Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Lạc nhịp "đôi cánh" hàng không - du lịch
Anh Minh - 18/06/2024 09:17
 
Những vấn đề đặt ra tại Hội thảo Hàng không - Du lịch bắt tay liên kết phát triển bền vững, diễn ra mới đây với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã cho thấy tính cấp thiết của việc sớm tạo nên mối liên kết chặt chẽ, thực chất và có hiệu quả giữa hai lĩnh vực được ví như đôi cánh của một chiếc máy bay.
TIN LIÊN QUAN

Dĩ nhiên, tâm điểm của Hội thảo chính là lãnh đạo của các hãng hàng không, các công ty lữ hành - du lịch, các đơn vị cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam. Đây là những người sẽ phải sớm tìm ra giải pháp để hạn chế tới mức thấp nhất tác động của giá vé máy bay tăng cao - vấn đề không chỉ Việt Nam phải đối mặt trong 1 - 2 năm nữa - đối với nhu cầu đi lại nghỉ dưỡng của người dân, cũng như tìm được tiếng nói chung giữa doanh nghiệp của 2 ngành kinh tế quan trọng này.

Cần phải nói thêm, kể từ đầu năm 2024 đến nay, do một số nguyên nhân,  giá vé máy bay trên các đường bay nội địa bị đẩy lên cao.

Điều này ít nhiều đã ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, trong đó có du lịch của người dân.

Thực tế trên khiến một số người đặt câu hỏi: Có hay không câu chuyện hãng bay chỉ vì lợi ích của mình mà bỏ qua lợi ích của ngành du lịch hoặc ngược lại? Làm thế nào để cải thiện mối quan hệ từng được ví như đôi cánh của một chiếc máy bay đang thực sự chấp chới, ảnh hưởng tới lợi ích của cả hai bên?...

Có không ít ý kiến cho rằng, để “đôi cánh” hàng không - du lịch vẫy đồng nhịp, cần sớm có kế hoạch liên kết tổng thể quy mô quốc gia, trong đó rất cần vai trò “nhạc trưởng” của cơ quan quản lý nhà nước cấp Chính phủ với nhiệm vụ kết nối, điều phối giữa hai lĩnh vực trên cơ sở chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giữa các bên. Đề xuất này đã nhận được sự đồng thuận rất cao của doanh nghiệp du lịch và hàng không, cũng như các địa phương điểm đến.

Về nguyên tắc, hãng bay và du lịch đều là doanh nghiệp, mọi hoạt động chắc chắn đều xoay xung quang câu chuyện lợi ích. Nếu thấy có lợi, họ sẽ tự động làm mà không cần bất cứ hình thức cổ vũ hay sức ép nào từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, “một bàn tay không thể tạo nên tiếng vỗ”. Điều này hiện hoàn toàn đúng khi nói về mối liên kết lỏng lẽo, bất tương xứng hiện tại giữa hàng không và du lịch.

Gần đây, một số hãng bay đã tăng cường bay đêm để giảm giá vé với mức giảm thậm chí lên tới 50% so với mức giá bay ngày. Nhưng chỉ sau vài tháng, số chuyến bay đêm buộc phải hủy lên tới 10 -15%.

Lý do là bởi có nhiều điều không thuận tiện cho khách, chẳng hạn các cơ sở lưu trú chỉ cho khách nhận phòng sau 14h hàng ngay. Bay đêm tuy tiết kiệm chi phí đi lại, nhưng lại tốn thêm một đêm khách sạn, nên các công ty du lịch cũng không mặn mà. Nếu không có sự hợp tác, hỗ trợ của các cơ sở lưu trú như giảm 50% hoặc miễn phí đêm đầu lưu trú, thì việc tổ chức các chuyến bay đêm không mang lại nhiều ý nghĩa.

Thực tế trên cho thấy, để hỗ trợ hàng không, du lịch, thì doanh nghiệp dịch vụ khách sạn cần có chính sách đa dạng khung giờ nhận/trả phòng nhằm khuyến khích du khách bay đi và về vào các khung giờ không cao điểm trên các tuyến bay nội địa. Như vậy, du khách mới có thể tận dụng được giá vé rẻ của ngành hàng không.

Dư địa phát triển du lịch bền vững là rất lớn, song với điều kiện du lịch, hàng không và cả địa phương điểm đến phải đi cùng nhau, thậm chí cả hai bên cùng phải lùi một bước vì lợi ích tổng thể, lâu dài trong việc đưa ra gói sản phẩm phù hợp với khả năng chi trả của người tiêu dùng. Một khi mối liên kết hàng không - du lịch còn lỏng lẻo, thì mọi chiến dịch kích cầu được thực hiện bởi một vài đơn vị đơn lẻ chỉ gây tốn kém, không đem lại hiệu quả thiết thực.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư