Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Làm giả con dấu, chữ ký của bệnh viện để lừa đảo
D.Ngân - 24/10/2023 18:45
 
Đối tượng có tài khoản Zalo là “Đông Phương”, Facebook “Phương Đông” đã lợi dụng thương hiệu các bệnh viện lớn chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của người bệnh.

Theo đại diện Bệnh viện Trung ương quân đội 108 vừa qua có trường hợp một đối tượng sử dụng hình ảnh bác sĩ Bệnh viện Trung ương quân đội 108 làm chuyên môn có đeo khẩu trang, đội mũ, mặc đồ bảo hộ (không rõ danh tính) để “khoe” công việc hằng ngày của bản thân; làm giả bằng khen, cúp, huy hiệu “bác sĩ xuất sắc” có in logo, tên “Bệnh viện Trung ương Quân đội 108” tạo uy tín; làm giả Giấy xác nhận công tác tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 có chữ ký và dấu đỏ của lãnh đạo Bệnh viện…

Không từ thủ đoạn, đối tượng lừa đảo có tài khoản mạng xã hội là “Đông Phương” (Zalo), “Phương Đông” (Facebook) đã lợi dụng thương hiệu các bệnh viện lớn chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng từ người bệnh.  

Thủ đoạn tinh vi, có sự đầu tư về mặt hình ảnh, đối tượng kể trên khiến nhiều người dân bàng hoàng nhận ra bị lừa khi tiền đã mất và tật đã mang.

Đối tượng lừa đảo nhắm đến người bệnh cao tuổi khó nhận biết dấu hiệu giả mạo, ngay cả người trẻ khi vội vàng tìm kiếm địa chỉ điều trị cho người thân cũng khó nhận ra điểm đáng ngờ.

Để các đối tượng xấu không có cơ hội lợi dụng, người dân cần đề cao cảnh giác hơn nữa và chọn lọc thông tin chính xác.

Nếu quan sát kỹ các nội dung giả mạo, có thể nhận thấy những điểm bất hợp lý, ví dụ tấm bằng khen “Bác sĩ xuất sắc”, phía trên có logo, tên Bệnh viện Trung ương quân đội 108, tuy nhiên phần ký của lãnh đạo đơn vị lại là “Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa” - Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong văn bản giả “Giấy xác nhận công tác”, đối tượng lừa đảo cắt hình chữ ký, con dấu của Thiếu tướng Lâm Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương quân đội108 gắn vào nội dung tự biên, phần chức danh chưa đúng còn được “chữa cháy” bằng chữ viết tay.

Nhằm ngăn chặn các hành vi mạo danh, lừa đảo, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã thường xuyên rà soát, báo cáo cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng. Tuy nhiên, để đối tượng xấu không có cơ hội lợi dụng, người dân cần đề cao cảnh giác hơn nữa và chọn lọc thông tin chính xác.

Cũng về các hình thức lừa đảo tại Bệnh viện, vừa qua Bệnh viện Nhi Trung ương vừa phát đi cảnh báo về mã QR giả mạo do đối tượng xấu dán tại quầy thanh toán viện phí.

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay việc quét mã QR để thanh toán đang trở nên rất phổ biến. Thay vì nhập tên ngân hàng, số tài khoản, người dùng chỉ cần quét mã QR là thông tin tự động được điền, giúp cho việc thanh toán trở nên nhanh chóng, thuận tiện.

Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu đã thực hiện dán QR giả mạo tại mặt ngoài một số quầy thanh toán viện phí của Bệnh viện Nhi trung ương để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc này có thể dẫn đến người nhà người bệnh chuyển nhầm tiền thanh toán viện phí vào tài khoản của các đối tượng xấu.

Ngay sau khi phát hiện, Bệnh viện Nhi Trung ương đã nhanh chóng gỡ bỏ các mã QR lừa đảo trái phép này, đồng thời tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người nhà bệnh nhân thực hiện đúng các quy định về thanh toán viện phí. Bệnh viện cũng phối hợp và báo cáo cơ quan chức năng để giải quyết và xử lý kịp thời.

Qua đây, Bệnh viện khuyến cáo, các gia đình khi đưa con đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện cần cảnh giác với các mã QR lừa đảo được dán bên ngoài các quầy thanh toán và không quét mã khi chưa có sự hướng dẫn của nhân viên Bệnh viện.

Mới đây, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) cũng đã lên tiếng cảnh báo việc bệnh viện lại bị mạo danh để lừa đảo, trục lợi. Nhiều trang cá nhân, phòng khám tư, cơ sở thẩm mỹ sử dụng từ khóa liên quan đến bệnh viện như “Viện thẩm mỹ 175”, “Bệnh viện 175”… để quảng cáo, thu hút bệnh nhân.

Đại diện Bệnh viện cho biết, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi. Một loạt trang Fanpage giả mạo ra đời đã ngang nhiên sao chép và đăng tải lại các bài đăng, logo, ảnh bìa trang Fanpage chính thức của bệnh viện. Thậm chí, một số trang Facebook giả mạo còn lợi dụng danh tiếng của bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 để gây nhầm lẫn, trục lợi.

Một nạn nhân khác là Bệnh viện Nội tiết Trung ương hay các bác sĩ của bệnh viện để lừa đảo. Theo đại diện Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cơ sở liên tục nhận được phản ánh của nhiều người dân qua đường dây nóng về việc có một số đối tượng mạo danh giới thiệu là cán bộ, nhân viên của bệnh viện.

Các đối tượng này lập lên các trang Facebook, Fanpage, Tik Tok… giả mạo là nhân viên y tế, đội ngũ chuyên gia, thậm chí, lợi dụng danh tiếng của các lãnh đạo Bệnh viện Nội tiết Trung ương để lừa đảo.

Với nhiều thủ đoạn tinh vi, các trang giả mạo này đã thực hiện tư vấn, khám bệnh trực tuyến, giới thiệu bán thuốc điều trị bệnh đái tháo đường (tiểu đường), bệnh tuyến giáp, mồ hôi tay chân… và các bệnh nội tiết khác nhằm trục lợi từ người bệnh.

Nhiều đối tượng còn ngang nhiên trà trộn trực tiếp đóng giả làm người bệnh và người nhà bệnh nhân bắt chuyện với bệnh nhân thật để bán nhiều loại nhân sâm, tam thất không rõ nguồn gốc, không có hạn sử dụng, nhãn mác, không ghi bất kỳ thành phần gì bên trong với giá cao lên tới từ 3-5 triệu đồng/liệu trình điều trị.

Đã có nhiều người bệnh cả tin bị lừa và mua phải những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc này.

Bệnh viện Nội tiết Trung ương khẳng định, Facebook Nguyễn Hạnh, Nguyễn Hữu Thắng, Tik Tok Nguyễn Huy Cường cùng các nhóm cộng đồng có tên trên giới thiệu hay tư vấn nội dung về việc là nhân viên của Bệnh viện Nội tiết Trung ương là không đúng. 

Đặc biệt, Facebook lấy hình ảnh và tên của TS. Phan Hướng Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương để giới thiệu sản phẩm, tư vấn điều trị bệnh là trang giả mạo. Bệnh viện yêu cầu tất cả trang trên phải gỡ bỏ toàn bộ thông tin, hình ảnh, bài viết đã mạo danh bác sĩ của bệnh viện.

Bệnh viện Nội tiết Trung ương thông báo để nhân dân và người bệnh nâng cao cảnh giác, không bị các đối tượng mạo danh uy tín và thương hiệu của bệnh viện để trục lợi và gây thiệt hại không đáng có cho người bệnh. 

Qua đây, các cơ sở y tế khuyến cáo người dân trong quá trình điều trị tại bệnh viện, người bệnh và người nhà người bệnh nghe trực tiếp tư vấn và chỉ định điều trị từ bác sĩ và nhân viên y tế của bệnh viện. Nâng cao cảnh giác, không để các đối tượng mạo danh lừa đảo gây thiệt hại không đáng có.

Việc mạo danh, giả mạo, lấy tên tuổi các bác sĩ và thương hiệu của các bệnh viện lớn để lừa đảo, trục lợi có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, thậm chí cả tính mạng người sử dụng dịch vụ; đồng thời làm ảnh hưởng đến uy tín của bác sĩ, bệnh viện. Người dân cần hết sức tỉnh táo, thận trọng để không bị kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt, dẫn tới “tiền mất, tật mang”.

Bộ Y tế cảnh báo tình trạng giả mạo bác sĩ tư vấn bệnh
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cảnh báo tình trạng giả mạo bác sĩ tư vấn bệnh để bán thuốc, thực phẩm chức năng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư