Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Làm gì để triển khai nhanh dự án điện?
Thanh Hương - 14/08/2019 10:33
 
Thủ tướng Chính phủ đã chính thức yêu cầu các bộ, ngành liên quan giải quyết nhanh các thủ tục để triển khai nhanh một số dự án nguồn điện.
Phối cảnh Dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1. Nguồn: EVN
Phối cảnh dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1. Nguồn: EVN

Vướng đủ mọi nhẽ

Có 9 dự án điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan giải quyết nhanh các thủ tục để triển khai nhanh và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề vượt thẩm quyền để thúc đẩy tiến độ.

Đó là các dự án nhiệt điện Quảng Trạch I, Quảng Trạch II, Dung Quất I và Dung Quất III (đồng bộ với Dự án khí Cá Voi Xanh), Ô Môn III và Ô Môn IV (đồng bộ với Dự án khí Lô B); các dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng, Yaly mở rộng, Trị An mở rộng có tổng công suất lên tới 6.442 MW.

Trước yêu cầu đẩy nhanh giải quyết các thủ tục này, dư luận cũng rất quan tâm tới hiện trạng các dự án nói trên.

Theo các chuyên gia, trong số 9 dự án điện này, có Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 và các dự án thủy điện mở rộng là đã có thời gian chuẩn bị khá lâu. Tuy vậy, hiện vẫn chưa thể bước sang khâu triển khai xây dựng trên thực địa.

.

Đơn cử như Dự án Quảng Trạch 1. Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, việc mở rộng quy mô dự án đầu tư dẫn đến dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư. Cụ thể, ban đầu, dung tích kho than là 380.000 tấn. Khi điều chỉnh dự án, kho than được mở rộng để chứa được 605.000 tấn. Ngoài ra, ban đầu dự án chưa có dây chuyền thiết bị xử lý tro xỉ. Khi điều chỉnh dự án, đã bổ sung quy hoạch dây chuyền thiết bị xử lý tro xỉ.

Việc điều chỉnh tăng quy mô của các hạng mục nêu trên đã góp phần làm tăng tổng mức đầu tư dự án. Bởi vậy, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng cho hay, “nếu phải điều chỉnh chủ trương đầu tư sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.

Ngoài ra, việc thu xếp vốn cho dự án cũng có những khó khăn nhất định. EVN đã thông qua việc giao cho Vietcombank làm đầu mối thu xếp vốn cho dự án.  Ban đầu, ngoài Vietcombank còn có thêm 3 ngân hàng đăng ký tham gia cho vay hợp vốn là VietinBank, BIDV và Agribank. Nhưng sau đó, chỉ còn Vietcombank, VietinBank, BIDV tham gia tổ hợp và dự kiến tài trợ 27.100 tỷ đồng cho dự án.

Tuy nhiên, cuối năm 2018, VietinBank và BIDV lại thông báo tạm dừng tham gia hợp vốn để cấp tín dụng cho dự án. Lý do là 2 ngân hàng này chưa đáp ứng các điều kiện về việc cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Sau đó, EVN đã xây dựng đề án vay vốn cho dự án.

Liên quan đến đề án vay vốn cho dự án, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, quy chế quản lý tài chính của EVN chưa nêu rõ về phạm vi thẩm quyền của Ủy ban trong việc phê duyệt phương án huy động vốn của EVN. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã lấy ý kiến các bộ về thẩm quyền của mình trong việc phê duyệt phương án huy động vốn đối với các dự án của EVN, nhưng vẫn không đủ cơ sở để xác định thẩm quyền phê duyệt phương án huy động vốn đối với các dự án của EVN của Ủy ban.

Tháng 5/2019, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đã kiến nghị Thủ tướng cho phép được phê duyệt phương án huy động vốn của EVN đối với dự án nhóm A và được Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo rà soát kỹ các quy định của pháp luật để xác định thẩm quyền phê duyệt phương án huy động vốn các dự án của EVN.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang đề nghị Thủ tướng sớm xem xét, phê duyệt việc cho phép Vietcombank được cấp tín dụng cho EVN để triển khai thực hiện dự án vượt giới hạn đối với EVN (15% vốn tự có của Vietcombank) và vượt giới hạn đối với EVN và người có liên quan (25% vốn tự có của Vietcombank) theo quy định hiện hành.

Lẽ dĩ nhiên, nếu đề nghị này chưa được chấp thuận bằng văn bản thì việc thu xếp vốn cho Dự án Quảng Trạch I cũng vẫn phải chờ, ngay cả khi đã xong các hồ sơ thủ tục về đầu tư.

Thi công cũng phải sát sao

Đáng nói là, Quảng Trạch I được xem là đã sẵn sàng nhất để triển khai, nhưng với các vướng mắc nói trên, hiện Dự án vẫn đợi ngày khởi công.

Được xem là khá thuận lợi khi triển khai bởi trên nền dự án đã có sẵn và đang hoạt động tốt, nhưng Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng và Yaly mở rộng cũng chung số phận chờ. Theo Bộ Công thương, các dự án này đã  được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, đã tổ chức kiểm tra thực hiện và đang thẩm tra, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi. Còn Dự án Thủy điện Trị An mở rộng thì đang chờ UBND tỉnh Đồng Nai thẩm tra và phê duyệt Báo cáo tiền khả thi.

“Đây là những dự án thuận lợi nhất của EVN mà vẫn còn vướng, thì các dự án khác còn đang manh nha hoặc sẽ phải trải qua nhiều bước hơn, chắc chắn sẽ mất thời gian hơn”, một chuyên gia ngành điện cho hay.

Trong báo cáo về các dự án nguồn điện vào tháng 6/2019, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, một số quy định hiện hành về đầu tư xây dựng còn thiếu tính thống nhất, chồng chéo, gây những khó khăn nhất định và dẫn tới công tác chuẩn bị đầu tư bị kéo dài. Các dự án bị ảnh hưởng được ông Vượng dẫn chứng là Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Yaly mở rộng. 

Ngoài ra, một số dự án đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư, nhưng thuộc phạm vi điều chỉnh của các văn bản pháp luật mới nên phải trình duyệt lại chủ trương đầu tư, như Nhiệt điện Ô Môn III, Ô Môn IV.

Vẫn theo ông Vượng, việc tổ chức thẩm định hồ sơ dự án đầu tư trong thực tế thực hiện còn chưa phù hợp, đầu mối thực hiện thẩm định không nhất quán, gây lãng phí thời gian cho doanh nghiệp thực hiện trình duyệt chủ trương đầu tư tại các dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị xây dựng, đấu thầu khi áp dụng các quy định mới, phải trình qua nhiều cấp thẩm quyền thẩm tra, thẩm định và phê duyệt, nên ảnh hường đến tiến độ của dự án.

Trong lần trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư vào tháng 3/2019, ông Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng (người nhiều năm là phái viên của Thủ tướng Chính phủ về các công trình điện) đã rất buồn lòng khi nhiều dự án do EVN là chủ đầu tư như Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I, Thủy điện Ialy mở rộng tới giờ vẫn đợi khởi công.

Xót xa khi hàng loạt dự án điện lớn không thể triển khai hoặc lúng túng với các vướng mắc hiện nay, ông Nê cho hay, nếu năm 2017, EVN được phép xây dựng Nhà máy Điện Quảng Trạch I (1.200 MW), thì cũng không có nghĩa trong 6 tháng hay 1 năm nữa, sẽ vận hành nhà máy và giải quyết được chuyện hết công suất dự phòng như hiện nay.

“Ít nhất phải mất 3,5 - 4 năm, với sự cố gắng, giám sát tiến độ một cách nghiêm túc, thì mới thực hiện được. Với thực tế này, không chỉ giai đoạn 2019 - 2021, tình trạng thiếu điện trầm trọng sẽ xảy ra, mà còn tiếp diễn trong nhiều năm sau nữa. Thậm chí, nếu không có biện pháp khắc phục nhanh chóng và quyết liệt, có trể trở lại tình trạng như trước là cắt điện triền miên”, ông Nê nói.

Long đong Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, được khởi công từ năm 2011, tổng mức đầu tư gần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư