Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tiêu điểm ngân hàng tuần qua
Lãi suất hạ nhiệt mạnh, nhất trí tăng vốn cho Agribank, nóng chuyện chống sở hữu chéo ngân hàng
Thùy Liên - 14/05/2023 09:47
 
Nợ xấu TPDN gia tăng, ngân hàng lo rủi ro vì cơ cấu nợ, đau đầu ngăn sở hữu chéo, lãi suất hạ nhiệt, các biến số làm ngân hàng mất ngủ nửa cuối năm… là tâm điểm ngân hàng tuần qua.

Ngân hàng lo rủi ro gia tăng vì cơ cấu nợ

Cơ chế cơ cấu nợ, giãn nợ vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành khiến nhiều doanh nghiệp khấp khởi hy vọng, nhưng các ngân hàng thương mại lại tỏ ra thận trọng.

Nợ xấu nhiều ngân hàng đang tăng mạnh những tháng đầu năm. Số nợ xấu tuyệt đối tại nhiều ngân hàng tăng tới 50-70% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính trên toàn hệ thống, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, tăng khá mạnh so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021 (1,49%).

Theo ông Lê Thanh Tùng, thành viên HĐQT VietinBank, những tháng đầu năm nay, kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thiếu vắng đơn hàng, thu nhập người dân sụt giảm… Điều này đang tác động trực tiếp đến sức khỏe các ngân hàng, bởi ngân hàng là “hàn thử biểu” của nền kinh tế. Nếu năm 2022, rủi ro lớn nhất của hệ thống ngân hàng là thanh khoản, lãi suất và rủi ro danh tiếng (do liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm nhân thọ), thì năm 2023, đó là rủi ro tín dụng.

“Khi doanh nghiệp khó khăn, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, thoái lãi dự thu. Hiện nay, thu nhập từ lãi cho vay là thu nhập trọng yếu của ngân hàng. Chất lượng nợ suy giảm khiến ngân hàng phải trích lập nhiều hơn, lợi nhuận vì thế bị ảnh hưởng”, ông Tùng cho biết.

Nợ xấu đã tác động trực tiếp đến kết quả hoạt động của các ngân hàng. Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng lợi nhuận của hàng loạt ngân hàng ở mức âm. Báo cáo tài chính quý I/2023 của 27 ngân hàng niêm yết cho thấy, lợi nhuận quý này giảm 4,4%. Hầu hết các ngân hàng đều phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu có khả năng tiếp tục tăng cao.

Theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, số liệu nợ xấu thực (tính cả nợ xấu ngoại bảng) đang ở mức 5%. Tuy vậy, tốc độ tăng nợ xấu nửa cuối năm nay sẽ chậm lại bởi NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN về giãn nợ, cơ cấu nợ.

“Nợ xấu cuối năm nay có thể sẽ chỉ ở mức 2,5%/năm. Dù nợ xấu tăng cao, song vẫn đang trong tầm kiểm soát, vì hiện sức khỏe hệ thống ngân hàng đã tốt hơn giai đoạn trước. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu chung toàn hệ thống đã lên tới 125%”, TS. Lực nhận định.

Cơ cấu nợ, giãn nợ là điều doanh nghiệp mong chờ nhất hiện nay, trong bối cảnh đầu ra bị thu hẹp, doanh thu và đơn hàng sụt giảm. Tuy  nhiên, chắc chắn không phải doanh nghiệp nào cũng được cơ cấu nợ. 

Đại diện Ngân hàng TMCP ACB cho rằng, nếu thực hiện cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, một phần rủi ro đang chuyển từ doanh nghiệp sang ngân hàng. “Vì vậy, chúng tôi sẽ áp dụng cơ cấu nợ một cách thận trọng, vừa bảo đảm nền tảng tài chính, vừa bảo đảm hỗ trợ khách hàng dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ”, lãnh đạo ngân hàng này cho biết.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng sẽ chỉ cơ cấu nợ với điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp được cơ cấu nợ có khả năng phục hồi và đánh giá đúng bản chất nợ xấu. “Các ngân hàng khi cơ cấu nợ phải tự chịu trách nhiệm. Rủi ro lớn nhất của cơ cấu nợ là khó khăn của doanh nghiệp sẽ đổ dồn về ngân hàng, ngân hàng sẽ bị bào mòn về tài chính. Nếu ngân hàng gặp khó khăn, doanh nghiệp cũng khó khăn theo”, ông Hùng cảnh báo. 

Trước đó, lãnh đạo NHNN cho rằng, chính sách tiền tệ sẽ hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, nếu hoãn, giãn nợ, nới lỏng điều kiện tín dụng, thì khó khăn sẽ bị chuyển về phía ngân hàng. Do vậy, cần tìm được điểm hài hòa để chính sách tiền tệ vẫn hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. 

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn vì sức cầu kinh tế thế giới suy yếu như hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tháo gỡ thanh khoản cho nền kinh tế không còn là quả bóng trong tay ngân hàng.

Theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, để “đẩy” tín dụng tăng trưởng, cần có giải pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa, đầu tư công, tạo việc làm, bơm vốn trong nền kinh tế. Nội tại nền kinh tế đang đối mặt với nhiều bài toán khó khăn trên nhiều lĩnh vực, như chậm giải ngân đầu tư công, vướng mắc pháp lý và sự suy yếu của thị trường bất động sản, áp lực điều chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp…

“Do đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành, địa phương cùng tham gia xây dựng gói giải pháp tổng thể, nhằm tăng cường tính liên kết giữa các chính sách nói chung và giúp gia tăng hiệu quả chính sách tiền tệ nói riêng. Bên cạnh đó, gia tăng hiệu quả thực thi các gói hỗ trợ phục hồi sản xuất của doanh nghiệp”, chuyên gia này kiến nghị.

Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Có ngăn được sở hữu chéo, sân sau, sân trước?

Dù đã chậm so với yêu cầu, song Chủ tịch Quốc hội lưu ý sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng không chạy theo tiến độ, không ép ban hành bằng được, khi quy định tại Dự thảo chưa ngăn chặn được sở hữu chéo, “sân sau, sân trước”.

Sau nhiều lần thúc giục, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi (Dự thảo) đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 23 (tháng 5/2023).

Mới chỉ thẩm tra sơ bộ, song tại báo cáo có dung lượng 40 trang, Ủy ban kinh tế của Quốc hội chỉ ra rất nhiều vấn đề bất cập, từ áp dụng pháp luật, cho đến những quy định cụ thể, nhất là nội dung về can thiệp sớm tổ chức tín dụng.

Lần sửa đổi này, Dự thảo bổ sung, sửa đổi quy định về việc tổ chức tín dụng được ngân hàng Nhà nước “can thiệp sớm” và bổ sung thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp can thiệp sớm.

Theo đó, một ngân hàng bị rút tiền hàng loạt dẫn đến mất khả năng chi trả sẽ xếp vào diện được Ngân hàng Nhà nước “can thiệp sớm”. Ngân hàng nào có lỗ lũy kế lớn hơn 20% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ cũng sẽ vào nhóm này. “Cho vay đặc biệt” là một trong những biện pháp áp dụng với nhóm trên.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, các quy định của Dự thảo chưa thể hiện đúng bản chất của việc can thiệp sớm, mà chủ yếu xử lý tình trạng tổ chức tín dụng đã gặp khó khăn rất rõ ràng, gây ảnh hưởng lớn đến an toàn hệ thống, cần phải được hỗ trợ. Thời gian để thực hiện quy trình, thủ tục can thiệp sớm trong Dự thảo là khá dài.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, quy trình như Dự thảo, thì một ngân hàng yếu kém từ khi phát hiện ra đến khi đưa vào kiểm soát đặc biệt mất khoảng 13 tháng.

“Chúng tôi yêu cầu các chuyên gia tính toán, với quy định của luật này thì mất khoảng 13 tháng trong việc đưa ra quyết định thôi, chứ chưa nói là tổ chức thực hiện trong việc xử lý các ngân hàng, trong khi như Hoa Kỳ phát hiện ra rất nhanh và xử lý trong phút chốc. Ở đây, quy trình các thứ này khác về tài chính, tính sơ bộ là đến 13 tháng”, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn.

Cơ quan thẩm tra chỉ rõ, khác với luật hiện hành, Dự thảo cho phép sử dụng cho vay đặc biệt ngay từ bước can thiệp sớm, đồng thời mở rộng thêm một số khái niệm như cho vay không có tài sản bảo đảm, chỉ định cho vay đặc biệt; ấn định lãi suất cho vay đặc biệt là 0%/năm và cơ chế hỗ trợ cho tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt.

Tuy nhiên, Dự thảo chưa quy định cụ thể về thời gian áp dụng biện pháp can thiệp sớm, nên khó xác định được thời gian của khoản cho vay đặc biệt.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm ảnh hưởng đến khả năng thu hồi khoản vay đặc biệt.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định khoản vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm, bởi về nguyên tắc, các tổ chức tín dụng phải bảo đảm khả năng thanh toán. Còn nếu không có bảo đảm sẽ không có tính cảnh báo, răn đe các ngân hàng thực hiện nghiêm túc điều kiện đảm bảo khả năng thanh toán do biết có thể được vay đặc biệt, dẫn đến hệ lụy rủi ro cho người cho vay và khách hàng.

Cơ quan thẩm tra cũng đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và các bên liên quan trong trường hợp không thu hồi được khoản vay đặc biệt.

“Cho vay đặc biệt lãi suất bằng 0%, mà không có tài sản đảm bảo nữa thì không biết thẩm quyền của ai?”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Về khoản vay đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, Bộ Tài chính rất đồng tình với Ủy ban Kinh tế.

Ngoài nội dung can thiệp sớm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo một số bộ, ngành còn quan ngại về nhiều vấn đề, trong đó có việc luật hóa một số quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long dẫn Điều 181 của Dự thảo quy định nợ xấu bao gồm các khoản chi, khoản ghi nhận trong bảng cân đối kế toán, trong khi đó, theo nghiệp vụ xác định nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021, nợ xấu bao gồm các khoản nợ hình thành do nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan do vi phạm quy định về cấp tín dụng.

Để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, ông Long đề nghị chỉnh lý lại quy định về nợ xấu theo hướng chỉ khoanh vùng đối với các khoản nợ xấu hình thành do các nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh, khó khăn chung của nền kinh tế…, không áp dụng đối với khoản nợ xấu hình thành từ ý thức chủ quan của những hành vi vi phạm quy định kiểm soát hoạt động tín dụng, cấp tín dụng cho những trường hợp không được cấp hạn chế giới hạn cấp tín dụng mà chưa thu hồi được.

“Những trường hợp khách quan thì có thể khoanh, còn những trường hợp chủ quan thì cần phải tính toán”, ông Long nhấn mạnh.

Vẫn về nợ xấu, Điều 186 của Dự thảo quy định, các tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định tại Điều 90, Luật Thi hành án dân sự.

“Đề nghị cân nhắc không quy định biện pháp hỗ trợ này vì chưa đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long phát biểu.

Nhất trí với quan điểm trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói: “Cho vay đúng luật, nhưng do rủi ro về kinh doanh mà có nợ xấu thì được ưu tiên xử lý nợ xấu đó, còn làm sai thì làm sao tôi lại lấy tiền của Nhà nước bù được. Cái đấy phải trừ vào vốn của chủ sở hữu, mà anh không tồn tại nữa, thì anh dẹp đi, không thể nào ứng xử như nhau được”.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nếu làm trái pháp luật, gây thiệt hại tài sản, thì "không có khái niệm" hỗ trợ giải quyết.

Về thứ tự thanh toán, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước là cần tính toán rất kỹ, chứ không thể ưu tiên hoàn toàn tiền thu được từ xử lý tài sản đảm bảo thanh toán cho tổ chức tín dụng. “Các quy định của Luật Thuế không quy định như thế”, ông Chi nhấn mạnh.

“Trước đây, tài sản phát mại thì tòa, viện có quyền tuyên để xử lý theo quy định pháp luật, ưu tiên thanh toán là thuế, bây giờ cũng phải theo trình tự đấy, chứ không phải thu được đồng nào là ngân hàng, tổ chức tín dụng lấy trước của Nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Về mua bán nợ, lần sửa đổi này, theo Chủ tịch Quốc hội, cũng cần được mở rộng, chứ không chỉ là những công ty 100% vốn nhà nước như Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) hay Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

“Mua bán nợ là một ngành nghề kinh doanh, bất cứ anh nào cũng có thể làm được, chúng ta cho phép thành lập công ty mua bán nợ mà lại chỉ cho phép mấy anh này được thực hiện xử lý nợ xấu thôi, thì mấy anh kia làm gì có thị trường để hoạt động. Mọi thành phần kinh tế, kể cả trong nước và nước ngoài, kể cả DATC, VAMC và kể cả các tổ chức tín dụng, công ty mua bán nợ sau này thành lập ra, đều có thể tham gia mua bán, xử lý nợ xấu theo luật”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Cho rằng, Dự thảo có phạm vi rộng lớn, khó, phức tạp, còn phải góp ý nhiều, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, không vì Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực vào năm sau “mà chúng ta ép ra cho bằng được luật này”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý: “Tình hình bây giờ rất phức tạp, không khéo là hoạt động của các ngân hàng tiếp tục xấu, sửa luật cuối cùng không khắc phục được những tồn tại hiện tại, mà lại còn sinh ra những việc khác nữa thì rất đáng tiếc. Những việc như sở hữu chéo, sân sau, sân trước, thì luật này ra phải xử lý, ngăn chặn, hạn chế được, đáp ứng được thì trình, chưa đáp ứng được thì chưa trình”.  

Sẽ trình Quốc hội bổ sung vốn điều lệ cho Agribank

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về cấp bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) thêm 17.100 tỷ đồng.

 Tiếp tục phiên họp thứ 23, sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank thêm 17.100 tỷ đồng.

Trình bày tờ trình, Phó thống đốc ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết vốn bổ sung cho ngân hàng này sẽ lấy từ dự toán chi ngân sách Trung ương 2023 đã được Quốc hội phê duyệt, trên 6.753 tỷ đồng. Phần còn lại gần 10.347 tỷ đồng bố trí từ ngân sách Nhà nước và thực hiện chuyển cấp trong 2024.

Mức vốn đề nghị bổ sung cho Agribank lần này, 17.100 tỷ đồng tương ứng với mức lãi còn lại sau trích lập các quỹ năm dự kiến giai đoạn 2021-2023 Agribank nộp ngân sách Nhà nước.

Theo Phó thống đốc, 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng vốn điều lệ của ngân hàng này thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản, khiến tỷ lệ an toàn tối thiểu bị giảm, không đạt mức quy định.

Hiện, quy mô vốn điều lệ của Agribank đến cuối 2022 là 34.446 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước và không có sự cách biệt, thấp hơn các ngân hàng thương mại khác như Techcombank (35.172 tỷ), MB (45.339 tỷ), VPBank (67.434 tỷ đồng). Việc bổ sung vốn lần này giúp Agribank bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (8%), mở rộng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

"Nếu Agribank không được tăng vốn sẽ không đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng, đặc biệt với ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn", Phó thống đốc Đoàn Thái Sơn nói.

Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí về sự cần thiết của việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ tính khả thi của đề xuất này trong bối cảnh nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, thu  sách Nhà nước, doanh thu và lợi nhuận của Agribank có thể không đạt được như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần xác định nguồn cụ thể bố trí còn lại của ngân sách (10.347 tỷ đồng), phương án xử lý trong trường hợp số nộp ngân sách của Agribank năm 2023 (7.040 tỷ đồng) không đạt như dự kiến, cũng như khả năng đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn 8% sau khi Quốc hội quyết định chủ trương.

Thường trực cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết và báo cáo ý kiến của Kiểm toán nhà nước về nội dung trên, theo quy định về hồ sơ.

Nhấn mạnh vì chưa có dự thảo nghị quyết nên còn nhiều vấn đề chưa rõ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu báo cáo thêm một số vấn đề.

Vấn đề này lẽ ra phải quyết định từ Kỳ họp thứ ba của Quốc hội, tại sao giờ mới trình, chậm trễ này trách nhiệm của ai, của Thống đốc hay Bộ trưởng Bộ tài chính hay bộ nào ngành nào, cứ nói cần thiết cấp bách mà sát ngày Quốc hội họp mới trình, rất bị động cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ông Vương Đình Huệ phát biểu.

“Toàn đặt Thường vụ Quốc hội vào việc đã rồi, quyết sai ai chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Sau khi nghe lãnh đạo các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán nhà nước, và Agribank báo cáo giải trình, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung vào chương trình luật, pháp lệnh 2023, trình Quốc hội bổ sung cấp vốn điều lệ cho Agribank tại Kỳ họp thứ năm.

Tuy nhiên, ông Hải lưu ý, để đủ điều kiện, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cần nghiêm túc rút kinh nghiệm làm rõ kinh nghiệm các tổ chức, cá nhân trong thực hiện nội dung này đã được quy định tại Nghị quyết của Quốc hội.

Ông Hải đề nghị Chính phủ cần sớm hoàn thiện hồ sơ để các cơ quan của Quốc hội thẩm tra. Chính phủ cần thuyết minh rõ hơn phương án tăng vốn điều lệ theo yêu cầu Nghị quyết 43, tính khả thi bổ sung, các nguồn vốn bổ sung vốn và đánh giá tác động tới ngân sách Nhà nước, số lợi nhuận sau thuế 2021 - quý I/2023 đã nộp vào ngân sách.

Ủy ban Kinh tế thẩm tra kỹ hơn nội dung báo cáo của Chính phủ. Dự thảo các nội dung trình Quốc hội quyết định cần nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ, Agribank trong cấp, bổ sung vốn điều lệ sau khi được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, thực hiện thủ tục theo quy định trong cấp số vốn đã được bố trí dự toán ngân sách 2023.

Chính phủ cần đánh giá kỹ tác động tới cân đối ngân sách, nguồn thu, nhiệm vụ chi để xây dựng dự toán năm 2024 trình Quốc hội bố trí số vốn còn lại so với tổng mức vốn Quốc hội đã quyết định. Tháo gỡ khó khăn trong tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động của Agribank, ông Hải yêu cầu.  

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp suy giảm 90%, nợ xấu lên tới 16,29%

Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới trong tháng 4/2023 gần như đóng băng, trong khi doanh nghiệp chạy đua mua lại trái phiếu trước hạn và thỏa thuận với trái chủ để kéo dài kỳ hạn trả nợ. 

Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong tháng 4/2023 chỉ có 2 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (một riêng lẻ và một đại chúng) với tổng giá trị phát hành 2.671 tỷ đồng, chỉ bằng 10% khối lượng phát hành tháng 3/2023.

Trong tuần đầu tháng 5/2023, không có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới nào được ghi nhận.

Như vậy, lũy kế từ đầu năm đến ngày 5/5, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 31.700 tỷ đồng, với 7 đợt phát hành công chúng và 15 đợt phát hành riêng lẻ. Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chiếm 83% khối lượng phát hành.

Trong khi phát hành mới sụt giảm thì doanh nghiệp lại tăng mua lại trái phiếu trước hạn. Tính đến ngày công bố thông tin 6/5/2023, các đợt mua lại mới được công bố trong tháng 5 đều được thực hiện trong các tháng trước đó. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt gần 49.500 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính đến ngày công bố thông tin 5/5, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 5/2023 là hơn 21.400 tỷ đồng. Một số nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn bao gồm bất động sản (9.600 tỷ đồng), hàng tiêu dùng (3.700 tỷ đồng), nguyên vật liệu (2.900 tỷ đồng), ngân hàng (2.500 tỷ đồng).

Theo kế hoạch, năm nay, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo sẽ chào bán tối đa 1.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm với kỳ hạn tối đa 60 tháng kể từ ngày phát hành ra công chúng trong quý II/2023.

Ngoài ra, CTCP Vinhomes cũng phát hành tối đa 10.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và tối đa không quá 60 tháng kể từ ngày phát hành với lãi suất phát hành tối đa 15%/năm.

Do có sự tăng trưởng đột phá bất ngờ trong tháng 3/2023, lũy kế 4 tháng đầu năm, bất động sản vẫn là ngành dẫn đầu về phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới với cơ cấu chiếm hơn 61%. Ngành tiêu dùng đứng thứ hai với tỷ lệ 32,7%, tiếp đó là ngành xây dựng, nông nghiệp, chứng khoán.

Ngành ngân hàng hầu như không thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới 4 tháng đầu năm nay do vướng mắc các quy định của Nghị định 65/2023/NĐ-CP về báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ để công bố thông tin định kỳ, cũng như làm căn cứ phát hành các đợt trái phiếu mới.

Trong báo cáo về trái phiếu doanh nghiệp tháng 4/2023 vừa phát hành, FinnRatings cảnh báo về tình trạng nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục gia tăng. Cụ thể, theo FiinRatings, tính tới 4/5/2023, thị trường ghi nhận 98 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị 128.5000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với giữa tháng 4/2023. Tỷ lệ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp phi tài chính lên tới 16,29%.

Sau Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành, cho phép cơ cấu lại nợ trái phiếu với việc kéo dài thời hạn tối đa 2 năm, thị trường ghi nhận một số hoạt động triển khai theo quy định mới này. 

Hấp thụ vốn nền kinh tế kém, Ngân hàng Nhà nước hút ròng gần 39.000 tỷ đồng trong 4 ngày

Tín dụng tăng chậm, thanh khoản dồi dào, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém khiến NHNN phải tăng hút ròng tiền về. Lãi suất huy động và lãi suất cho vay liên ngân hàng tiếp tục giảm. 

Ngày 11/5, trên kênh cầm cố, ngân hàng Nhà nước (NHNN) chào thầu ở hai kỳ hạn 07 ngày và 28 ngày, khối lượng 10.000 tỷ đồng/ kỳ hạn đều với lãi suất 5,0%. Không có khối lượng trúng thầu ở cả hai kỳ hạn; có 11.955,73 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, không có đáo hạn.

Như vậy, trong phiên hôm qua NHNN hút ròng 11.955,73 tỷ đồng từ thị trường, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 24.646,4 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành giữ ở mức 110.699,8 tỷ đồng.

Từ đầu tuần tới nay, NHNN liên tục hút ròng tất cả các phiên. Tổng lượng tiền mà NHNN hút ròng qua kênh cầm cố trong 4 ngày đầu tuần là hơn 38.900 tỷ đồng.

Theo báo cáo của NHNN, tính tới cuối tháng 4/2023, tín dụng nền kinh tế tăng 3,05%. Cung tiền cũng tăng rất chậm.

Cầu vốn yếu khiến lãi suất vài tháng gần đây hạ nhiệt mạnh trên cả thị trường dân cư lẫn thị trường liên ngân hàng trong khi tỷ giá vẫn ổn định.

Ngày 11/05, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VNĐ giảm tiếp 0,03 – 0,04 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó. Hiện lãi suất qua đêm chỉ còn 4,78%/năm.     

Nhiều chuyên gia phân tích dự báo, lãi suất sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong vòng 3 năm tới. Theo dự báo của Standard Chartered, NHNN sẽ giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản xuống 5% vào cuối quý II, sau đó lãi suất sẽ duy trì cho đến cuối năm 2025.  

Các chuyên gia phân tích VNDirect cũng cho rằng, nhiều khả năng Fed có thể dừng tăng lãi suất điều hành thời gian tới. Trong nước, thanh khoản hệ thống dồi dào, tỷ giá ổn định, tín dụng vốn tăng chậm.  Trước tình hình này, NHNN đã có sự đảo chiều lãi suất, đánh dấu bằng hai đợt giảm lãi suất điều hành vừa qua.

Nếu Fed dừng tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 6/2023, áp lực tỷ giá và lãi suất trong nước sẽ tiếp tục hạ nhiệt. “Do đó, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất điều hành thêm ít nhất là 50 điểm cơ bản từ nay tới cuối năm 2023”, VNDirect nhận định.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thị trường đang kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ giảm về mức 4% đến năm 2025, tức về mức trước đại dịch Covid-19.

Gợi ý chính sách tài khóa - tiền tệ giai đoạn 2023 - 2024, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, hành chính.

Cụ thể, chính sách tiền tệ cần đa mục tiêu hơn, thêm trọng tâm ổn định tiền tệ - tài chính. Đồng thời, chuyển trạng thái từ “chặt chẽ, thận trọng” sang “nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng”.

Ngoài ra, tiếp tục giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, chính sách cơ cấu lại nợ và hỗ trợ thanh khoản, đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo Đề án 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2023.

Mặt bằng lãi suất cao làm xói mòn năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt

Môi trường lãi suất cao đang là yếu tố rủi ro lớn đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ quan điểm cá nhân.

Rất khó đạt được 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025; không thể thúc đẩy người dân, doanh nghiệp bỏ tiền vào đầu tư, kinh doanh; tăng rủi ro cho doanh nghiệp… là hệ quả đang được TS. Nguyễn Tú Anh dự liệu khi mặt bằng lãi suất neo cao.

“Thành lập doanh nghiệp là 1 dạng khởi nghiệp, đầy rủi ro. Môi trường lãi suất cao sẽ không khuyến khích thành lập doanh nghiệp, người có tiền gửi lãi suất ngân hàng. Trong môi trường lãi suất cao, rủi ro với doanh nghiệp đang hoạt động cũng tăng lên, nên khả năng tiếp cận vốn sẽ giảm đi, ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư…”, TS. Nguyễn Tú Anh phân tích tại Tọa đàm Tác động của môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tế vĩ mô và hồi phục tăng trưởng năm 2023 do Viện Nghiên cứu chính sách (VEPR) của Trường Đại  học Kinh tế (Đại học Quốc gia) tổ chức ngày 11/5.

Như vậy, có thể thấy, lãi suất ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, ảnh hưởng đến nhu cầu kinh doanh, ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư, ảnh hưởng đến thị trường vốn. Đó là 4 kênh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế.

Đặt trong bối cảnh kinh tế 4 tháng đầu năm đang có dấu hiệu sụt giảm nghiêm trọng, nhất là ở các trung tâm công nghiệp, đặc biệt là trung tâm chế xuất, xuất khẩu của Việt Nam, các động cơ chính, trung tâm động lực của nền kinh tế Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Đang có câu hỏi đặt ra rằng, đây là một tình huống cá biệt hay là một xu hướng. Nếu là xu hướng từ cao chuyển xuống thấp thì vấn đề rất lớn”, chuyên gia Nguyễn Tú Anh chia sẻ quan điểm cá nhân.

Tuy nhiên, câu hỏi có dư địa để giảm lãi suất không lại đang có nhiều ý kiến, nhất là khi lạm phát dù được kiểm soát, nhưng đang trong xu thế tăng.

TS. Tú Anh có quan điểm thẳng thắn, dư địa có, khi trong vòng 10 năm nay, Việt Nam chủ yếu là thặng dư cán cân vãng lai, tức là Việt Nam là nước xuất khẩu vốn.

Trong 2 năm 2021 và 2022 do phải chi phí cho nhập khẩu thuốc và thiết bị phòng chống dịch Covid và chi phí vận tải tăng vọt nên cán cân vãng lai trở nên bị âm, nhưng về xu hướng dài hạn thì Việt Nam sẽ vẫn thặng dư cán cân vãng lai và vẫn là nước xuất khẩu vốn.

Như vậy, ông cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có dư địa để giảm lãi suất khi ở vị thế một nước xuất khẩu vốn.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất hiện nay rất cao. Theo số liệu của NHNN thì dư nợ tín dụng bình quân trong cả năm 2022 là 1.135.100 tỷ đồng với lãi suất cho vay bình quân là 10%/năm. Ông Tú Anh tính toán, riêng chi phí lãi vay các doanh nghiệp và người dân Việt Nam đã phải chịu ít nhất là 1.135.091 tỷ đồng tương đương với 12% GDP của Việt Nam năm 2022.

“Nếu lãi suất cho vay giảm 1 điểm phần trăm thì hỗ trợ cho nền kinh tế sẽ lên tới hơn 113.000 tỷ đồng, lớn hơn các gói của Chương trình phục hồi”, ông Tú Anh phân tích.

Thêm vào đó, ông cũng đang trăn trở với tình hình tín dụng tăng thấp, cung tiền cũng có tốc độ tăng thấp kỷ lục trong 3 tháng đầu năm (trong khoảng 3,4% - 4,3%). Tốc độ tăng cung tiền giảm một mặt phản ánh sự sụt giảm mạnh trong tín dụng, mặt khác cũng phản ánh các nhu cầu về tiền cho chi tiêu của Chính phủ và người dân giảm.

“Từ năm 2016, cung tiền của Việt Nam luôn có xu hướng đi xuống, nhưng giảm không nhiều, nhưng từ năm 2020, tốc độ tăng cung tiền lao dốc. Chúng ta nói nhiều phải đảm bảo tăng trưởng tín dụng và lạm phát. Nhưng tín dụng có phải là toàn bộ nguyên nhân gây lạm phát? Câu trả lời là không hẳn, tăng cung tiền mới là tạo ra lạm phát, còn tín dụng là 1 yếu tố của cung tiền", ông Tú Anh phân tích và cho rằng, cần phải giải bài toán tăng cung tiền.

Để so sánh, TS. Nguyễn Tú Anh lấy môi trường lãi suất của Trung Quốc. Theo đó, lãi suất đã giảm mạnh từ 7/2021 đến nay, lãi suất cho vay bình quân gia quyền tại Trung Quốc tháng 12/2022 là 4,14% và trong giai đoạn 12/2008-12/2022 lãi suất cho vay bình quân tại Trung Quốc cũng chỉ là 5,62%.

Điều đáng nói đó là từ khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thì lãi suất cho vay tại Trung Quốc liên tục giảm và giảm khá nhanh qua đó thực sự giúp các doanh nghiệp Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19.

“Họ có bị áp lực tín dụng như chúng ta không? Có, cao hơn nhiều. Năm 2020, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam là 150% (tính theo GDP mớ). Tại thời điểm đó, ở Trung Quốc, tỷ lệ này là 182%. Hiện nay, tỷ lệ này là 279,7%. Tuy nhiên, ở Việt Nam, quý IV/2022, khi doanh nghiệp bắt đầu khó khăn thì lãi suất lại tăng cao”, ông Tú Anh phân tích và đặt câu hỏi, có cửa nào để doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc không.

Về chi phí vốn, doanh nghiệp Việt Nam không có cửa cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc; công nghệ cũng không; lợi thế kinh tế nhờ quy mô không có; lợi thế kinh tế nhờ các liên kết ngành tạo ra các vùng công nghiệp lớn cũng không có; chi phí logistics càng không thể cạnh tranh được. 

Nghĩa là, cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc hoàn toàn bằng không, nguy cơ. Ông Tú Anh lo ngại, nếu doanh nghiệp Việt Nam về ngắn hạn và dài hạn đều không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp Trung Quốc, thì năng lực cạnh tranh cả nền sản xuất hàng hóa của Việt Nam cũng sẽ rất khó khăn.

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt vượt qua, khi mà sức khỏe đang yếu, TS. Nguyễn Tú Anh khuyến nghị, cần có chính sách quyết liệt giữa ngành ngân hàng, tài chính để về mặt ngắn hạn đến trung hạn phải đưa được mặt bằng lãi suất Việt Nam giảm xuống thì mới nâng được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

"Có vậy mới có được tốc độ tăng trưởng đâu đấy khoảng 6-7% trong năm nay", ông Tú Anh nhấn mạnh.

Tín dụng khu vực Đông Nam bộ chiếm 35%

Thông tin trên được Phó thống đốc NHNN đưa ra tại Hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh vùng Đông Nam Bộ diễn ra chiều ngày 11/5 tại TP.HCM.

Cụ thể, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 27/4/2023, trên toàn quốc huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) khá tốt (đạt 12,4 triệu tỷ đồng, bằng 101% tín dụng), thanh khoản hệ thống dồi dào và chưa bị giới hạn chạm trần tăng trưởng tín dụng.

Riêng tại khu vực Đông Nam Bộ, với mạng lưới gần 3.500 chi nhánh TCTD, phòng giao dịch, Quỹ tín dụng nhân dân, đến hết quý I/2023, huy động vốn khu vực đạt trên 4,1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 huy động toàn quốc, giảm 0,75% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý I là 1,24%; tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,72% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý I là 2,61%).

Về cơ cấu tín dụng theo ngành kinh tế, NHNN cho hay, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt trên 900 nghìn tỷ đồng (chiếm 7,4%), ngành công nghiệp và xây dựng đạt gần 3,2 triệu tỷ đồng (chiếm 26%), ngành dịch vụ đạt khoảng 8,2 triệu tỷ (chiếm 66,6%).

Tại khu vực Đông Nam Bộ, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt trên 135 nghìn tỷ đồng (chiếm 3,2% dư nợ tín dụng vùng), ngành công nghiệp và xây dựng đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng (chiếm 26%), ngành dịch vụ đạt khoảng 2,96 triệu tỷ (chiếm 70,8%). Cơ cấu tín dụng ngành công nghiệp và xây dựng, dịch vụ của vùng khá tương đồng với cơ cấu tín dụng của toàn quốc.

f
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị

Tín dụng ngành ngân hàng 4 tháng đầu năm tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên, như nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 3 triệu tỷ đồng (chiếm gần 25% dư nợ nền kinh tế), doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng (chiếm 18%).

Trong đó, tại khu vực Đông Nam Bộ, tín dụng nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 633 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 15% dư nợ khu vực), doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1,04 triệu tỷ đồng (chiếm 25% dư nợ khu vực).

Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú cho hay, các giải pháp điều hành chính sách nêu trên đều hướng tới tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, kịp thời cung ứng vốn tín dụng để góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù NHNN đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp này, song tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn thấp, xuất phát chủ yếu do tình hình kinh tế thế giới khó khăn, lạm phát cao tác động đến doanh nghiệp, đồng thời  thị trường bất động sản khó khăn tác động lên tín dụng.

Về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, NHNN đã khẩn trương xây dựng kế hoạch và giao các đơn vị thuộc NHNN triển khai Nghị quyết.

Đồng thời, ngày 24/4/2023 NHNN đã có Công văn số 2931/NHNN-TD chỉ đạo TCTD: (i) tiếp tục dành vốn tín dụng cho các Dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao.

Kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, bất động sản không có nhu cầu thực/kinh doanh có tính chất đầu cơ bất động sản, làm giá, lũng đoạn thị trường bất động sản...

Thông tin NHNN cho hay, đến 31/3/2023, dư nợ tín dụng bất động sản đạt khoảng 2,67 triệu tỷ đồng, tăng 3,51% so với cuối năm 2022, (chiếm 21,83% tổng dư nợ nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 2,12%.

Trong đó, dư nợ bất động sản khu vực Đông Nam Bộ gần 1,1 triệu tỷ đồng, giảm 1,74% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng 41,12% tổng dư nợ tín dụng bất động sản.

Về chương trình 120.000 tỷ đồng, NHNN đã khẩn trương có văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 01/4/2023 hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để đảm bảo triển khai thống nhất cho các NHTM và các khách hàng thuộc đối tượng vay vốn; chương trình đã triển khai từ 01/4/2023.

Về phía Bộ Xây dựng đã có Công văn số 1551/BXD-QLN ngày 20/04/2023 về danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được tham gia đầu tư xây dựng, mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Lãi suất điều hành có thể sẽ giảm về mức 4% như trước đại dịch

Các chuyên gia dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm thêm lãi suất điều hành thêm 0,5%, đưa lãi suất điều hành về quanh mức 5% cuối năm nay, tiến tới giảm về mức 4% năm 2025.

Tình hình kinh tế xấu đi, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu…  có thể khiến Ngân hàng Nhà nước hạ thêm lãi suất điều hành, theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế.

Trong Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô gần đây về Việt Nam, ngân hàng Standard Chartered đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam xuống 6,5% từ mức 7,2% trước đó. Nguyên nhân là xuất khẩu tháng 4 giảm 17,1% so với cùng kỳ, nhập khẩu giảm 20,5% và sản xuất công nghiệp chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong cả 4 tháng đầu năm, xuất khẩu đã giảm 11,8%; nhập khẩu giảm 15,4% so với cùng kỳ. 

“Việt Nam có đặc thù nhập khẩu nhiều, do vậy các chỉ số nhập khẩu giảm đáng kể cho thấy hoạt động kinh tế đang chậm lại, mặc dù sức tiêu dùng trong nước vẫn mạnh”, ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered nhận định. 

Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản xuống 5% vào cuối quý II, sau đó lãi suất sẽ duy trì cho đến cuối năm 2025. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra tình huống lãi suất sẽ tăng, đặc biệt là vào cuối năm, do Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ chú trọng vào sự ổn định của thị trường tài chính hơn là tăng trưởng.

“Từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển hướng sang hỗ trợ quá trình phục nồi của nền kinh tế. Ngoài việc cắt giảm lãi suất, NHNN còn hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn bằng cách cho họ thêm thời gian để giải quyết tình trạng thiếu thanh khoản. Tháng 4 năm nay, các điều khoản cho vay đã dễ dàng hơn, bao gồm việc hoãn trả nợ (tối đa 12 tháng) và miễn giảm lãi suất. Thị trường bất động sản có thể sẽ cần thêm các biện pháp hỗ trợ thanh khoản do các biện pháp tính đã được triển khai tính đến nay mới chỉ giúp làm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn”, ông Tim Leelahaphan chia sẻ.

Các chuyên gia phân tích VNDirect cũng cho rằng, nhiều khả năng Fed có thể dừng tăng lãi suất điều hành thời gian tới. Trong nước, áp lực tỷ giá giảm, Ngân hàng Nhà nước đã tăng dự trữ ngoại hối thêm khoảng 6 tỷ USD kể từ đầu năm 2023, đồng nghĩa bơm khoảng 140.000 tỷ đồng ra nền kinh tế, qua đó hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và hạ lãi suất trong nước. Trong tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có hai đợt giảm lãi suất điều hành, đánh dấu sự đảo chiều về chính sách tiền tệ trong nước.

Trước nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ đang ngày càng gia tăng, thị trường kỳ vọng Fed sẽ dừng tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 6/2023.

“Nếu kịch bản này xảy ra, áp lực tỷ giá và lãi suất trong nước sẽ tiếp tục hạ nhiệt. Do đó, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất điều hành thêm ít nhất là 50 điểm cơ bản từ nay tới cuối năm 2023”, VNDirect nhận định.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thị trường đang kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ giảm về mức 4% đến năm 2025, tức về mức trước đại dịch Covid-19.

Gợi ý chính sách tài khóa - tiền tệ giai đoạn 2023 - 2024, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, hành chính.

Cụ thể, chính sách tiền tệ cần đa mục tiêu hơn, thêm trọng tâm ổn định tiền tệ - tài chính. Đồng thời, chuyển trạng thái từ “chặt chẽ, thận trọng” sang “nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng”.

Ngoài ra, tiếp tục giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, chính sách cơ cấu lại nợ và hỗ trợ thanh khoản, đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo Đề án 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2023.

Mặc dù các chuyên gia dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm thêm lãi suất điều hành, song Ngân hàng Nhà nước vẫn tỏ ra thận trọng. Bà Dương Thị Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, tuy Fed đã tạm dừng tăng lãi suất song mặt bằng lãi suất của Fed vẫn sẽ ở mức cao. Hơn nữa, nguy cơ lạm phát tiềm ẩn trong nước và thế giới vẫn rất lớn. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước phải thận trọng, linh hoạt để vừa đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Kinh tế còn nhiều rủi ro, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ ra sao nửa cuối năm?

Đảm bảo thanh khoản hệ thống, giảm thêm lãi suất, ổn định tỷ giá, hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên… là trọng tâm điều hành chính sách tiền tệ nửa cuối năm nay.

Bà Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) đánh giá, những tháng còn lại của năm 2023 được dự báo tiếp tục là năm nhiều thách thức với điều hành chính sách tiền tệ tới từ diễn biến phức tạp của cả kinh tế thế giới và trong nước.

Bà
Bà Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) 

Năm nay, kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng chậm lại, nhiều bất trắc, lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao, nhiều ngân hàng trung ương vẫn duy trì chính sách lãi suất cao.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế trong nước cũng đứng trước rủi ro ngày càng tăng khi cầu thế giới suy giảm, tác động tiêu cực lên các ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo; áp lực lạm phát vẫn còn (lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao bình quân 4 tháng vẫn ở mức 4,9%; độ mở kinh tế ở mức cao, dễ chịu tác động từ những biến động bất thường từ kinh tế thế giới, rủi ro lạm phát nhập khẩu tăng khi giá hàng hóa nguyên nhiên vật liệu thế giới tăng cao; việc thực hiện tăng giá các mặt hàng Nhà nước quản lý (điện, học phí giáo dục, dịch vụ y tế…) theo lộ trình  và việc điều chỉnh tăng lương cơ sở cũng tạo áp lực đối với lạm phát trong nước; yếu tố tâm lý, kỳ vọng dù được neo giữ tốt trong thời gian qua nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro biến động mạnh trước những sự kiện tiêu cực trên thị trường thế giới và trong nước…); các hoạt động đầu tưtiêu dùng cũng gặp nhiều khó khăn...

Đứng trước bối cảnh đó, bà Bình cho biết, định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thời gian tới là tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế, tiền tệ trong và ngoài nước, điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Thứ nhất, điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, đảm bảo thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) để TCTD chủ động, sẵn sàng cung ứng đủ, kịp thời vốn cho nền kinh tế. Điều hành công cụ dự trữ đặc biệt phù hợp với diễn biến kinh tế, tiền tệ, các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ khác để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ.

Thứ hai, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, tiếp tục khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay tiến tới tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm tới này, NHNN đã có 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất với mức giảm 0,3-1% trong tháng 3 và 4-2023 nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.

Thứ ba, điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, can thiệp thị trường khi cần thiết, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ và tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua vào khoảng hơn 6 tỷ USD để tăng quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. VNĐ đã tăng giá khoảng 0,7-0,8% kể từ đầu năm và dự báo sẽ ổn định trong cả năm nay.

Thứ tư, tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng 14-15%; chỉ đạo TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp nhằm nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng.

Trên cơ sở nắm bắt các tồn tại, vướng mắc, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có giải pháp quyết liệt, tháo gỡ kịp thời.

Đua huy động lãi suất cao, ngân hàng bắt đầu ngấm đòn

Trót huy động vốn lãi suất cao với kỳ hạn dài hồi cuối năm ngoái, nên nhiều ngân hàng đang chật vật với mục tiêu giảm lãi suất cho vay vì giá vốn đầu vào cao.

Tín dụng tăng trưởng chậm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 2 lần hạ lãi suất điều hành khiến lãi suất huy động hạ nhanh trong 4 tháng đầu năm nay. Trái ngược với cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động cuối năm ngoái, những tháng gần đây, thị trường lại chứng kiến cuộc đua giảm lãi suất huy động.

Đầu tuần này, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại hầu hết ngân hàng đã lùi về mức dưới 8%/năm. Mức lãi suất này so với “đỉnh” cuộc đua lãi suất tháng 11 năm ngoái đã giảm khoảng 2-4%/năm tùy từng ngân hàng.

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất huy động bình quân 1-1,2%, còn giảm lãi suất cho vay chung trong cả hệ thống ngân hàng khoảng 0,5-0,65%. Riêng tại các ngân hàng thương mại nhà nước, mức giảm tích cực hơn, khi lãi suất huy động giảm 1-1,5%, lãi suất cho vay giảm 1,5-2%. Theo thống kê của NHNN, hiện lãi suất tiền gửi mới bình quân là 6-6,1%/năm.

Mặc dù lãi suất huy động giảm mạnh, lãi suất cho vay cũng đã giảm theo, song mặt bằng lãi suất cho vay nhìn chung vẫn còn cao.

Theo báo cáo mới đây của Ủy ban kinh tế của Quốc hội, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức cao trong quý I/2023. Cụ thể, lãi suất cho vay bình quân của 35 ngân hàng thương mại trong nước tính đến cuối tháng 3/2023 khoảng 10,23%/năm, cao hơn 0,56% so với cuối năm 2022 và cao hơn 2,15% so với cuối năm 2021.

Lãi suất huy động tăng cao cuối năm ngoái và 2 tháng đầu năm nay, trong khi thị trường chứng khoán, bất động sản khó khăn, khiến người dân tăng gửi tiền vào ngân hàng, chủ yếu gửi kỳ hạn dài. Huy động vốn tăng, trong khi tín dụng chậm lại, khiến các ngân hàng càng thêm mắc kẹt với lãi suất huy động giá cao, khó giảm lãi suất cho vay.

Không những lãi vay giảm chậm, kết quả kinh doanh nhiều ngân hàng cũng đã “ngấm đòn” vì lãi suất huy động cao. Báo cáo tài chính quý I/2023 của hàng loạt ngân hàng cho thấy, chi phí lãi tăng mạnh, trong khi thu nhập từ lãi tăng chậm, khiến thu nhập lãi thuần giảm sút trong quý I/2023, dẫn tới lợi nhuận giảm tốc. Các ngân hàng rơi vào tình trạng này có thể kể tới ABBank (thu nhập từ lãi tăng 48%, trong khi chi phí lãi tăng gần 100%), Eximbank (thu nhập từ lãi tăng 37,4%, trong khi chi phí lãi tăng hơn 70%)….

Nhiều ngân hàng bắt đầu ngấm đòn khi chi phí huy động vốn tăng cao
Nhiều ngân hàng bắt đầu ngấm đòn khi chi phí huy động vốn tăng cao

Tại các cuộc họp lần đây, lãnh đạo NHNN đã nêu đích danh một số ngân hàng có lãi suất cho vay cao và yêu cầu phải báo cáo NHNN về vấn đề này. Phân trần về lãi suất cho vay vẫn neo cao, lãnh đạo KienLongBank lý giải, lãi suất đầu vào của ngân hàng chủ yếu huy động từ thị trường 1 (tổ chức kinh tế và dân cư) với nguồn vốn kỳ hạn dài, lãi suất khá cao, nên lãi suất đầu ra cũng phải cao để đảm bảo khả năng hoạt động, quản lý rủi ro của ngân hàng.

Từ đầu tháng 5/2023, Vietcombank quyết định giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay VND toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong 3 tháng, từ 1/5/2023 đến 31/7/2023. Ba “ông lớn” khác là BIDV, VietinBank và Agribank cũng đồng thuận sẽ giảm thêm lãi suất cho vay. Big 4 ngân hàng chiếm 50% thị phần cho vay hạ lãi suất sẽ tác động tích cực lên lãi suất thị trường.

Ông Đào Minh Tú cho biết, giảm lãi suất cho vay là một trong 8 chính sách được NHNN ưu tiên những tháng đầu năm. Thời gian tới, NHNN sẽ vận động, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí để tạo điều kiện hạ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân. 

Theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, nhiều khả năng lãi suất trên thị trường sẽ tiếp tục giảm thêm trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, mức giảm sẽ tùy khả năng của từng ngân hàng.

Mặc dù khẳng định sẽ điều hành lãi suất theo xu hướng giảm, song NHNN cũng cho rằng, việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng không thể trông chờ vào hệ thống ngân hàng. Thực tế, tín dụng tăng chậm hiện nay chủ yếu là do sức cầu của nền kinh tế yếu. Vì vậy, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, cần có giải pháp để khai thác cầu nội địa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lãnh đạo NHNN cho rằng, việc thúc đẩy tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần hài hòa với mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Thời gian qua, tín dụng tăng chậm không chỉ ở Việt Nam. Khi các ngân hàng Mỹ sụp đổ, lan sang châu Âu, các ngân hàng tại nhiều quốc gia cũng thận trọng hơn khi cho vay để đảm bảo thanh khoản, sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền.

Việc hàng loạt ngân hàng lớn tại Mỹ sụp đổ không phải do thua lỗ và giá trị trích lập dự phòng rủi ro gấp 4,6 lần quy mô nợ xấu càng khiến NHNN thận trọng với bài toán lấy vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp vẫn than phiền lãi suất cao và khó tiếp cận tín dụng, song theo phản ánh của một số ngân hàng thương mại, nhu cầu vốn hiện nay chủ yếu là để phục vụ đảo nợ hoặc cho các Dự án bất động sản, đồng nghĩa với tiềm ẩn rủi ro lớn. Đây là điều khiến các ngân hàng cân nhắc cho vay mới trong thời điểm này, dù đang dư thừa vốn.

Biến số nào làm ngân hàng “mất ngủ” nửa cuối năm nay?

Biến số nào khiến ngân hàng lo lắng nhất những tháng cuối năm là câu hỏi được đặt ra tại Diễn đàn Ngân hàng năm 2023 với chủ đề “Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu”, diễn ra ngày 10/5.

Chia sẻ từ góc độ quản lý nhà nước, bà Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, mặc dù Fed đã tạm dừng tăng lãi suất, nhưng mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao. Hơn nữa, nguy cơ lạm phát tiềm ẩn trong nước và thế giới vẫn rất lớn. Chính vì vậy, NHNN phải thận trọng, linh hoạt để vừa đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Động thái của Fed cũng như các tác động tới chính sách tiền tệ và nền kinh tế Việt Nam cũng là điều mà các ngân hàng thương mại lo lắng dè chừng.Tuy vậy, bên cạnh đó, chất lượng tín dụng đang xấu đi đang là nỗi ám ảnh của các ngân hàng hiện nay.

Theo ông Lê Thanh Tùng, thành viên HĐQT VietinBank, tín dụng những tháng đầu năm tăng chậm chứng tỏ sức hấp thụ của nền kinh tế đang chững lại. Doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thiếu vắng đơn hàng, thu nhập người dân sụt giảm… đang tác động trực tiếp đến sức khỏe các ngân hàng, bởi ngân hàng là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng không thể khỏe được.

“Báo cáo tài chính quý I/2023 của 27 ngân hàng niêm yết cho thấy, lợi nhuận quý I/2023 giảm 4,4%. Từ năm ngoái tới nay, các ngân hàng thương mại đối mặt với nhiều rủi ro. Nếu năm 2022, rủi ro lớn nhất của hệ thống ngân hàng là thanh khoản, lãi suất và cả rủi ro danh tiếng (do liên quan tới TPDN, bảo hiểm nhân thọ) thì năm 2023, rủi ro lớn nhất của các ngân hàng là rủi ro tín dụng. Khi doanh nghiệp khó khăn, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, thoái lãi dự thu. Chưa kể, nền kinh tế khó khăn cũng khiến các rủi ro khác gia tăng với lĩnh vực ngân hàng như: rủi ro an inh các phòng giao dịch, rủi ro gian lận nội bộ, tấn công mạng… “, ông Tùng cho biết.

Mặc dù vậy, ông Tùng đánh giá cao sự chỉ đạo của Chính phủ trong ban hành các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, TPDN, giải ngân đầu tư công… cũng như các giải pháp của ngành ngân hàng trong ổn định hệ thống, cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Đặc biệt, việc NHNN ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ không chỉ giúp doanh nghiệp mà còn giúp các ngân hàng giãn dự phòng, giúp cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng vượt qua khó khăn.     

Trước khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế, hiện nay, NHNN và hệ thống các ngân hàng thương mại đang chịu áp lực lớn về giảm lãi suất và tăng cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Bà Dương Thị Thanh Bình cho hay,  chủ chương của NHNN là tăng trưởng an toàn, hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào một số lĩnh vực ưu tiên. Theo Vụ Chính sách tiền tệ, thời gian qua, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng hơn.  Tuy vậy, doanh nghiệp muốn vay được vốn thì phải đáp ứng được các yêu cầu, chứng minh năng lực, hoạt động hiệu quả - khả thi. Ngoài ra, tỷ lệ tín dụng/GDP tại nước ta vẫn rất cao. Vì vậy, phải giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng nếu không sẽ khó giảm lãi suất.

“Điều này không chỉ phụ thuộc vào NHNN mà còn phụ thuộc vào tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao năng lượng doanh nghiệp, cải thiện chất lượng thị trường vốn”, bà Bình cho hay.

Chia sẻ với thế khó của nhà điều hành, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho rằng, hiện nay NHNN đang đi trên dây, vừa điều hành vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ doanh nghiệp.

“Nếu ngày hôm nay doanh nghiệp dồn hết khó khăn vào ngân hàng, thời gian tới ngân hàng khó khăn thì doanh nghiệp cũng gặp khó”, ông Hùng cảnh báo.

Mặc dù Thông tư 02/2023 về giãn hoãn nợ là tin vui với cả ngân hàng và doanh nghiệp, song ông Hùng cảnh báo, nếu không cẩn thận thì khó khăn của nền kinh tế sẽ dồn hết vào ngân hàng thương mại.   

Để gỡ vướng mắc ách tắc thanh khoản của nền kinh tế, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần đẩy nhanh giải ngân 1 triệu tỷ đồng đầu tư công. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa phải vào cuộc mạnh mẽ hơn trong hỗ trợ nền kinh tế.  

Bà Hà Thị Kim Nga, chuyên gia cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, thời gian tới, chính sách tiền tệ vẫn phải rất thận trọng để giảm các rủi ro, áp lực từ lạm phát, tỷ giá, lãi suất.

“Hiện Việt Nam vẫn còn dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên phải thúc đẩy giải ngân đầu tư công để đưa dòng tiền mới vào nền kinh tế, từ đó lan toả và tạo tác động tích cực”, bà Nga khuyến nghị.

NHNN cho biết thời gian tới sẽ điều hành chính sách tiền tệ hài hoà các mục tiêu, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, sẽ phối hợp thực hiện các giải pháp để các thị trường khác như TPDN, vốn, bất động sản phát triển lành mạnh, cùng ngành ngân hàng xây dựng nền kinh tế ngày càng phát triển.  

Yêu cầu các ngân hàng giám sát chặt cấp tín dụng "sân sau", tín dụng tiềm ẩn rủi ro

NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải có giải pháp hạn chế nợ xấu mới phát sinh, đặc biệt lưu ý kiểm soát chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản số 3205/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc một số vấn đề trong hoạt động của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ nhóm 2 và nợ xấu, trong đó lưu ý kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ xấu và nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.

Các TCTD cổ phần tuân thủ đúng quy định của pháp luật về sở hữu cổ phần, cấp tín dụng đối với cổ đông và người có liên quan. Đối với TCTD có sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, khẩn trương thực hiện các giải pháp xử lý quyết liệt vấn đề này, phối hợp chặt chẽ cổ đông lớn xây dựng giải pháp thoái vốn theo quy định, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền nhằm tuân thủ quy định của pháp luật.

Các TCTD tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tiếp tục rà soát, theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng, biến động sở hữu cổ phần của cổ đông, cổ đông và người có liên quan, nhóm cổ đông cần quan tâm (nếu có) tại TCTD, kịp thời phát hiện, xử lý các tồn tại, vi phạm về sở hữu cổ phần, cấp tín dụng, góp vốn không đúng quy định, ngăn ngừa sở hữu chéo, thao túng hoạt động của TCTD.

Tăng cường rà soát, kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động phát hành thư tín dụng (L/C) nội địa, đảm bảo đúng quy định pháp luật và quy định nội bộ (trong đó lưu ý các trường hợp khách hàng là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng); có biện pháp cụ thể nhằm kiểm soát rủi ro phát sinh từ hoạt động phát hành L/C nội địa, hạn chế tối đa rủi ro phát sinh nợ xấu, góp phần đảm bảo chất lượng tín dụng của ngân hàng.

Chống sở hữu chéo: Năm 2023 sẽ thanh tra việc mua bán cổ phần ngân hàng với mục đích thâu tóm

Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội, Thống đốc thừa nhận khó khăn trong xử lý sở hữu chéo và cho biết đã đưa vào kế hoạch năm 2023 nội dung thanh tra về chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối ngân hàng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có báo cáo quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 62/2022QH15 về hoạt động chất vấn. Chống sở hữu chéo là một trong các nội dung quan trọng được báo cáo đề cập tới.

Thống đốc cho biết, thời gian qua, NHNN đã tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và quyết liệt triển khai các giải pháp ngăn ngừa, xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo, cho vay, đầu tư không đúng quy định cùng với quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD).

Nhờ vậy, sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo trong hệ thống TCTD từng bước được xử lý, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng đã được hạn chế.  

Dù tình trạng sở hữu chéo chủ yếu phát sinh trước khi Luật các TCTD năm 2010 có hiệu lực, song Thống đốc thừa nhận, việc xử lý vấn đề sở hữu vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo vẫn khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che dấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật, dẫn đến TCTD có thể bị chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu công khai, minh bạch.

Cũng theo NHNN, hiện nay, một số TCTD có mức độ tập trung sở hữu cổ phần tại một số cổ đông và người liên quan. Mặc dù mức độ sở hữu không vi phạm quy định của pháp luật song tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bất cập hiện nay là pháp luật không có quy định về khái niệm đầu tư chéo. Hiện nay, một số TCTD cấp tín dụng (cho vay, đầu tư...) đối với cổ đông (tổ chức, cá nhân) và người liên quan của cổ đông. Tuy nhiên, quy định của pháp luật không cấm trường hợp TCTD cấp tín dụng cho cổ đông và người có liên quan nếu tuân thủ quy định (Điều 126, 127, 128 Luật các TCTD về trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng và giới hạn cấp tín dụng).  

NHNN cũng cho rằng, việc ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng khó khăn còn do liên quan đến nhiều đối tượng thuộc sự quản lý của các bộ/ ngành trong khi NHNN chỉ quản lý các tổ chức tín dụng. Vì vậy, việc sở hữu chéo giữa các công ty trong lĩnh vực khác, Ngân hàng Nhà nước không có thông tin cũng như không có công cụ để kiểm soát.

Trước đó, trao đổi với Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, phát hiện sở hữu chéo không hề đơn giản. Có hiện tượng sở hữu chéo thanh tra ngân hàng có thể nhìn thấy, song cũng có những biểu hiện thì chỉ khi cơ quan an ninh điều tra mới phát hiện ra được.

Ví dụ, có tập đoàn thành lập tới hàng trăm doanh nghiệp, cơ quan thanh tra giám sát của NHNN có thể nhìn thấy, nhưng không có chế tài để theo dõi, giám sát hết được, trong khi đây là lại là gốc rễ rủi ro an ninh tiền tệ - ngân hàng.  

Mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng đã có quy định về cho vay với người liên quan, tránh ông chủ vay tiền cho các công ty con, song các tập đoàn lách quy định bằng việc đẻ ra hàng trăm công ty con để vay tiền.   

 NHNN cho biết, định hướng thời gian tới  tiếp tục thực hiện giám sát an toàn hoạt động của TCTD và qua công tác thanh tra về vốn, tình hình sở hữu cổ phần của TCTD, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn...trường hợp phát hiện rủi ro, vi phạm, NHNN chỉ đạo TCTD xử lý các tồn tại nhằm ngăn ngừa rủi ro.

Đối với các trường hợp phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, NHNN xem xét chuyển cơ quan công an điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) để xử lý nhằm ngăn ngừa rủi ro. Đồng thời, các bộ, ban ngành, đơn vị chủ quản của doanh nghiệp cần quan tâm chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư, góp vốn mua cổ phần tại các TCTD tuân thủ quy định, sử dụng nguồn vốn đi vay, đặc biệt vốn vay từ các TCTD đúng mục đích, hiệu quả đảm bảo an toàn và trả nợ đúng hạn cho các TCTD.

NHNN cũng cho hay đã đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2023 nội dung thanh tra về chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu của các TCTD có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối TCT; cấp tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn (tập trung tín dụng có liên quan đến lĩnh vực bất động sản; cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông lớn của TCTD...).

Ngoài ra, NHNN cũng đang khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, trong đó có việc tham mưu Chính phủ trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD, trong đó bổ sung các quy định nhằm xử lý hiệu quả tình trạng sở hữu chéo, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của TCTD.

Đua huy động lãi suất cao, ngân hàng bắt đầu ngấm đòn
Trót huy động vốn lãi suất cao với kỳ hạn dài hồi cuối năm ngoái, nên nhiều ngân hàng đang chật vật với mục tiêu giảm lãi suất cho vay vì giá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư