Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kinh tế Việt Nam có lo nguy cơ thiểu phát?
Hà Nguyễn - 28/09/2015 07:56
 
Việc chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2015 (CPI tháng 9/2015) giảm 0,21% so với tháng trước và chỉ tăng 0,4% so với tháng 12/2014 khiến không ít quan điểm cho rằng, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiểu phát. Có thực sự là như vậy?

Những lo ngại về vấn đề thiểu phát ở Việt Nam thực tế đã được đặt ra từ tháng trước, khi Tổng cục Thống kê công bố, CPI tháng 8/2015 giảm 0,07% so với tháng trước, và đây là lần đầu tiên trong vòng 10 năm qua, CPI tháng 8 giảm.

Xu hướng này tiếp tục trong tháng 9/2015, thậm chí theo chiều hướng mạnh hơn, khi đã giảm tới 0,21% so với tháng trước và chỉ tăng 0,4% so với tháng 12/2014.

Lạm phát thấp là do giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới giảm mạnh. Ảnh: Đức Thanh
Lạm phát thấp là do giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới giảm mạnh. Ảnh: Đức Thanh

 

Tháng 9 là tháng thứ 4 trong năm, CPI giảm so với tháng trước, khiến bình quân chung trong 9 tháng đầu năm, mỗi tháng, CPI chỉ tăng 0,04% - cũng là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Tương tự, đây cũng là lần đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ qua, lạm phát theo cách tính của Việt Nam sau 9 tháng mới chỉ ở mức 0,4%. Con số này của các năm 2008 và 2011, là hai năm Việt Nam lạm phát cao, tương ứng lên tới 21,87% và 16,63%. Năm ngoái, dù lạm phát cả năm ở mức thấp (1,84%), nhưng ở thời điểm hết quý III, con số này cũng là 2,25%.

Và thậm chí, nếu so với cùng kỳ, thì CPI tháng 9/2015 bằng 100% của cùng kỳ năm trước. Đây là điều ít khi xảy ra ở một nền kinh tế thường xuyên phải vật lộn trong vòng xoáy lạm phát cao như Việt Nam.

Tất cả những dấu hiệu này khiến dư luận không khỏi quan ngại về nguy cơ thiểu phát, thậm chí là giảm phát ở Việt Nam. Tờ Finacial Times đã dẫn các số liệu thống kê về CPI trong tháng 9/2015 để cho rằng, Việt Nam đang vào nhóm các quốc gia “mấp mé” bờ vực giảm phát, với một đợt sụt giảm nhu cầu, giá hàng hóa và chi phí sản xuất.

Tuy nhiên, trái với quan điểm này, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư đã khẳng định, Việt Nam còn xa mới phải tính đến câu chuyện giảm phát.

“Dự báo lạm phát thấp trong năm nay vì giá cả hàng hóa giảm, nhất là giá dầu, chi phí sản xuất - kinh doanh giảm. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng thời gian tới sẽ đẩy lạm phát tăng lên”, ông Sidgwick nói và cho biết, ADB dự báo, lạm phát của Việt Nam trong 2016 của Việt Nam có thể lên tới 4%.

Trong khi đó, lý giải về mức lạm phát cực thấp của Việt Nam, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, lạm phát thấp không phải do tổng cầu giảm mà hoàn toàn do yếu tố chi phí đẩy giảm. Và một trong những lý do cơ bản nhất, đó là giá dầu thô đã giảm mạnh trên thị trường toàn cầu, kéo theo giá đầu vào nhiều mặt hàng giảm mạnh.

Dẫn số liệu về lạm phát cơ bản, với 9 tháng ở mức 2,15% và lạm phát chung (CPI bình quân 9 tháng) là 0,74%, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, lạm phát cơ bản ở mức 2-3% như hiện nay là mức cân bằng, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh, sau cuộc họp với tổ chuyên gia tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ vào cuối tuần trước cũng đã một lần nữa khẳng định điều này với phóng viên Báo Đầu tư. “Không có chuyện thiểu phát hay giảm phát ở Việt Nam. Giá giảm, lạm phát thấp là do giá nhiều mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới giảm mạnh. Lạm phát thấp, nhưng vẫn có tăng trưởng cao”, ông Sinh nói.

Số liệu chưa được chính thức công bố, nhưng nhiều khả năng, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm vẫn ở mức cao, đưa tăng trưởng kinh tế cả năm vượt mục tiêu đề ra, đạt khoảng 6,5%. Đây là cơ sở để Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 với chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, thay vì 6,5% trước.

Câu chuyện hiện tại nằm ở chỗ, đã từng có một nghiên cứu của Học viện Chính sách Phát triển chỉ ra rằng, với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, ngưỡng lạm phát hợp lý phải là 6-7%, thì tăng trưởng kinh tế mới có thể ở mức cao được.

Nghiên cứu này đã nhận được sự đồng tình của không chỉ các chuyên gia kinh tế, mà cả các nhà hoạch định chính sách. Bởi vậy, tại phiên họp của Tổ công tác phối hợp điều hành kinh tế vĩ mô tháng trước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã “đặt hàng” các chuyên gia một câu hỏi rằng, vì sao lạm phát của Việt Nam thấp như vậy mà vẫn có tăng trưởng cao?

Nhìn một cách hoàn toàn lý thuyết, thì nếu lạm phát chỉ 2% thì làm sao Việt Nam có tăng trưởng được? Năm ngoái, lạm phát của Việt Nam là 1,84%. Năm nay, mục tiêu điều hành lạm phát là 5% để đảm bảo có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm ngoái (6,2%), nhưng với diễn biến hiện tại thì có thể, lạm phát năm nay còn thấp hơn cả năm ngoái.

“Lạm phát thấp, nhưng vẫn có tăng trưởng cao là vì sản xuất đang phục hồi, trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào thấp, dẫn tới hiệu quả sản xuất - kinh doanh cao hơn, và qua đó, tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế”, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh lý giải.

Trong khi đó, với câu hỏi về nghiên cứu của Học viện Chính sách Phát triển, vị chuyên gia này cho rằng, về dài hạn “vẫn sẽ phải như vậy”. Điều đó có nghĩa rằng, vẫn cần có một mức lạm phát hợp lý để kinh tế Việt Nam có một tốc độ tăng trưởng hợp lý.

Không có chuyện giảm phát
Chuyên gia cao cấp, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh khẳng định, không có chuyện nền kinh tế đang giảm phát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư