Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Lãi thật từ showroom ảo
Hồng Phúc - 25/03/2021 17:24
 
Đưa sản phẩm lên showroom ảo, doanh nghiệp gỗ, nội thất Việt Nam không chỉ tăng kết nối, thu hẹp khoảng cách với khách hàng, mà qua đó còn chốt được những đơn hàng xuất khẩu ngoài kỳ vọng.
Các showroom ảo đang mang đến doanh thu thật, lợi nhuận “khủng” cho doanh nghiệp.

Hiệu quả từ kênh tiếp thị trực tuyến

Tháng 2 và tháng 3 hàng năm là thời điểm rất quan trọng với các nhà sản xuất trong lĩnh vực đồ gỗ, nội thất xuất khẩu khi phải dồn nguồn lực cho khâu tiếp thị. Thông thường, nhà mua hàng sẽ tìm kiếm nhà cung ứng trong giai đoạn này rồi đặt đơn theo xu hướng từng mùa. 

Tuy nhiên, giao thương trực tiếp bắt đầu trắc trở khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Đến giờ này, bà Phạm Thị Hồng Quang, Giám đốc Công ty Thủ công mỹ nghệ Nguồn Việt (VietS, tại TP.HCM) vẫn chưa quên cảm giác hụt hẫng khi nhận được thông báo tạm hoãn từ Ban Tổ chức Hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA Expo) sau khi vừa kịp trở về nước từ một hội chợ quốc tế tại Đức vào tháng 2/2020, trước khi lệnh đóng biên được áp dụng.

VIFA Expo là hội chợ xúc tiến thương mại thường niên lớn nhất của ngành nội thất Việt Nam và cũng là nơi giúp VietS đón khách hàng quen, kết nối thêm nhà mua hàng mới.

Theo bà Hồng Quang, thủ công mỹ nghệ là mặt hàng có tính thời trang, nên thị hiếu đối với những sản phẩm này không ngừng thay đổi. Vì thế, mỗi năm, các nhà nhập khẩu thường sang Việt Nam để tham quan nhà xưởng, thảo luận về mẫu mã… Nếu không duy trì được kết nối này, doanh nghiệp rất khó để có được đơn hàng.

Trước tình thế khó khăn, ban lãnh đạo VietS không chọn dừng hoạt động, mà nỗ lực tìm kiếm giải pháp. Kết quả, cuối năm 2020, VietS ghi nhận tăng trưởng doanh số khoảng 40% so với năm trước.

“Trải qua năm 2020, tôi rút ra bài học lớn, đó là đầu tư cho tiếp thị trực tuyến rất quan trọng. Hàng năm, chúng tôi chi ra vài trăm ngàn USD để tham gia hội chợ ở các quốc gia, nhưng đầu tư cho kênh trực tuyến cũng sẽ mang lại hiệu quả không nhỏ”, bà Hồng Quang chia sẻ.

Một trong những kênh đầu tư tiếp thị trực tuyến quan trọng mà Giám đốc VietS nhắc đến chính là Hope - nền tảng triển lãm trực tuyến đầu tiên của ngành công nghiệp nội thất Việt Nam, do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) phối hợp với một số đơn vị thực hiện từ một năm trước, nhằm “gỡ rối” cho các hội viên trước nỗi lo về đại dịch Covid-19.

VietS là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia Hope. Lãnh đạo Công ty thừa nhận, giai đoạn đầu, họ “không tin tưởng lắm” về tính hiệu quả của công cụ tiếp thị trực tuyến này. Nhưng thực tế đã cho thấy, không chỉ VietS, mà hàng loạt doanh nghiệp như Công ty cổ phần Cổ kim mỹ nghệ, Công ty Gỗ Minh Dương, SF Home… đã ký kết được nhiều đơn hàng xuất khẩu, có thêm nhiều đối tác thông qua “nền tảng hy vọng” Hope.

Tạo trải nghiệm tốt cho khách hàng

Câu chuyện tiếp thị, bán hàng thông qua “bà mối” Hope của Công ty cổ phần Cổ kim mỹ nghệ (Bình Thuận) cũng thú vị không kém, khi mặt hàng ván lướt tồn kho được dùng để kê sản phẩm chính trên showroom ảo lại lọt vào tầm ngắm của khách hàng. Kết quả, công ty này chốt được đơn hàng 2 container xuất khẩu sang Mỹ ngay trong giai đoạn tạm đóng cửa nhà xưởng vì Covid-19.

Thực ra, khi tham gia các showroom ảo như Hope, doanh nghiệp không nên nhìn nhận đó là công cụ bán sản phẩm, mà nên xác định đó là “cây cầu” kết nối, thu hẹp khoảng cách với khách hàng. Bởi, từ khi biết thông tin sản phẩm đến lúc ra quyết định đặt hàng, bên mua cần thời gian tương tác với nhà cung ứng.

Với doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh các sản phẩm tủ bếp, tủ lavabo, bồn tắm bằng chất liệu sợi thuỷ tinh, đá cẩm thạch nhân tạo từ công nghệ chuyển giao của Tập đoàn Gruber Systems (Mỹ) như SF Home, việc khách hàng tìm đến và duy trì thời gian ở lại trên website của mình đã là thành quả rất quan trọng.

Hai năm trước, SF Home từng tiếp cận showroom ảo của một đơn vị cung cấp với chi phí 50 - 100 triệu đồng, song ông Nguyễn Phong Phú, nhà sáng lập, Tổng giám đốc SF Home vẫn chưa hài lòng, vì trên không gian trực tuyến đó, chỉ có hình ảnh được trưng ra, thiếu khả năng tạo trải nghiệm thực, thiếu tính kết nối với các công cụ tiếp thị…

“80% doanh số của SF Home đến từ khách hàng nước ngoài, nên hình ảnh website không đủ để tạo trải nghiệm tốt cho khách. Với Hope, chúng tôi chỉ mất chi phí khoảng 10 triệu đồng, mà thông qua đó thu được không ít dữ liệu về hành vi khách hàng, đơn cử, thời gian khách hàng ở lại website…”, ông Phú chia sẻ.

Nếu tham gia hội chợ trực tiếp, các doanh nghiệp chỉ có thể trưng bày một số sản phẩm trong hàng trăm sản phẩm mình có. Sự hạn chế này ảnh hưởng đến nhu cầu tiếp cận đa dạng mẫu mã, màu sắc, khả năng phối kết hợp trực tiếp giữa các sản phẩm… của khách hàng.

Trong khi đó, qua showroom ảo, khách hàng có thể trực tiếp tùy chỉnh kết hợp các sản phẩm với nhau để đánh giá mức độ phù hợp.

“Trước khi vào showroom, khách chỉ có nhu cầu mua chiếc bàn, nhưng chúng tôi sắp xếp chiếc ghế cạnh bên phù hợp và họ thấy vừa mắt, thì chắc chắn, nhu cầu mua thêm sẽ phát sinh”, bà Hồng Quang nói.

Thống kê của Statista Digital Market Outlook năm 2019 cho thấy, doanh số bán hàng trực tuyến nhóm đồ gia dụng và nội thất trên toàn thế giới đạt khoảng 200 tỷ USD, dự báo tăng trưởng bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2019 - 2023. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nội thất trực tuyến lớn nhất với doanh thu khoảng 80 tỷ USD; còn doanh thu ở thị trường Mỹ là 44,5 tỷ USD.

Những con số này đã cho thấy mức độ tiềm năng của kênh bán hàng trực tuyến. Các showroom ảo đang mang đến doanh thu thật, lợi nhuận “khủng” cho doanh nghiệp. Để gia tăng sự nhận biết về ngành gỗ Việt Nam đối với nhà mua hàng quốc tế, theo các chuyên gia, bên cạnh kênh tiếp thị trực tuyến, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ càng về nguồn lực, đầu tư để đáp ứng những tiêu chí của phía mua hàng.

 

Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng ngành gỗ Việt Nam đã tạo nên kỳ tích ngoạn mục với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 14 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, tăng hơn 16% so với năm 2019.

Đặc biệt, trong nhóm các nước xuất khẩu đồ gỗ nội, ngoại thất năm 2020, chỉ có Việt Nam giữ vững được giá trị xuất khẩu vào thị trường EU.

 

Bốn sáng kiến của doanh nghiệp gỗ để tồn tại và chuẩn bị quay lại sau dịch
Cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ nói riêng đang hết sức nỗ lực, cố gắng duy trì hoạt động sản xuất và kỳ vọng có thể chuẩn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư