Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Kỳ bí Mai vàng Yên Tử
Thanh Sơn - 02/05/2016 21:34
 
Sự góp mặt lần đầu tiên của loài hoa Mai vàng kỳ bí đến từ vùng đất thiêng Yên Tử tại Lễ hội hoa Anh Đào - Mai vàng Yên Tử, Hạ Long 2016 đã góp phần tô điểm thêm cho nét đẹp của một điểm đến du lịch vốn đã rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội hoa Anh Đào - Mai vàng Yên Tử, Hạ Long 2016 với chủ đề “Hội nhập - Hợp tác - Phát triển” đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng du khách và người dân. Sự kiện do TP. Hạ Long và Hiệp hội Văn hóa quốc tế Wanokai (Nhật Bản) phối hợp tổ chức và cũng là một trong những hoạt động khởi đầu cho Tuần Du lịch Hạ Long - Quảng Ninh 2016.

Đây là lần thứ tư TP Hạ Long tổ chức Lễ hội hoa Anh Đào. Lễ hội năm nay có sự khác biệt rất lớn, khi kết hợp giữa hai loài hoa, một loại đặc trưng của xứ sở Mặt trời mọc (hoa Anh Đào - Nhật Bản) và một loài là đặc trưng riêng của Quảng Ninh (hoa Mai vàng Yên Tử). Lễ hội hoa chỉ riêng có ở Quảng Ninh này sẽ trở thành lễ hội thường niên từ năm nay, là dịp để tỉnh quảng bá hình ảnh Mai vàng đến với nhân dân Nhật Bản và du khách thập phương.

Du khách chụp ảnh với hoa Mai vàng Yên Tử tại lễ hội hoa năm nay
Du khách chụp ảnh với hoa Mai vàng Yên Tử tại lễ hội hoa năm nay

“Lễ hội hoa Anh Đào Hạ Long qua 3 lần tổ chức đã trở thành một hoạt động thường niên của Quảng Ninh, với quy mô và chất lượng từng bước được nâng cao, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác, thắt chặt tình hữu nghị giữa tỉnh và các địa phương, tổ chức của Nhật Bản. Đó là dịp để giới thiệu về hoa Anh Đào, một nét văn hoá Nhật Bản cũng như hình ảnh Vịnh Hạ Long và mảnh đất, con người Hạ Long, Quảng Ninh đến bạn bè, du khách gần xa”, ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP. Hạ Long cho biết.

Hoa Anh Đào của đất nước Nhật Bản xa xôi đã được biết đến khá rộng rãi, nhưng hoa Mai vàng tại Quảng Ninh còn là sự kỳ bí đối với nhiều du khách trong nước và quốc tế. Đây là loài cây đặc trưng của rừng núi Yên Tử, nở rộ nhất vào tháng ba và tháng tư hàng năm. Tuy cùng loài với hoa Mai vàng miền Nam, nhưng do được sinh trưởng, phát triển trong khí hậu, điều kiện thời tiết á nhiệt đới rất đặc trưng của miền Bắc, nên Mai vàng Yên Tử có những đặc điểm khác biệt, tượng trưng cho tinh thần bền bỉ, vượt lên mọi khó khăn.

Hoa Mai vàng Yên Tử có màu vàng chanh tươi, khi nở có 5 cánh (loại khác có 6 cánh) hình rẻ quạt, xếp thưa, tách rời nhau, viền hoa lượn sóng và có mùi thơm dịu nhẹ. Hoa nở thành chùm, búp và lá non màu xanh non, mọc chùm đầu cành. Quả mai vàng Yên Tử gồm 7-10 quả đơn, được sắp xếp thành một vòng tròn trên đế quả. Quả chưa chín có màu xanh, khi chín có màu đen, vỏ quả bóng, căng mọng và tỏa ra mùi thơm nhẹ rất dễ chịu. Đặc biệt, cây Mai vàng Yên Tử dường như gắn liền với sự khai sáng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông - một thiền phái mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Lần đầu tiên, mai vàng Yên Tử gia nhập một lễ hội hoa, song cũng không kém cạnh về vẻ đẹp, màu sắc. 80 cây mai vàng Yên Tử được chuyển từ TP. Uông Bí về TP. Hạ Long, cùng sánh đôi với 50 cây hoa Anh Đào của Nhật Bản, tất cả đều đang trong kỳ nở rộ, khoe sắc rực rỡ. Một du khách đến với lễ hội cho biết: “Đã 4 mùa đến tham quan Lễ hội hoa Anh Đào, nhưng lần này, tôi thấy Lễ hội được tổ chức quy mô nhất, hoa nhiều nhất, đẹp nhất. Thêm nữa, sự xuất hiện của Mai vàng Yên Tử đã khiến Lễ hội rực rỡ hơn, nhiều người cũng biết đến mai vàng Yên Tử hơn...”.

Để bảo tồn, phát triển Mai vàng Yên Tử, Quảng Ninh đang thực hiện Dự án phát triển giống cây quý này, với 1.000 cây bố mẹ và 3.000 cây trình diễn (từ 1 năm tuổi và 3 năm tuổi), 20.000 cây gốc ghép, 30.000 cây mai gieo từ hạt thu được từ cây cổ thụ trong rừng Yên Tử. Với những giá trị đặc sắc cả về nguồn gen, kinh tế và tâm linh, cây Mai vàng Yên Tử đã và đang được nhân rộng, phát triển trong Khu di tích - danh thắng Yên Tử, trên địa bàn TP. Uông Bí, TX. Đông Triều...

Lễ hội hoa Anh Đào - Mai vàng Yên Tử năm nay đã thu hút trên 70.000 lượt khách đến thưởng ngoạn. Lễ hội không chỉ góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ hợp tác, thắt chặt tình hữu nghị giữa tỉnh Quảng Ninh và các địa phương, tổ chức của Nhật Bản nói riêng và giữa hai quốc gia nói chung, mà thực sự còn là dịp để quảng bá, giới thiệu về văn hóa Nhật Bản, hình ảnh của Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và mảnh đất, con người Quảng Ninh đến với du khách gần xa.

Quảng Ninh: Đầu tư hơn 163 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm
Ủy ban Nhân dân thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức lễ khởi công dự án bảo tồn,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư