Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Làng nghề An Nhơn tất bật vào vụ Tết
Gia Nguyễn - 29/01/2015 12:59
 
An Nhơn được xem là “đất trăm nghề” của tỉnh Bình Định. Thời điểm tháng Chạp Âm lịch cũng là lúc nhiều làng nghề ở đây “tăng hết công suất” để làm hàng Tết. Chúng tôi đã ghi nhận không khí lao động nhộn nhịp, hối hả ở các làng nghề làm bánh tráng, bún khô, khảm xà cừ tại thị xã An Nhơn trong những ngày giữa tháng Chạp này.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Những vườn phật thủ vào vụ đón Tết
Người La Chí đón Tết như thế nào?
Kiều bào đón Tết Ất mùi cùng Xuân Quê hương 2015

Sôi động làng bánh tráng Trường Cửu

Ở làng sản xuất bánh tráng Trường Cửu (xã nông thôn mới Nhơn Lộc) không khí sản xuất rất nhộn nhịp với hơn 100 lò bánh tráng đang “chạy hết công suất” để làm hàng Tết. Từ 3-4 giờ sáng, các lò bánh tráng ở đây đã bắt đầu nổi lửa, người ngâm gạo, người xay bột, người nhóm lò… với khí thế rất khẩn trương.

Trên những con đường bê tông, vườn nhà, các khu gò đất trống…, nơi đâu cũng ngập tràn màu trắng lấp lóa của những phên bánh được phơi dưới ánh nắng mùa xuân.

Làng nghề An Nhơn tất bật vào vụ Tết
Phơi bún khô ở làng nghề An Thái

Bà Hà Thị Hoa, một hộ làm nghề tráng bánh ở thôn Trường Cửu, cho biết, "Ngày thường tôi chỉ tráng đến 13 giờ trưa là xuống lò, nhưng dịp cuối năm thì phải làm đến khi tắt nắng mới hết việc. Độ rày, mỗi ngày tôi sản xuất 35 - 40 kg gạo, tăng gấp đôi so với ngày thường".

Bánh tráng Trường Cửu từ trước đến nay làm bằng loại gạo dẻo thơm, được người tiêu dùng ưa chuộng. Vài năm trở lại đây, nhiều hộ làm bánh tráng ở địa phương đã có hướng mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư trang thiết bị máy móc để xay bột, sản xuất bánh tráng bằng máy, nên mọi công đoạn được thực hiện nhanh, ít hao hụt; chất lượng sản phẩm cũng ngày càng được nâng lên.

Theo người dân làng nghề, tuy đây là nghề phụ nhưng mang lại thu nhập chính cho bà con địa phương. Hiện nay, ngoài tiêu thụ trong tỉnh, sản phẩm bánh tráng của Trường Cửu còn “ăn” mạnh ở các tỉnh Tây Nguyên.

Anh Nguyễn Văn Mười, một hộ làm bánh tráng ở đây chia sẻ, tháng Chạp năm nay trời nắng tốt nên khá thuận lợi cho nghề tráng bánh. Hiện đang vào mùa cao điểm sản xuất bánh để cung ứng cho thị trường Tết, mỗi ngày anh Mười sử dụng 120 kg gạo nguyên liệu, làm ra trên 3.000 chiếc bánh, trừ chi phí, còn lãi khoảng 250 - 300 ngàn đồng, tăng gần gấp đôi so với ngày thường.

Theo ông Dương Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, trên địa bàn thôn Trường Cửu có trên 100 hộ sản xuất bánh tráng, thu nhập bình quân khoảng 5 - 6 triệu đồng/hộ/tháng; riêng vào tháng cuối năm có thể tăng gấp đôi, gấp ba. Ngoài sản phẩm bánh tráng gạo truyền thống, nhiều hộ còn sản xuất thêm các loại sản phẩm khác như: bánh tráng gạo pha mì, bánh cuốn chả ram, bánh tráng mè…

Nhộn nhịp làng bún khô An Thái

Thời điểm cuối năm, không khí lao động ở làng bún khô An Thái, xã Nhơn Phúc cũng rất nhộn nhịp. Bà Nguyễn Thị Thu Vân, chủ cơ sở sản xuất bún Hưng Thịnh, cho biết, mỗi ngày cơ sở của bà Vân chế biến khoảng 1 tấn gạo, cho ra 800 kg bún khô. Sản phẩm làm ra đến đâu đều được thương lái từ các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi đến thu mua hết.

"Nghề làm bún khô không khó, các công đoạn làm bún không quá cầu kỳ, nhưng mỗi cơ sở đều có bí quyết riêng. Muốn bún ngon thì phải chọn được gạo dẻo thơm; bột gạo phải xay nghiền thật kỹ, ngâm lọc đúng và đủ thời gian...”, bà Vân chia sẻ.

Ông Ngô Văn Bảy, một hộ sản xuất bún khô ở An Thái, cho biết thêm, quy trình sản xuất bún được khép kín, các công đoạn từ xay gạo, vắt bột, khuấy bột… đều được cơ giới hóa. Thế nhưng, tay nghề và kỹ thuật của người “cầm máy” cũng là một trong những yếu tố quyết định chất lượng của mẻ bún thơm ngon. Bún sau khi rũ được phơi nắng sẽ khô nhanh, hàng sẽ bóng đẹp và thơm. Hiện, mỗi ngày gia đình ông Bảy chế biến được khoảng 300 kg bún khô và tiêu thụ hết trong ngày.

Theo UBND xã Nhơn Phúc, tại làng nghề bún - bánh An Thái hiện có 120 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động tại địa phương. Các cơ sở sản xuất bún ở An Thái luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm để “giữ chân” khách hàng.   

Tết sớm ở làng cẩn xà cừ Cẩm Văn

Làng cẩn xà cừ Cẩm Văn là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng của An Nhơn. Hiện ở đây có 10 cơ sở sản xuất với hơn 40 nghệ nhân, phần đông tuổi đời còn rất trẻ. Sản phẩm của làng nghề không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà nhiều người ở các địa phương khác như: Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh và nhiều Việt kiều cũng tìm đến đặt hàng.

Từ đầu tháng Chạp trở đi, làng nghề tất bật hơn ngày thường. Các sản phẩm được bày bán cũng nhiều hơn, kiểu dáng, mẫu mã đa dạng, phong phú hơn, bên cạnh đó, những nghệ nhân miệt mài với công việc để kịp giao hàng cho khách.

Anh Trần Văn Hà, một nghệ nhân có thâm niên trong làng cẩn xà cừ Cẩm Văn chia sẻ, hiện cơ sở của anh có gần 10 nhân công, nhưng làm không kịp, phải tranh thủ làm ngay cả canh trưa lẫn ban đêm để đáp ứng nhu cầu hàng Tết. Hơn 1 tháng nay anh Hà đã phải tăng cường thêm nhân công làm phụ những công đoạn đơn giản. Các sản phẩm của làng nghề đang được tiêu thụ mạnh như: Hoành phi, câu đối, tủ thờ, án thờ, bình phong tam sơn…  

Hầu hết người dân làng nghề cẩn xà cừ Cẩm Văn đều tâm niệm rằng: Để làng nghề tồn tại và phát triển, mỗi sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải thật đẹp, mang tính mỹ thuật cao và thật chất lượng. Do vậy, mỗi nghệ nhân ở đây không vì lợi nhuận cao mà đánh mất “bản sắc” truyền thống của làng nghề. Họ đã và đang tiếp tục tìm mọi cách để nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ chữ tín với người tiêu dùng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư