Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kiến nghị thay đổi phương pháp xét nghiệm để gỡ khó cho doanh nghiệp
D.Ngân - 26/09/2021 10:14
 
Theo các chuyên gia y tế, dù xét nghiệm là cần thiết, song doanh nghiệp có thể chủ động thay đổi phương pháp thực hiện để giảm áp lực về chi phí.

Thời gian qua, các doanh nghiệp tại một số tỉnh, thành phố đã được yêu cầu triển khai “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất và hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh Covid-19. 

Theo các chuyên gia y tế, dù xét nghiệm là cần thiết, song doanh nghiệp có thể chủ động thay đổi phương pháp thực hiện để giảm áp lực về chi phí.

Tuy nhiên, đến nay, chiến lược này đang gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bởi chi phí xét nghiệm cao. Một số đại diện doanh nghiệp thậm chí chia sẻ nếu tiếp tục như hiện nay, công ty của họ sẽ khó có thể trụ vững.

Các chuyên gia dịch tễ cho rằng trong tình hình dịch hiện nay, khi vắc-xin chưa thể bao phủ toàn dân, việc làm này vẫn cần thiết để chúng ta kiểm soát các mối nguy cơ tiềm ẩn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể chủ động thay đổi phương pháp thực hiện để giảm áp lực về chi phí.

Theo một số chuyên gia, chỉ khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 giảm, Việt Nam bao phủ được 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn dân, các doanh nghiệp với có thể dừng “3 tại chỗ', thay thế xét nghiệm liên tục như hiện nay bằng xét nghiệm ngẫu nhiên.

Song bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải luôn đề phòng, tổ chức xét nghiệm chủ động cho những trường hợp có yếu tố nguy cơ như ho, sốt..., hay nhóm được giao nhiệm vụ phải thường xuyên giao lưu với cộng đồng bên ngoài.

Cụ thể, các doanh nghiệp có thể không cần xét nghiệm cho toàn bộ nhân sự. Thay vào đó, chúng ta chủ động tổ chức lấy mẫu đơn xét nghiệm cho người có yếu tố nguy cơ. Những người còn lại, không ra ngoài, có thể cho lấy mẫu gộp hoặc xét nghiệm ngẫu nhiên. Cách làm này có thể giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp, tránh để xảy ra tình trạng kiệt quệ do chi phí xét nghiệm.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nêu kiến nghị Việt Nam có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp test nhanh kháng nguyên Covid-19 thay vì chỉ sử dụng phương pháp rRT-PCR. 

Nguyên nhân là test nhanh phần nào cũng giúp giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời rút ngắn thời gian chờ đợi kết quả, tránh ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, vận chuyển.

Với test nhanh, vị chuyên gia này cho rằng Bộ Y tế có thể xem xét phương án cho các doanh nghiệp tổ chức tự xét nghiệm.

Khi test nhanh, doanh nghiệp tự xét nghiệm phải có sự hướng dẫn, chịu trách nhiệm bởi một cơ sở y tế nhất định nhằm kiểm soát kỹ thuật, đảm bảo hồ sơ, giấy tờ, chứng thực việc test nhanh trên thực tế.

Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cũng nhấn mạnh khi để doanh nghiệp tổ chức tự xét nghiệm bằng test nhanh, chúng ta cũng phải đảm bảo được nguồn gốc xuất xứ của bộ kit, loại kit đã được Bộ Y tế cấp phép hay chưa.

Còn theo GS. TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, các chuyên gia trên thế giới vẫn thường xuyên có các tranh cãi về việc áp dụng các biện pháp để bảo đảm hài hòa, cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người với vấn đề kinh tế

Ông lấy ví dụ về việc Hà Nội xét nghiệm thần tốc diện rộng đã giúp rút ngắn thời gian giãn cách, giảm thiệt hại về kinh tế, làm người dân yên tâm. Theo ông, vừa qua, nếu Hà Nội không xét nghiệm diện rộng để giảm thời gian giãn cách xã hội thì chi phí toàn xã hội cho việc giãn cách sẽ lớn hơn rất nhiều so với chi phí để xét nghiệm.

Khi quyết định sống chung với Covid-19, đồng nghĩa Việt Nam sẽ chấp nhận việc tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới, không thể có khái niệm "Zero Covid-19". Song, chúng ta vẫn phải kiểm soát được dịch, không để số ca mắc tăng quá cao vì tỷ lệ tiêm vắc-xin còn thấp.

Trong điều kiện đó, khi để số ca mắc tăng cao, những trường hợp diễn biến nặng, phải nhập viện cũng nhiều hơn, gây quá tải hệ thống y tế và dẫn đến tỷ lệ tử vong tăng theo. Chưa kể, nguy cơ tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp tập trung số lượng nhân công cao vẫn đáng lo.

Ngoài việc thay đổi phương pháp xét nghiệm, cần tính toán các biện pháp tổng thể để kiểm soát dịch bệnh nói chung, từ đó sẽ giúp các doanh nghiệp tái sản xuất.

Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho hay, để đánh giá việc kiểm soát tình hình dịch, theo tôi, chúng ta có thể tính toán số ca mắc Covid-19 trên 100.000 dân/tuần dựa trên thực tế ở từng địa phương.

Ngoài ra, để kiểm soát được dịch ở thời điểm hiện tại, các địa phương vẫn phải duy trì hệ thống giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch để triển khai biện pháp phòng, chống kịp thời.

Cụ thể, chúng ta vẫn cần áp dụng các biện pháp phong tỏa ổ dịch, tuy vậy, cần đánh giá tốt yếu tố nguy cơ, đảm bảo "nguy cơ đến đâu, phong tỏa đến đó", tránh tình trạng ngoài chặt, trong lỏng hay phong tỏa quá rộng, không theo nguy cơ mà gây ảnh hưởng tới kinh tế, an sinh xã hội của người dân.

Đồng thời, người dân vẫn phải thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân theo thông điệp 5K của Bộ Y tế. Việc thực hiện tốt 5K có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.

"Tôi nghĩ mỗi ngành nghề, mỗi bộ ngành cần sớm xây dựng các phương án an toàn một cách phù hợp nhất. Ví dụ, thời gian tới, người dân sẽ tham gia giao thông như thế nào, doanh nghiệp tổ chức thương mại ra sao", ông Phu nói.

Đối với ngành Y tế, chúng ta sẽ phải luôn đảm bảo số lượng giường bệnh nhất định. Khi không may dịch xảy ra, số lượng bệnh nhân phải nhập viện lớn, hệ thống điều trị lúc này sẽ không bị quá tải dẫn đến giảm trường hợp không được can thiệp y tế, từ đó gây tử vong.

Đà Nẵng: Công dân có xét nghiệm PCR âm tính được về quê đoàn tụ
Đà Nẵng tạo điều kiện cho công dân thường trú, tạm trú có nguyện vọng đến/trở về các tỉnh, thành phố với nhiều lý do cấp bách, công vụ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư