Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Kinh tế tuần hoàn là một công cụ mạnh mẽ để phục hồi nền kinh tế
Thanh Huyền - 06/07/2022 14:23
 
Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Kinh nghiệm và đề xuất chính sách của Nhật Bản cho công tác xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”.

Sáng 6/7, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE), Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT), tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm và đề xuất chính sách của Nhật Bản cho công tác xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”.

Kinh tế tuần hoàn được định nghĩa là một giải pháp có hệ thống giúp giải quyết các khủng hoảng toàn cầu như biến đổi khí hậu, chất thải nhựa và ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, dưới tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế tuần hoàn sẽ là một công cụ mạnh mẽ để có thể phục hồi nền kinh tế và xã hội theo hướng thân thiện với môi trường.

Hội thảo “Kinh nghiệm và đề xuất chính sách của Nhật Bản cho công tác xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”.

Theo Tiến sĩ Mai Thế Toản, Phó viện trưởng ISPONRE, Nhật Bản là quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực xử lý các vấn đề môi trường. Trong vấn đề kinh tế tuần hoàn, Nhật Bản đã có nhiều chính sách quan trọng. Từ năm 1999, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng chính sách tầm nhìn về kinh tế tuần hoàn, cập nhật lần thứ 2 vào năm 2020. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành đạo luật cơ bản về thiết lập xã hội tuần hoàn - vật chất an toàn vào năm 2000 và phát triển các kế hoạch cơ bản để thiết lập xã hội tuần hoàn - vật chất an toàn. “Kinh nghiệm của Nhật Bản, đặc biệt là mô hình 3R (Giảm thiểu, Tái sử dụng, Tái chế) hết sức quý báu đối với Việt Nam”, ông Toản khẳng định.

Ông Murooka Naomichi, Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết, cơ quan này sẽ tăng cường hợp tác với Bộ TNMT để thiết lập nền tảng pháp lý và định hướng chính sách vững chắc nhằm triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Ông Murooka Naomichi, Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Đại diện nhóm nghiên cứu JICA/ Nippon Koei, ông Tomoyuki Hosono, Trưởng dự án cho biết, tại Nhật Bản, ý tưởng về hệ thống “Kinh tế tuần hoàn” đã có từ năm 1999 để giải quyết những vấn đề thách thức của môi trường và tài nguyên  đối với sự phát triển bền vững của Nhật Bản trong thế kỷ 21 như hạn chế các bãi chôn lấp, giảm khả năng cạn kiệt tài nguyên khoáng sản trong tương lai, các vấn đề môi trường toàn cầu, hóa chất độc hại...

Nhật Bản đã tối đa hóa tài nguyên và hiệu quả năng lượng (giảm thiểu đầu vào của tài nguyên và phát thải chất thải), tăng cường quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp, người tiêu dùng và chính phủ (tối đa hóa lợi ích cho toàn xã hội), thiết lập hệ thống công nghệ công nghiệp mới (thiết lập hệ thống công nghệ định hướng tái chế), thúc đẩy các ngành liên quan đến môi trường (phát triển các loại hình công nghiệp mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp).

Nhật Bản đã tái thiết kế các giải pháp tái chế và chất thải của Nhật Bản hướng tới việc thiết lập hệ thống “Kinh tế tuần hoàn". Theo đó, xem xét các tiêu chí như lượng chất thải phát sinh, sự hữu ích của tài nguyên có trong sản, khắc phục những khó khăn trong việc xử lý và tiêu hủy sản...

Trong qua trình triển khai, nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra, như quản lý chất thải thì cần có các quy định pháp luật liên quan đến việc mở rộng kinh doanh trên thế giới, tận dụng các luật phù hợp; các hướng dẫn và đưa ra các cột mốc quan trọng, với việc áp dụng tối thiểu các biện pháp quản lý được đánh giá cao trong việc thúc đẩy các hoạt động công nghiệp tự nguyện, tính sáng tạo và độc đáo cho các doanh nghiệp tư nhân.

Cùng với đó, tích hợp các chính sách của Chính phủ được kết nối với nhau để việc thực thi chính sách được dễ dàng, thống nhất và đạt hiệu quả. Rất cần sự chung tay không chỉ của các cơ quan Chính phủ mà còn cả các bên liên quan khác. Đặc biệt, việc tổ chức các cuộc đối thoại giữa khối công và tư là rất cần thiết để thúc đẩy việc triển khai kinh tế tuần hoàn trong tất cả các hoạt động của đời sống.

Tại Việt Nam, theo Tiến sĩ Mai Thế Toản, vấn đề kinh tế tuần hoàn đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Luật Bảo vệ môi trường đã thể chế hóa, đưa 1 điều riêng về kinh tế tuần hoàn và Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định cụ thể về việc thực hiện nền kinh tế tuần hoàn và xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn.

Khái quát về định hướng xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, ông Lại Văn Mạnh, Trưởng Ban Kinh tế tài nguyên và môi trường (ISPONRE) cho biết, các bộ và UBND các tỉnh cần xây dựng kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn; lồng ghép các tiêu chí thực hiện cụ thể; tổ chức áp dụng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn đối với ngành, lĩnh vực năng lượng, nguyên liệu, chất thải; tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật; đồng thời, quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu thực hiện kinh tế tuần hoàn và tích hợp với hệ thống thông tin dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Song song đó, phía các doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện theo Kế hoạch hành động quốc gia, kế hoạch hành động của các bộ, UBND cấp tỉnh; đồng thời, thực hiện các giải pháp theo từng thứ tự ưu tiên, thiết kế mặt bằng tổng thể tối ưu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm định mức tiêu thụ tài nguyên đất, nước, năng lượng tại các khu công nghiệp, áp dụng các giải pháp giao thông thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính tại khu vực đô thị, tận dụng diện tích mái nhà để phát triển năng lượng mặt trời áp mái tại khu đô thị; thu gom, dự trữ để tái sử dụng nước mưa; thu hồi tái sử dụng nước thải sau xử lý; thực hiện các giải pháp về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường; đồng thời, khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn sớm hơn lộ trình được xác định trong Kế hoạch hành động của Chính phủ.

[Infographic] Phát triển kinh tế tuần hoàn góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh
Theo Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn là góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư