Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Kinh tế 2018: Thành quả tăng trưởng không còn là lâu đài cát
Vượt 0,38 điểm phần trăm so với mức trần mục tiêu tăng trưởng 6,7%, đạt mức 7,08% tăng trưởng GDP, được xem là một thành tích điều hành kinh tế khá ấn tượng của Chính phủ trong năm 2018.

Thành tích ấn tượng

Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên với con số tăng trưởng này, nhưng nếu nhìn kỹ lại từng ngày trên chặng đường đã qua với nhiều nỗ lực của Chính phủ, có thể thấy, kết quả này hoàn toàn xứng đáng.

Đặc biệt, Thủ tướng và nhiều bộ trưởng đã có những hoạt động như thể không biết mệt mỏi, từ làm việc với các bộ, ngành đến việc xuống các địa phương để kích hoạt cải cách và thúc đẩy các động lực phát triển; từ gặp gỡ người dân, các cơ quan đoàn thể, tổ chức cho đến giới doanh nghiệp để khơi dậy niềm tin và khát vọng vào một Việt Nam hùng cường; từ các cuộc đối thoại trong nước đến các cuộc tiếp xúc ngoại giao, tham dự các sự kiện đối ngoại, diễn đàn quốc tế, xúc tiến đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam cũng như tìm kiếm các cơ hội phát triển đất nước. 

Nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast với tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD đã đi vào hoạt động sau hơn 1 năm xây dựng. Ảnh: Đức Thanh
Nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast với tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD đã đi vào hoạt động sau hơn 1 năm xây dựng. Ảnh: Đức Thanh

Không chỉ tăng trưởng cao, chất lượng tăng trưởng cũng đang có dấu hiệu cải thiện nhìn ở một số chỉ báo. Tăng trưởng tín dụng năm 2018 chỉ khoảng 15%, thấp hơn nhiều so với mức 17 - 18% của các năm trước. Nền kinh tế bắt đầu đi vào chiều sâu hơn, thay vì chủ yếu dựa trên sự mở rộng; cơ cấu giá trị đã dần dịch chuyển sang những phân tầng có giá trị gia tăng cao hơn; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào mức tăng trưởng 7% năm nay ước đạt 1,83 điểm phần trăm, cao hơn nhiều so với các năm trước. 

Đặc biệt, mặc dù tăng trưởng kinh tế cao, nhưng kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục giữ được sự ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát dưới 4%, thị trường tiền tệ và thị trường ngoại hối không có nhiều xóa trộn lớn. Điều này có nghĩa, tăng trưởng đã không còn là lâu đài cát như nhiều năm trước đây, khi lạm phát và bất ổn vĩ mô được ví những lớp sóng biển xóa nhiều thành quả phát triển. 

Bốn thách thức lớn

Bên cạnh những kết quả tích cực, nền kinh tế vẫn còn đối diện nhiều khó khăn và hạn chế, phần nhiều trong đó là các nút thắt cũ đã được nói đến nhiều, nhưng chưa được tháo gỡ hoặc chưa được giải quyết tận gốc, phần còn lại là các thách thức mới nổi lên và đậm nét hơn trong năm 2018. Dưới đây là một số thách thức trong số đó:

Thứ nhất, sự tiếp tục gia tăng tiền lương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động là một vấn đề đáng quan ngại. Mặc dù lao động dồi dào và tiền lương giá rẻ đã được cảnh báo sẽ không còn nữa, song hiện tại vẫn là một lợi thế của Việt Nam theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. 

Rõ ràng, Chính phủ cũng không thể kìm hãm sự gia tăng tiền lương vì mức lương trung bình hiện nay vẫn còn thấp so với mức sống của xã hội và những đòi hỏi về phúc lợi của người dân. Tuy nhiên, việc tăng lương cần phải dựa trên sự gia tăng của năng suất lao động, tức là tìm cách cải thiện năng suất lao động là cái gốc của vấn đề. 

Cải thiện năng suất lao động cũng là cơ sở để gia tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh tham gia sâu rộng hơn vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Khác với những hiệp định FTA truyền thống, việc cắt giảm thuế quan (và do đó mở ra cơ hội xuất khẩu đối với doanh nghiệp hay tiêu dùng đối với hộ gia đình) không còn là trọng tâm của các hiệp định FTA thế hệ mới, thay vào đó, các cải cách về thể chế, cải thiện năng lực quản trị nhà nước, thúc đẩy cạnh tranh công bằng, giảm chi phí giao dịch, trao cơ hội cho người dân, thúc đẩy vốn con người… mới thực sự mang lại lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế. 

Thứ hai, các cải cách khu vực tài chính đã giúp củng cố bảng cân đối tài sản của hệ thống ngân hàng. Lợi nhuận, vốn và chất lượng tài sản của phần lớn các ngân hàng đã được cải thiện đáng kể nhờ sự tăng trưởng cao của nền kinh tế, sự cải thiện của thị trường tài sản và việc tăng tốc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội. Tuy nhiên, một số ngân hàng vẫn còn đối diện với nhiều rủi ro, nợ xấu còn cao, biên lợi nhuận thấp và năng lực vốn tự có yếu. Ba ngân hàng được Nhà nước mua lại vẫn chưa thấy tương lai thế nào. Một số ngân hàng cổ phần vẫn loay hoay với việc tái cơ cấu

Ngay cả các ngân hàng lớn có sở hữu nhà nước thì đệm vốn tự có vẫn còn mỏng nếu so với các ngân hàng trong khu vực ASEAN, trong khi khả năng sử dụng lợi nhuận để tăng vốn bị hạn chế do chính sách điều tiết cổ tức của Chính phủ (cũng là do hệ quả của thâm hụt ngân sách). Nói chung, đệm tài chính của nhiều ngân hàng vẫn mỏng, các khuôn khổ chính sách kinh tế vĩ mô vẫn còn thiếu sự linh hoạt, khiến khả năng ứng phó trước các biến động bất thường của hệ thống tài chính thường chậm và bị động. 

Thứ ba, theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ nợ công đang có xu hướng giảm dần từ 63,7% GDP năm 2016 xuống 62,6% năm 2017, cuối năm 2018 ước giảm còn 61,4% GDP và năm 2019 có khả năng giảm còn 61,3% GDP. Mặc dù nợ công vẫn duy trì tính bền vững, nhưng không gian tài khóa cần được cải thiện hơn nữa mới có thể tăng khả năng ứng phó với các thách thức nảy sinh trong trung hạn. 

Đặc biệt, nợ nước ngoài của quốc gia là một chỉ báo cần được chú ý. Thống kê cho thấy, nợ nước ngoài năm 2017 là 45,2% GDP; năm 2018 là 49,7% GDP và dự kiến năm 2019 là 49,9% GDP - coi như chạm trần 50% GDP quy định của Quốc hội. Theo dự báo của IMF (2018), nợ nước ngoài có khả năng tiếp tục tăng lên và chạm mức 54% vào năm 2023. Mặc dù nợ nước ngoài của quốc gia tăng thời gian qua chủ yếu do vay nợ nước ngoài của khu vực tư nhân, bao gồm các khoản vay thương mại và đặc biệt là các khoản vay của VinFast hay của ThaiBev vay mua cổ phần của Sabeco, song rủi ro của nợ nước ngoài tư nhân vẫn không thể xem nhẹ.

Thứ tư, cán cân thương mại hàng hóa năm 2018 ước thặng dư 2,6% GDP. Tuy nhiên, sự mất cân đối thương mại vẫn diễn ra ngày càng lớn giữa một khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng thặng dư lớn và một khu vực nội địa (cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân) tiếp tục thâm hụt. 

Cụ thể, trong khi khu vực FDI đạt thặng dư thương mại xấp xỉ 12,75% GDP, thì khu vực doanh nghiệp nội địa thâm hụt lên đến gần 10,15% GDP. Sự phân kỳ giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước tiếp tục được nới rộng ra.

Nhiều doanh nghiệp FDI có quy mô lớn là các tập đoàn đa quốc gia bắt đầu đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều, nhờ đó giúp Việt Nam xuất hiện nhiều hơn trên bản đồ xuất khẩu của thế giới. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, nhìn chung vẫn có quy mô rất nhỏ, năng suất thấp (chỉ bằng 1/5 của khu vực FDI), xuất khẩu chủ yếu vẫn là các sản phẩm nông nghiệp có tỷ lệ chế biến thấp. 

Mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, giảm các rào cản gia nhập ngành, nhưng nhìn chung, các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đối diện với rất nhiều khó khăn, rất khó tăng quy mô để tận dụng lợi thế kinh tế, cải thiện năng suất và liên kết với khu vực FDI năng động ở ngay trước cửa ngõ của mình. 

Trong khi đó, tiến trình cải cách và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm chạp. Các doanh nghiệp nhà nước vẫn án ngữ trong các ngành công nghiệp truyền thống độc quyền nhà nước, tiếp tục nhận được ưu đãi đi cùng với các yếu kém cố hữu. 

Động lực tăng trưởng của năm 2019

Năm 2018 khép lại, nhưng không có nghĩa là những thách thức của nó đã qua đi. Năm 2019 sẽ tiếp nối những thách thức cũ đan xen với nhiều cơ hội mới. Trước hết là Hiệp định CPTPP vừa được Quốc hội thông qua, kỳ vọng sẽ mang đến các động lực phát triển mới cho nền kinh tế bằng những cải cách cơ cấu và thể chế sâu rộng hơn. 

Tương tự, Hiệp định EVFTA cũng đã được Ủy ban châu Âu thông qua quyết định đệ trình lên Hội đồng châu Âu để ký chính thức. Việc xóa bỏ trên 99% thuế quan giữa Việt Nam và EU chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn là người dân. 

Mặc dù đóng góp của các hiệp định này đối với Việt Nam không hoàn toàn rơi vào năm 2019, nhưng nếu chủ động tiến hành các cải cách sớm và quyết liệt, thì tăng trưởng tiềm năng trung hạn của Việt Nam sẽ được thúc đẩy đáng kể. 

Khu vực FDI vẫn tiếp tục là một người chơi chính, đóng vai trò dẫn dắt tiến trình nâng cấp chuỗi giá trị, nâng cao năng suất và hấp thụ lao động từ khu vực nông nghiệp và phi chính thức.

Động lực tăng trưởng của năm 2019 cũng không khác nhiều so với năm 2018. Đó là cải thiện chất lượng vốn đầu tư trong nước đi cùng với dòng vốn FDI tiếp tục dịch chuyển vào do kỳ vọng lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam và các biến chuyển địa kinh tế thế giới do lo ngại về các căng thẳng thương mại gần đây; cải thiện năng suất trong các khu vực vẫn tiếp diễn nhờ sự dịch chuyển của lao động trong nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ; môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện theo hướng tốt hơn, cùng với các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp và khuyến khích đổi mới sáng tạo; tầng lớp trung lưu tiếp tục tăng nhanh, đô thị hóa tăng tốc và độ sâu tài chính được tăng cường giúp điều hướng tiêu dùng và đầu tư tư nhân. 

Để tăng tốc cho các động lực này, 3 ưu tiên chính sách mà Chính phủ cần theo đuổi trong năm 2019 bao gồm: 

Một là, tiếp tục giữ môi trường chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định. Tiếp tục củng cố các nền tảng vĩ mô lẫn vi mô của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực tài khóa - tiền tệ và khu vực kinh tế tư nhân, nhằm tăng khả năng chống chịu và hấp thụ các xung lực từ các biến động của nền kinh tế thế giới. Động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 vẫn tiếp tục duy trì ngay cả khi chính sách tiền tệ có sự thu hẹp nhẹ so với năm 2018 và một chính sách tài khóa trung lập.

Lạm phát tổng thể vẫn giữ được dưới mức 4%, nhưng sẽ có những thời điểm gặp áp lực bởi sự gia tăng giá thế giới, sự điều chỉnh tăng của giá dầu và giá một số dịch vụ công. Tác động của yếu tố tiền tệ đến lạm phát không quá lớn nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo đuổi mục tiêu kiểm soát chặt chất lượng dòng chảy tín dụng. 

Khu vực tài khóa phải tiếp tục được củng cố trong năm 2019. Dù thâm hụt ngân sách đang giảm dần nhưng vẫn ở mức cao, tỷ lệ nợ công giảm, nhưng còn rất nhiều yếu tố thiếu bền vững, đặc biệt là tỷ lệ chi thường xuyên cao và chi trả nợ đang tăng lên. Khu vực tiền tệ vẫn chịu sức ép lớn của bộ ba: lãi suất, tỷ giá và dòng vốn. Tích lũy ngoại tệ tiếp tục tăng, nhưng để kiểm soát được tăng trưởng cung tiền nhằm kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước buộc phải can thiệp vô hiệu hóa. Điều này có thể tác động lên lãi suất, ảnh hưởng đến khu vực sản xuất. 

Hai là, cải cách cơ cấu và thể chế kinh tế cần phải được tăng tốc để cải thiện tăng trưởng tiềm năng. Cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, bao gồm không chỉ việc cổ phần hóa, mà còn giảm các đặc quyền sở hữu đất, tiếp cận tín dụng và nhiều ưu đãi, bảo hộ khác. Khu vực FDI vẫn tiếp tục là một người chơi chính, đóng vai trò dẫn dắt tiến trình nâng cấp chuỗi giá trị, nâng cao năng suất và hấp thụ lao động từ khu vực nông nghiệp và phi chính thức.

Để đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch cơ cấu lao động, các nút thắt về chất lượng nhân lực cần được tích cực tháo gỡ để tận dụng cơn gió nhân khẩu học trước khi Việt Nam chuyển sang giai đoạn già hóa dân số. Bên cạnh việc tiếp tục tháo gỡ các trở ngại cho khu vực doanh nghiệp nội địa, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực thi các chính sách và chương trình hỗ trợ cho khu vực này. Vai trò, khả năng kết nối và sự lan tỏa của khu vực FDI chỉ được tăng cường một khi Việt Nam có được một khu vực doanh nghiệp nội địa mạnh làm đối tác. 

Ba là, thúc đẩy khởi nghiệp và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Năm 2018 có lẽ là năm Chính phủ nói nhiều đến vai trò của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Năm 2019 cần được xem là năm hành động của những thông điệp đưa ra của năm 2018. Đầu tư vào vốn nhân lực và hạ tầng chất lượng cao cần được xem là một ưu tiên chính sách nhằm cải thiện năng suất, nâng cấp môi trường kinh doanh và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. 

Theo đó, Chính phủ cần đặt chương trình nghị sự ưu tiên kể từ năm 2019 dành cho cải cách giáo dục, trong đó đặc biệt là giáo dục đại học, tập trung vào các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM); mạnh dạn cắt bỏ các sợi dây dư thừa, không phù hợp trong các chương trình đào tạo hiện nay, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có các kỹ năng tối thiểu và phù hợp trong thời đại cách mạng số. 

Mục tiêu tăng trưởng năm 2019 Chính phủ đặt ra là 6,6 - 6,8%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với mục tiêu của năm 2018. Với việc vượt 0,38 điểm phần trăm mục tiêu của năm 2018, để vượt 0,1 điểm phần trăm mục tiêu tăng trưởng của năm 2019 không phải là không có cơ sở. Nếu Chính phủ vẫn nhất quán với các tuyên bố cải cách và thúc đẩy mạnh mẽ và thực chất hơn việc thực thi các chính sách đã ban hành trong vài năm qua, cộng với những cải cách mới đang nằm trên bàn nghị sự, tận dụng tối đa các cơ hội, vượt qua thách thức, thì khả năng đạt mức tăng trưởng trên 7% là trong tầm tay.

Hé lộ kịch bản tăng trưởng GDP năm 2019
Dự kiến kịch bản tăng trưởng GDP năm 2019 đã được xây dựng cùng với Dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư