Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014: Đề văn mang hướng mở
Hải Hà - 04/06/2014 08:55
 
Sáng nay (4/6), hơn 910.000 thí sinh trên toàn quốc kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) 2014. Đây được xem là kỳ thi đầu tiên đánh dấu hướng ra đề thi văn mang hướng mở.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Đáp án gợi ý môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014
Đề thi tốt nghiệp môn Văn: "Nóng" vấn đề chủ quyền biển đảo
Hơn 900.000 thí sinh bắt đầu thi tốt nghiệp trung học phổ thông
PGS toán học Văn Như Cương thử ra đề tốt nghiệp môn Văn
Công bố lịch thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2014

Ngay trong ngày thi đầu tiên, đề thi môn Ngữ văn với cấu trúc 2 phần, trong đó, phần 1 có nội dung ngoài chương trình sách giáo khoa và phần 2 với nội dung yêu cầu thí sinh bày tỏ suy nghĩ về lối sống được là chính mình, qua việc phân tích đoạn đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của tác giả Lưu Quang Vũ. Đề văn được đánh giá là mới, tạo hướng mở...  

  Nhiều thí sinh phấn khích với đề văn mang hướng mở của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay  
  Nhiều thí sinh phấn khích với đề văn mang hướng mở của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay  

Các sĩ tử hào hứng

10 giờ sáng 2/6, sau khi kết thúc thời gian 120 phút làm bài thi, tại điểm thi trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), hầu hết thí sinh ra khỏi phòng thi đều với tâm trạng vui vẻ, phấn khởi.

Thí sinh Phan Vũ Vân Anh tỏ ra khá bất ngờ với phần 2 của đề thi. “Hiện tại, do bị chi phối bởi hoàn cảnh xung quanh, nên có rất ít học sinh được sống là chính mình. Cho dù rất cố gắng được sống đúng với chính bản thân, nhưng có lúc vì hoàn cảnh, chúng em đành phải hành xử khác, song điều quan trọng nhất là làm thế nào để luôn giữ được bản sắc của chính mình”, em Vân Anh nói.

Theo đánh giá của cô Bùi Nguyệt Hồng (giáo viên Văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định), đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn 2014 vừa có tính thời sự, vừa có giá trị nhân văn. Đề đã kiểm tra được năng lực thực sự của học sinh, giúp các em bày tỏ quan điểm chính kiến của mình.

“Cụ thể, câu 2 của đề thi cũng rất thú vị, khiến cho văn học gần gũi hơn với đời sống, nâng tầm học sinh nghĩ đến giá trị của cuộc sống", cô Hồng nói.

Đứng trên cương vị một học giả, TS. văn học Trịnh Thu Tuyết cho rằng, đề thi đã có sự đổi mới theo hướng mở, tạo sự hứng thú, khả năng sáng tạo và năng lực tư duy độc lập cho thí sinh. Đề đã có sự đổi mới về cách tích hợp giữa nghị luận văn học và nghị luận về một tư tưởng, đạo lý, đưa ra một vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ, định hướng nhân cách cho học trò trong cuộc sống hiện đại ngày hôm nay.

Khi được hỏi về đề thi môn Ngữ văn, ông Đỗ Ngọc Thống, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định: “Cho dù đề thi mở, khuyến khích sáng tạo, nhưng vẫn có những nguyên tắc, quy chuẩn của văn chương trường ốc, có căn cốt của kỹ năng cơ bản. Đề mở, nhưng là mở phù hợp với trình độ học sinh”. 

Khi phân tích đề thi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, phần đọc hiểu và phần viết có thể đánh giá năng lực tổng hợp, kiến thức kỹ năng, cách sử dụng kiến thức kỹ năng trong cuộc sống của học sinh.“Về hướng chấm thi môn Ngữ văn, bài thi sẽ phải ưu tiên đạt được hai giá trị cơ bản: giá trị thông điệp và sự trong sáng của tiếng Việt, tiếp đến mới tính đến cảm xúc, sáng tạo”, ông Hiển nói.

Thí sinh lựa chọn lệch môn

Với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí sinh (ngoài Ngữ văn, Toán) được lựa chọn 2 trong số 6 môn sau: Vật lý, Sinh học, Hóa học, Lịch sử, Địa lý và Ngoại ngữ đã khiến nhiều hội đồng thi không có thí sinh.

Cụ thể, trong chiều 2/6, kết quả kiểm tra do Đoàn kiểm tra thi đột xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển dẫn đầu cho thấy, tại Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nếu môn vật lý có 16 phòng thi, thì môn lịch sử chỉ có 1 phòng thi với 17 thí sinh.

Cá biệt, tại Trường THPT Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) chỉ có… 1 thí sinh duy nhất dự thi môn lịch sử.

Trước băn khoăn của dư luận về việc tổ chức 1-2 thí sinh thi với cả hội đồng thi (gồm hàng chục người) là rất lãng phí, ông Hiển khẳng định: “Việc tổ chức thi về tổng thể là không lãng phí hơn năm trước, bởi dù bao nhiêu thí sinh thi thì tổng thời gian vẫn là 2,5 ngày chứ không phải 3 ngày như mọi năm”.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, môn Ngữ văn có 907.912 thí sinh tham dự đạt tỷ lệ 99,75% tổng số người đăng ký dự thi. Trong ngày thi đầu tiên không có giám thị vi phạm quy chế, chỉ có 4 thí sinh vi phạm quy chế bị đình chỉ do mang điện thoại vào phòng thi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư