Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Lách luật, Alibaba tác oai, tác quái
Ngô Nguyễn - 24/09/2019 08:30
 
Nói “cướp” là hơi nặng nề, nhưng có lẽ từ này phản ánh đúng bản chất quá trình kinh doanh của Công ty Địa ốc Alibaba. Trong trường hợp trên, với thủ đoạn tinh vi hơn, các “đầu lĩnh” của Alibaba đã nhuyễn luật đến mức áp dụng luật này để “chế ngự” luật kia trong chiêu trò bán dự án ảo.
.
Chỉ sau 3 năm hình thành, số lượng nhân viên Alibaba lên hơn 2.500 người.

Đầu tiên là Luật Đất đai, bởi theo quy định hiện hành, nhà đầu tư không được phép chuyển nhượng đất nếu không sản xuất nông nghiệp, nhưng Alibaba đã cử cá nhân đứng tên rồi mới vẽ dự án “ảo” để huy động chiếm dụng vốn từ khách hàng.

Đối tượng đầu tiên để Alibaba chiếm dụng chính là nhân viên kinh doanh (sale) của mình bằng việc xúi giục vay tiền từ người thân để mua đất. Sau đó, Công ty áp dụng mô hình kim tự tháp (yêu cầu người tham gia phải tuyển thêm người mới vào hệ thống mới kiếm được tiền, thưởng hoa hồng) với sale. Thế nên, cứ mỗi sale Alibaba tìm thêm được 1 người làm môi giới cho Công ty thì sẽ nhận thưởng nóng tiền triệu.

Điều này lý giải vì sao, chỉ sau 3 năm hình thành, số lượng nhân viên Alibaba lên hơn 2.500 người.

Một “độc chiêu” nữa của Alibaba là áp dụng mô hình phái sinh - sản phẩm của thị trường chứng khoán - thông qua việc sử dụng 2 loại hợp đồng thỏa thuận và hợp đồng quyền chọn, để “phối” với mô hình Ponzi nhằm “gài bẫy” khách ở quy trình bán nền đất ảo.

Hợp đồng thỏa thuận của Alibaba là mua bán hoặc hợp tác kinh doanh nền (100m2) hình thành trong tương lai. Nhưng tương lai sẽ mờ mịt bởi đất nông nghiệp không được phép tách…100m2, chứ chưa nói việc chuyển đổi lên đất thổ cư. Ở đây, Luật Chứng khoán rất khó áp dụng điều khoản luật để xử đè sang đất với việc Alibaba sử dụng hợp đồng quyền chọn trong kinh doanh bất động sản.

Hãy hình dung, Alibaba huy động được 100 tỷ đồng mua 10 ha đất nông nghiệp, chia tỷ lệ 30% làm hạ tầng, 70% phân lô nền, tức sẽ có 700 nền thương phẩm. Mở bán lần 1, Alibaba cho khách quyền hoặc chọn nhận đất hoặc nhận lãi theo nguyên tắc ngầm là 20% nhận đất, 80% chọn lãi suất (560 nền mua, nhưng cho công ty thuê có lãi). Như vậy, nếu 1 nền giá 300 triệu đồng thì với 700 nền, Alibaba sẽ thu về 210 tỷ đồng, gấp đôi tiền vốn.

Với 80% khách chọn lãi, Alibaba dụ dẫn bằng lãi suất và điều kiện “độc chiêu”. Đó là cho Công ty thuê lại đất với giá thuê 2%/tháng; mua lại chênh lệch 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng. Trong thời gian đó, Alibaba được toàn quyền sử dụng lô đất của khách cho mục đích kinh doanh.

“Gài” khách bằng thế đó, Alibaba tiếp tục bán lần 2 tổng cộng 560 nền (của 80% khách nhận lãi) với giá 420 triệu đồng (công thức giá gốc 300 triệu đồng + lãi suất + 10% chi phí quản trị doanh nghiệp), thu thêm 235 tỷ đồng, nâng tổng thu cả 2 lần lên 445 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần vốn đầu tư.

Với đợt bán lần 2, Alibaba áp dụng hợp đồng quyền chọn theo tỷ lệ ngầm là 30% nhận đất, 70% nhận lãi, cũng theo bằng lãi suất và điều kiện như lần 1 để giữ lại được 392 nền đất (của 70% khách nhận lãi) bán tiếp đợt 3 với giá 588 triệu đồng (công thức là 420 triệu đồng tiền gốc đất đợt 2 + lãi khách đợt 2+ 10 chi phí quản lý), thu về thêm 230 tỷ đồng.

Như vậy, dù số nền ít dần đi, nhưng số tiền mà Alibaba thu về từ lần mở bán sau luôn cao hơn lần mở trước và chính khách đợt sau trả tiền lãi cho khách mua đợt trước. Chỉ với 3 đợt bán cùng một dự án ảo, Alibaba đã có tổng doanh thu 675 tỷ đồng trong khi số vốn ban đầu chỉ là 100 tỷ đồng.

Hậu quả là những nhà đầu tư thứ cấp từ F1, F2 trở đi “lãnh đủ” bởi dự án vẽ trên đất nông nghiệp. Với 7.000 nền đất ảo được bán ra trên giấy, tất yếu sẽ có 7.000 nạn nhân cùng với đó là hệ lụy tới gia đình, bạn hữu của 7.000 nạn nhân này.

Câu chuyện Alibaba chính là câu chuyện vụ nước hoa Thanh Hương của 30 năm về trước. 37 tỷ đồng mà Nguyễn Văn Mười Hai huy động vốn theo hình thức đa cấp với lãi suất khủng của 30 năm trước đã gây hệ lụy xấu cho nhiều gia đình, chấn động cả nước. Vậy nhưng, gần 7.000 con người sống trong thời 4.0 vẫn thành nạn nhân của Alibaba bằng chiêu thức của 30 năm trước, dù tinh vi hơn.

Ngay khi thông tin “đầu lĩnh” Alibaba bị cơ quan chức năng công bố quyết định khởi tố, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra. Chẳng hạn như tận dụng kẽ hở nào của luật pháp mà Alibaba hoạt động rầm rộ, quảng bá ầm ĩ, nhưng đến giờ, cơ quan chức năng mới ra tay xử lý?

Rất có thể, quy định của luật còn chưa bao phủ được các phương thức mới, hành vi với phát sinh trong cuộc sống, bởi chưa có chế tài cụ thể xử lý hoạt động huy động vốn kiểu đa cấp trong bất động sản; chưa có điều khoản kiểm soát, xử lý loại hình sản phẩm nền “đất hình thành trong tương lai”; chưa có quy định kiểm soát hành vi thỏa thuận “đặt cọc giữ chỗ”, “góp vốn đầu tư”…

Rất may là các cơ quan pháp luật đã nhìn nhận kiểu kinh doanh của Alibaba không phải là thỏa thuận dân sự, song cũng phải thẳng thắn rằng, phải có kẽ hở luật pháp, thì Alibaba mới có thể tác oai, tác quái. Chính vì vậy, ngoài việc sớm xử lý nhanh, đúng người, đúng tội trong vụ Alibaba, cơ quan chức năng cần sớm rà soát, củng cố lại hành lang pháp lý, đảm bảo tính minh bạch trong môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hoạt động đúng luật.

Ngày nghỉ, người dân vẫn ùn ùn đi tố cáo Alibaba
Sáng nay (21/9), hàng trăm người dân, là khách hàng của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) đã đến trụ sở cơ quan công an tại TP.HCM...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư