm chức năng uống vào khỏi bệnh là không đúng.

Người dân cần có chế độ ăn phù hợp, có hiểu biết và lựa chọn thực phẩm phù hợp; phải có kiến thức và đa dạng hoá bữa ăn và phải hiểu cơ thể mình thiếu gì, có bệnh gì, để có sự lựa chọn. Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ là bổ sung cho chế độ ăn hàng ngày, không phải dùng để điều trị các loại bệnh.

Để giải quyết tình trạng giả danh bác sĩ bán thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, trong thời gian tới, theo bà Nga, Cục An toàn thực phẩm tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc phát hiện, xử lý vi phạm, cung cấp nguồn tin có giá trị cho lực lượng Công an để điều tra, xử lý những đối tượng, đường dây lừa đảo, đưa chất cấm vào sản xuất.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về hiểu đúng, dùng đúng, làm đúng đối với thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Bất kể quảng cáo nào có sử dụng hình ảnh bác sĩ, hoặc ngôn từ trong quảng cáo như tôi là người bệnh đã sử dụng sản phẩm này trong 1-2 tháng và khỏi bệnh, hay người nổi tiếng quảng cáo tôi sử dụng sản phẩm này đã khỏi hẳn bệnh trong thời gian 2-3 tháng thì người dân đều phải cảnh giác. 

Những quảng cáo phù hợp đối với thực phẩm bảo vệ sức khoẻ bao giờ cũng phải có câu: “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng như thuốc chữa bệnh”.

Một loạt thực phẩm chức năng vi phạm quảng cáo
Bộ Y tế cảnh báo quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Zamasstu-new, Xavakamit, Botalyzil, Castodi, XMPOW12, LEHUTRA-CURCUMIN vi phạm quy định của pháp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư