Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Kinh tế phục hồi tích cực, cả năm có thể vượt kế hoạch
Hà Nguyễn - 06/07/2022 10:09
 
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm phục hồi tích cực ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực và tăng trưởng GDP năm nay có thể vượt kế hoạch, đạt khoảng 7%.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Thưa Thứ trưởng, các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm là khá tích cực. Ông đánh giá thế nào về xu hướng phục hồi của nền kinh tế?

Có thể nói, 6 tháng đầu năm là giai đoạn kinh tế Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và những biến động khôn lường. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng cao…, khi xung đột Nga - Ukraine ngày càng căng thẳng. Ở trong nước thì khó khăn chồng thêm khó khăn, khi vừa trải qua 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, hoạt động sản xuất - kinh doanh mới vừa phục hồi đã phải đối mặt với tình trạng giá đầu vào tăng cao, mặt bằng lãi suất gia tăng, rồi thiên tai, bão lũ phức tạp…

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam 6 tháng qua, đặc biệt là trong quý II/2022, đã phục hồi ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Con số tăng trưởng 7,72% trong quý II và 6,42% trong 6 tháng đầu năm đã cho thấy điều này.

Cuối năm ngoái, khi Dự thảo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, chúng tôi đã xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế với tăng trưởng GDP 6 tháng ở mức 5,1-5,7%. Nhưng cuối cùng, tăng trưởng GDP 6 tháng đã vượt cả ngưỡng cao của kịch bản, cao hơn tăng trưởng của cùng kỳ năm ngoái và đã tương đương mức bình quân của các năm trước dịch. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, cho thấy những nỗ lực của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Điều quan trọng là, sự phục hồi đã diễn ra ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là sự phục hồi nhanh của khu vực dịch vụ, ước tăng tới 6,6%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ.

Không chỉ phục hồi nhanh, tăng trưởng kinh tế đạt khá, mà kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn, đặc biệt là cân đối ngân sách, được bảo đảm, hoạt động sản xuất - kinh doanh phục hồi nhanh, cơ bản tiệm cận mức tăng tại thời điểm trước dịch…

Như ông vừa nói, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, nhưng rõ ràng, áp lực lạm phát hiện nay là rất lớn, áp lực tăng chi phí đầu vào cũng vậy. Và điều này có thể ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế trong nửa cuối năm nay?

Đúng là như vậy. Hiện nay, lạm phát ở nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ đang gia tăng nhanh chóng, do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, khiến giá dầu, giá lương thực và nhiều loại nguyên vật liệu tăng cao. Là một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực.

Trong bối cảnh đó, việc Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đang ở mức 2,44% có thể coi là tích cực. Tuy nhiên, hiện nay, rủi ro, thách thức trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là rất lớn. Mặc dù theo CPI bình quân chỉ tăng 2,44%, nhưng CPI tháng 6/2022 đã tăng tới 3,18% so với cuối năm ngoái, gấp hơn 2 lần so với mức tăng cùng kỳ năm 2019 (1,41%).

Điều khiến chúng tôi lo lắng là những tác động dây chuyền làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, như giá xăng dầu, nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao. Chưa kể, tỷ giá, lãi suất cũng đang có xu hướng tăng; rồi thêm việc điều chỉnh tiền lương… cũng sẽ gây áp lực lên kinh tế vĩ mô, lạm phát của Việt Nam.

Theo tính toán của chúng tôi, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất đã tăng 6,04% trong 6 tháng qua, giá nhiều hàng hóa đầu vào nhập khẩu cũng tăng cao. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, trong triển khai các dự án đầu tư.

Như thông tin chúng tôi nhận được, đã xuất hiện tình trạng thu hẹp đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, do chi phí đầu vào, giá vật tư, phân bón tăng cao… Lĩnh vực công nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu thu hẹp sản xuất có thể ảnh hưởng đến nguồn cung phục vụ tiêu dùng, chế biến xuất khẩu trong thời gian tới.

Tương tự như vậy, từ quý IV/2020 đến nay, nhiều loại nhiên liệu, vật liệu có biến động giá lớn, làm tăng giá thành xây lắp từ 18 đến 30%. Điều này đã gây ảnh hưởng tới giải ngân vốn đầu tư công, nên cũng sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.

Đúng là rất nhiều địa phương đã lên tiếng về việc giá cả đầu vào tăng cao ảnh hưởng rất nhiều đến giải ngân vốn đầu tư công và thực tế là sau nửa năm, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm. Có giải pháp nào để xử lý vấn đề này, thưa Thứ trưởng?

Trong 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt 27,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, nếu không tính 24.000 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư của 3 chương trình mục tiêu quốc gia mới được Thủ tướng Chính phủ giao vào cuối tháng 5/2022, thì ước tỷ lệ giải ngân 6 tháng đạt 29,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, tương đương cùng kỳ năm 2021.

Con số này, theo tôi, không hẳn là thấp. Bởi thực tế giải ngân trong các năm 2016-2022 cho thấy, giải ngân 6 tháng đầu năm thường đạt khoảng 29-33% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, thấp nhất là năm 2021, đạt 29,02% (133.890 tỷ đồng); cao nhất là năm 2018, đạt 33,85% (130.000 tỷ đồng).

Xu hướng trong giải ngân vốn đầu tư công là đầu năm thường thấp và cuối năm tăng mạnh. Việc này do tâm lý của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu là ngại giải ngân nhiều lần, chủ yếu thực hiện vào thời điểm kết thúc năm. Đặc thù của chi đầu tư là đòi hỏi phải có quá trình thực hiện, tích lũy giá trị khối lượng hoàn thành mới thực hiện các thủ tục giải ngân tại kho bạc, đặc biệt là dự án mua sắm trang thiết bị phải hoàn thành toàn bộ gói thầu mới thực hiện thanh toán.

Tuy nhiên, cũng phải thấy là, giải ngân vốn đầu tư công không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Tới nay vẫn còn 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 6/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch và nguyên nhân thì có nhiều, bao gồm cả nguyên nhân chủ quan, khách quan và đặc thù của năm nay. Cũng có nguyên nhân từ việc giá nguyên vật liệu đầu vào biến động quá lớn, mà lại chưa có cơ chế xử lý đối với hợp đồng trọn gói. Không thể điều chỉnh đơn giá hợp đồng, càng làm càng lỗ, nên nhiều nhà thầu đã dừng thi công hoặc thi công cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn dự án.

Về giải pháp, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương và họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Các giải pháp này không chỉ có ý nghĩa ngắn hạn, trong 6 tháng trước mắt, mà bao gồm cả các giải pháp mang tính chất dài hơi hơn, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giảm Hệ số ICOR và tiết kiệm ngân sách. Khi các giải pháp này được thực hiện quyết liệt, hiệu quả, thì tình hình sẽ được cải thiện.

Vậy còn Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, thưa Thứ trưởng… Điều mà dư luận xã hội quan tâm là tiến trình thực thi chương trình này hiện đến đâu?

Theo số liệu tổng hợp của chúng tôi, sơ bộ đến nay, chúng ta đã giải ngân được trên 48.000 tỷ đồng trong tổng số trên 301.000 tỷ đồng của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội (không bao gồm 46.000 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD dự kiến sử dụng để nhập khẩu vắc-xin, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế, do việc thực hiện cần căn cứ tình hình, yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trên thực tế - PV). Như vậy, kết quả bước đầu cũng đáng ghi nhận.

Trong khi đó, đối với việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công thuộc Chương trình, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 3 dự án đường cao tốc quan trọng quốc gia (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu). Đồng thời, căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thông báo 149.201 tỷ đồng cho 113 nhiệm vụ, dự án của 55 bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

Chính phủ cũng đã yêu cầu phải hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án trước ngày 25/6/2022. Khi thủ tục đầu tư được hoàn thiện, thì tới đây, giải ngân vốn của Chương trình sẽ được cải thiện và hỗ trợ cho tiến trình phục hồi của nền kinh tế.

Thưa Thứ trưởng, nỗ lực của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương, của cả hệ thống chính trị đã góp phần quan trọng đưa nền kinh tế từng bước vượt qua thách thức để phục hồi tích cực. Nhưng khó khăn, rủi ro phía trước vẫn còn nhiều. Ông nhận định thế nào về triển vọng kinh tế năm 2022?

Như tôi đã nói ở trên, kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn đang đối mặt với những rủi ro, thách thức lớn. Dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các biến chủng mới; rủi ro địa chính trị, đặc biệt là căng thẳng Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt giữa các nước… sẽ có tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội toàn cầu và cả Việt Nam.

Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại, thậm chí một số quốc gia còn có nguy cơ rơi vào trạng thái suy giảm tăng trưởng, nhưng lạm phát vẫn tăng cao. Kinh tế Trung Quốc cũng sẽ tăng trưởng chậm lại. Việc quốc gia này tiếp tục thực thi chiến lược zero Covid sẽ làm giảm sức cầu thương mại, đầu tư, bao gồm cả nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu…

Trong khi đó, ở trong nước, các vấn đề về lạm phát, giá đầu vào tăng cao, sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán diễn biến phức tạp, du lịch phục hồi chưa đồng đều, một số cấu phần của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội thực hiện còn chậm, rủi ro tài khóa tăng lên… cũng đang ảnh hưởng tới xu hướng phục hồi của nền kinh tế.

Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7,0%, cao hơn mức phấn đấu cao khoảng 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (từ 6-6,5%), để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Để đạt được mức tăng trưởng này, thì quý III phải đạt mức tăng trưởng 9% và quý IV là 6,3%. Không có gì là dễ dàng, song tôi cho rằng, nếu chúng ta không lơ là, chủ quan, luôn theo dõi chặt chẽ tình hình và sẵn sàng phương án điều hành chủ động, linh hoạt, ứng phó kịp thời với diễn biến thế giới, đồng thời thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra, nhất là Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, thì nền kinh tế có thể vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm nay.

Kinh tế phục hồi tích cực, cả năm phấn đấu tăng trưởng GDP 7%
Trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ phấn đấu đạt mục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư