Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Lạm phát Anh chạm mức cao nhất 3 thập kỷ
Lê Quân - 24/03/2022 09:47
 
Lạm phát tháng 2/2022 ở Vương quốc Anh tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ tháng 3/1992.
Một góc Trung tâm mua sắm Oxford Street, London. Ảnh: AFP
Một góc Trung tâm mua sắm Oxford Street, London. Ảnh: AFP

Lạm phát Anh tăng cao nhất 3 thập kỷ được thúc đẩy bởi chi phí thực phẩm, nhiên liệu và năng lượng tăng cao, làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt của "xứ sở sương mù", theo đài CNBC.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của Anh cao hơn mức dự báo tăng trung bình 5,9% của các nhà kinh tế với Công ty nghiên cứu dữ liệu thị trường Refinitiv, đồng thời vượt xa mức lạm phát cao nhất vào tháng 1 của 30 năm trước là 5,5%.

So với tháng trước, chỉ số CPI của Anh đã tăng 0,8%, cao hơn kỳ vọng tăng 0,6% và đánh dấu mức tăng CPI lớn nhất trong hai tháng đầu năm, kể từ năm 2009.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất trong 3 cuộc họp chính sách tiền tệ liên tiếp, nâng lãi vay từ mức thấp lịch sử 0,1% lên 0,75%, với hy vọng kiềm chế lạm phát mà không cản trở tăng trưởng kinh tế.

Tuần trước, Ủy ban Chính sách Tiền tệ thuộc Ngân hàng Trung ương Anh đã khẳng định quan điểm chính sách ôn hòa hơn so với kỳ vọng của thị trường khi nhấn mạnh rằng thu nhập hộ gia đình sẽ eo hẹp hơn trong bối cảnh giá hàng hóa tăng mạnh sau khi Nga tiến hành chiến dịch qân sự đặc biệt tại Ukraine. Các nhà hoạch định chính sách Anh hiện kỳ vọng lạm phát sẽ đạt đỉnh 8% trong quý II/2022.

Chỉ số giá tiêu dùng bao gồm chi phí nhà ở của chủ sở hữu (CPIH) - một thước đo lạm phát thường dùng của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh - đã tăng 5,5% trong 12 tháng tính đến tháng 2/2022, từ mức tăng 4,9% trong 12 tháng tính đến tháng 1/2022.

"Những nhân tố đóng góp nhiều nhất vào tỷ lệ lạm phát CPIH 12 tháng 2/2022 là nhà ở và dịch vụ gia đình (đóng góp 1,39 điểm phần trăm, chủ yếu từ chi phí điện, khí đốt và nhiên liệu khác, và chi phí nhà ở của chủ sở hữu) và giao thông (1,26 điểm phần trăm, chủ yếu từ nhiên liệu động cơ và ô tô đã qua sử dụng)", Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh phân tích.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đang chịu áp lực giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nước này khi ông đưa ra Tuyên bố mùa xuân vào cuối ngày 23/3. Theo đó, việc tăng 10% theo kế hoạch đối với Bảo hiểm Quốc gia (một loại thuế đánh vào thu nhập) được cho rằng sẽ tác động đến nhiều người lao động Anh trong tháng 4, đồng thời việc tăng trần phí năng lượng của Vương quốc Anh lên 54% để phù hợp bối cảnh chi phí xăng dầu và khí đốt tăng cao, càng khiến thu nhập hộ gia đình Anh eo hẹp khi giá tiêu dùng tiếp tục tăng lên và chiến sự Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Ông Paul Craig, Giám đốc danh mục đầu tư tại Quỹ quản lý tài sản Quilter, cho biết: "Dữ liệu lạm phát công bố sáng 23/3 cho thấy tình hình tồi tệ đến mức nào, và rõ ràng là chính phủ Anh cần phải hành động để giúp nhiều người thoát khỏi nguy cơ rơi vào khó khăn tài chính khi tiền lương của họ nhanh chóng bị nuốt chửng".

"Các thị trường và các nền kinh tế phát triển sẽ tiếp tục phải đương đầu với lạm phát tăng vọt cùng với bất ổn xung quanh chiến sự Nga - Ukraine. Trong bối cảnh thị trường nhạy cảm như hiện nay, các nhà đầu tư cần theo dõi dữ liệu và các thị trường một cách chặt chẽ và phân bổ đầu tư cho phù hợp", ông Paul Craig lưu ý.

Ông Dan Boardman-Weston, Giám đốc đầu tư tại Quỹ quản lý tài sản BRI, cho rằng tỷ trọng đóng góp của chi phí nhiên liệu vào lạm phát Anh sẽ vận động theo chiều hướng giảm dần. "Dữ liệu tiếp tục cho thấy tỷ lệ lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng nữa, nhưng chúng tôi hy vọng điều này sẽ giảm bớt khi chúng ta bước vào mùa hè. Với sức phục hồi của thị trường lao động và nền kinh tế Anh nói chung, có vẻ như không thể tránh khỏi việc Ngân hàng Trung ương Anh tiếp tục tăng lãi suất", ông Boardman-Weston nói.

"Việc tăng lãi suất vào thời điểm hóa đơn chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình và thuế tăng cao có thể kìm hãm sức phục hồi kinh tế vì nó khiến người tiêu dùng chịu quá nhiều áp lực. Ngân hàng Trung ương Anh sẽ cần phải cân đối cẩn trọng các nỗ lực kiềm chế lạm phát và không đẩy nền kinh tế vào suy thoái", đại diện Quỹ quản lý tài sản BRI nhận định.

Giữa "cơn khát", nhà máy chip lớn nhất Vương quốc Anh phải "bán mình"
Newport Wafer Fab, nhà sản xuất chip lớn nhất Vương quốc Anh, sẽ bán mình cho Công ty bán dẫn Nexperia của Trung Quốc với giá khoảng 63 triệu bảng Anh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư