Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Lãi suất chứng chỉ tiền gửi lên đến 10,2%
Vân Linh - 19/08/2019 11:51
 
Để cạnh tranh thu hút tiền gửi kỳ hạn dài, các ngân hàng đua phát hành chứng chỉ tiền gửi, với lãi suất lên đến 10,2%/năm, mức cao nhất so với mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện nay.

Chứng chỉ tiền gửi lãi suất trên 10%/năm

Mới đây, Ngân hàng Bản Việt phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao nhất lên đến 10,2%/năm cho kỳ hạn 60 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.

Khách hàng lĩnh lãi 6 tháng 1 lần, lãi suất tiền gửi Ngân hàng Bản Việt áp dụng 9,7%/năm. Bên cạnh đó, kỳ hạn 24 tháng đến 48 tháng, lãi suất dao động 9,5-10%/năm. 

Trước đó, VIB cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất trên 9,1%/năm. Cụ thể, từ ngày 8/8, VIB sẽ phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 61 tháng, trả lãi 12 tháng với lãi suất 9,1%/năm. Số tiền gửi tối thiểu chỉ 10 triệu đồng. Mức lãi suất 9,1%/năm cũng đang là mức lãi suất huy động của ngân hàng cao nhất hiện nay.

Hồi đầu tháng 5, thị trường bất ngờ khi có ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi lên tới 9,1%/năm là VietABank. Được biết, chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao này sẽ kéo dài cho đến 30/9/2019. Đây là loại chứng chỉ dành cho khách hàng cá nhân với kì hạn gửi 24 tháng với số tiền gửi tối thiểu là 10 triệu đồng. Loại chứng chỉ tiền gửi này được phép chuyển quyền sở hữu.

SHB cũng từng cho biết phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất hấp dẫn lên đến 8,9%/năm với tổng mệnh giá phát hành là 10.000 tỷ đồng. Cụ thể, với số tiền tối thiểu từ 1 triệu đồng, các khách hàng cá nhân có thể tham gia chương trình. Với chứng chỉ mệnh giá dưới 2 tỷ đồng, lãi suất các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng lần lượt là 8,6%/năm, 8,7%/năm và 8,8%/năm.

Lãi suất kỳ hạn dài 8,2%/năm

Trước áp lực tái cơ cấu lại nguồn đáp ứng lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, lãi suất tiền đồng được giới phân tích tài chính dự báo khó có thể giảm, nhất là đối với kỳ hạn dài ngày. 

Hiện nếu gửi tiền ở một số ngân hàng nhỏ hơn như BacABank, NCB, VietCapitalBank, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất hấp dẫn hơn, từ 7,5% đến 7,8%. SHB mới đây thông báo tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 9 tháng lên đến 8,2%/năm. Tại Viet A Bank, lãi suất kỳ hạn 7 tháng còn lên đến 8,3%/năm.

Để được hưởng lãi suất trên 8- 8,2%/năm như đã nói ở trên, khách hàng phải gửi với kỳ hạn dài hơn, trên 12 tháng tại một số ngân hàng như CBBank hay ABBank.

Các nhận định đưa ra, áp lực lãi suất sẽ khó giảm trong thời gian tới đây, nhất là đối với kỳ hạn dài ngày. Bởi lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn khả năng NHNN sẽ tiết tục trong thời gian tới đây.

Công ty chứng khoán VNDirect đưa ra nhận định, lãi suất tiền gửi chịu áp lực tăng do cạnh tranh thu hút khách hàng gửi tiền gay gắt hơn khi NHNN dự định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung/dài hạn từ 40% xuống 35% (2020) và 30% (2021) dẫn đến tăng cạnh tranh đối với tiền gửi trung và dài hạn.

 Hiện nhiều ngân hàng đang huy động với lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng từ 8%/năm trở lên nên rất khó để lãi vay mua nhà giảm trong thời gian tới. Chưa kể, hệ số rủi ro áp cho các khoản vay mua nhà ở mức khá cao trong bối cảnh thị trường bất động sản đang có nhiều rủi ro, đã hình thành mặt bằng giá mới…

Đầu năm 2019, các ngân hàng chỉ được sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định tại Thông tư 19/2017/TT-NHNN đã đẩy lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dài tăng. Hiện NHNN đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN về lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn và theo hướng giảm dần so với tỷ lệ tối đa nguồn vốn này đang ở mức 40% hiện nay. 

Công ty tài chính tìm vốn qua chứng chỉ tiền gửi
Các tổ chức tín dụng phi ngân hàng như công ty tài chính không thể huy động vốn trực tiếp từ người dân và vốn trung, dài hạn từ ngân hàng, trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư