Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu
Thế Hải - 01/09/2023 14:33
 
Quản lý thị trường phối hợp với các Sở Công thương thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp.
Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Nguyễn Thanh Bình vừa ký ban hành công văn số 1936/TCQLTT-CNV ngày 31/8/2023 gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công thương và Tổng cục Quản lý thị trường trong kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Ước tính mỗi năm, Việt Nam cần khoảng 21-22 triệu tấn xăng dầu các loại cho tiêu dùng, sản xuất (trong đó nguồn cung trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, còn lại nhập khẩu).

7 tháng 2023, hai nhà máy lọc dầu trong nước sản xuất được khoảng 8,1 triệu tấn xăng dầu các loại, riêng Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chiếm 53% sản lượng.

Ngoài ra, gần 7,4 triệu tấn xăng dầu đã được Việt Nam nhập về trong 8 tháng, trị giá 5,94 tỷ USD.

Chủ động phối hợp với Sở Công thương địa phương và lực lượng chức năng tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất với việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp.

Cùng đó, xử lý nghiêm hành vi găm hàng chờ tăng giá, trục lợi trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Mặt khác, tăng cường quản lý địa bàn, chủ động phối hợp nắm tình hình với lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an xây dựng phương án, kế hoạch nghiệp vụ để phòng ngừa, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng dầu trên các tuyến biên giới, vùng biển.

Thủ trưởng cơ quan quản lý thị trường chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo, tổ chức giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay hoặc làm ngơ cho đối tượng vi phạm.

Trong chỉ thị mới ban hành, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối thực hiện đầy đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm nay đã được phân giao. Doanh nghiệp chủ động nguồn hàng (trong nước, nhập khẩu), thực hiện dự trữ, cung cấp đủ xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.

Tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh. Doanh nghiệp đầu mối cũng có trách nhiệm chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối hợp lý để không gián đoạn cung ứng cho thị trường.

Để thị trường trong nước không gián đoạn nguồn cung, Bộ trưởng Công thương yêu cầu các Cục, Vụ theo dõi sát thực hiện tổng nguồn cung xăng dầu tối thiểu năm nay của các thương nhân đầu mối kinh doanh.

Trường hợp cần thiết, các đơn vị tham mưu cho lãnh đạo Bộ điều chỉnh phân giao tổng nguồn tối thiểu và quy định cụ thể tiến độ nhập khẩu, mua hàng trong nước; bổ sung hạn mức nhập cho một số thương nhân có năng lực, bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư