Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 26 tháng 06 năm 2024,
Lạm phát hạ nhiệt sẽ thúc các nước G7 ra quyết định lãi suất trong tháng 6
Đông Phong - 20/05/2024 11:06
 
Các công bố liên quan đến lạm phát sẽ giúp ngân hàng trung ương của các nước G7 đưa ra các quyết định lãi suất quan trọng vào tháng 6.

Lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế sẽ vẫn trên mức 2%

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 đã tăng 0,3% so với tháng trước, nhưng thấp hơn một chút so với ước tính 0,4% của Dow Jones và các nhà kinh tế do Wall Street Journal khảo sát. Sau số liệu lạm phát của Mỹ hạ nhiệt, Vương quốc Anh, Canada và Nhật Bản dự kiến công bố lạm phát tháng 4 có khả năng đi theo hướng tương tự. Trong khi đó, báo cáo tiền lương của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng sẽ hé lộ những căn cứ quan trọng mà các nhà hoạch định chính sách khu vực này đang tìm kiếm.

Dự báo lạm phát của các nền kinh tế trong năm 2024. Nguồn: IMF WEO, tháng 4/2024
Dự báo lạm phát của các nền kinh tế trong năm 2024. Nguồn: IMF WEO, tháng 4/2024

Ngày mai 21/5, Canada sẽ là quốc gia thành viên G7 đầu tiên công bố số liệu lạm phát tháng 4. Trong khi các nhà giao dịch đã giảm đặt cược xác suất Ngân hàng Trung ương Canada cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 6 xuống dưới 50% sau khi dữ liệu việc làm gần đây nóng hơn mong đợi. Việc giảm bớt áp lực giá cơ bản hàng tháng trong tháng thứ tư liên tiếp sẽ mở ra cơ hội cắt giảm lãi suất cho Canada.

Một ngày sau đó, Vương quốc Anh sẽ công bố mức tăng giá tiêu dùng và rất có thể chỉ số này sẽ chững lại đáng kể, với mức giảm hơn 1 điểm phần trăm, xuống còn gần 2% - mục tiêu mà các quan chức của Ngân hàng Trung ương Anh nhắm đến.

Kỳ vọng lạm phát tháng 4 giảm dần được công bố trước cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh vào ngày 20/6, có thể mang lại sự khích lệ cần thiết để cơ quan này cắt giảm lãi suất.

Tiếp đến vào ngày 23/5, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ công bố dữ liệu tiền lương. Đây là dữ liệu mà ECB cho là cần thiết để đánh giá động lực tăng giá cơ bản. Mức tăng lương thỏa thuận tại Eurozone có lẽ không chậm lại đáng kể so với cuối năm ngoái, điều này càng làm tăng thêm sự thận trọng khi các quan chức ECB cân nhắc một đợt cắt giảm lãi suất được cảnh báo rộng rãi vào ngày 6/6 và có lẽ sẽ nới lỏng hơn sau đó.

"Dữ liệu đầu năm 2024 từ Đức, Pháp, Italia và Tây Ban Nha đã được công bố và các dữ liệu này cho thấy mức lương thương lượng tại Eurozone trong ba tháng đầu năm đã tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Đó chỉ là sự chậm lại đôi chút so với mức tăng 4,5% của quý IV/2023. Tốc độ tăng gần như ổn định sẽ khó có thể làm hỏng ý định cắt giảm đợt đầu tiên của ECB vào tháng 6 nhưng sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách lo lắng về việc cam kết nới lỏng thêm", ông David Powell, chuyên gia kinh tế cấp cao về Eurozone tại Bloomberg Economics, cho biết đánh giá.

Sau đó, Nhật Bản dự kiến công bố chỉ số giá tiêu dùng vào ngày 24/5. Theo Bloomberg, tăng trưởng giá tiêu dùng tháng 4 của Nhật Bản, không bao gồm giá thực phẩm tươi sống, sẽ giảm xuống còn 2,2% so với một năm trước đó, từ mức 2,6% trong tháng 3. Một thước đo lạm phát sâu hơn (không tính giá năng lượng cũng như thực phẩm tươi sống) được dự đoán sẽ hạ nhiệt xuống 2,5%, sau khi lần đầu tiên kể từ tháng 11/2022 giảm xuống dưới 3% vào tháng 3.

Tuy nhiên, các quan chức Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể có quan điểm khác với các đồng nghiệp ở G7, bởi lạm phát vẫn sẽ kéo dài bằng hoặc cao hơn mục tiêu 2% của cơ quan này trong 25 tháng liên tiếp. Do đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ ủng hộ trường hợp tăng lãi suất sớm nhất là vào ngày 14/6 và không muộn hơn tháng 10, với việc đồng yên bị cho là yếu tố rủi ro cho một động thái sớm.

Những dữ liệu lạm phát nói trên sẽ được công bố vào thời điểm các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của các nước G7 họp tại khu nghỉ dưỡng Stresa, phía bắc Italia, từ ngày 23 - 25/5.

Tình hình kinh tế toàn cầu cũng đã được đưa vào chương trình nghị sự của các quan chức tài chính G7. Tại đây, họ sẽ thảo luận về triển vọng khác biệt đối với lãi suất ở khu vực xuyên Đại Tây Dương, tức là trong khi châu Âu và Canada đang hướng tới việc cắt giảm thì Mỹ vẫn đi theo đường hướng giữ lãi suất ở mức hơn và dài hơn.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm công bố biên bản cuộc họp chính sách đã diễn ra trong hai ngày 03/4-1/5. Tại buổi họp báo sau cuộc họp chính sách, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố lãi suất có thể sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn do áp lực lạm phát kéo dài. Sau đó, một số quan chức Fed cũng đã tái khẳng định quan điểm của Chủ tịch Fed, đồng thời lưu ý rằng cần có thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang hướng tới mục tiêu 2% của Fed một cách bền vững.

Dữ liệu kinh tế Mỹ công bố tuần này tương đối nhẹ nhàng, với doanh số bán nhà sẵn có trong tháng 4 sẽ được công bố vào ngày 22/5 còn doanh số bán nhà mới sẽ được công bố sau đó một ngày. Các nhà phân tích dự đoán số lượng giao dịch nhà ở sẵn có trong tháng 4 sẽ ít thay đổi so với tháng 3, trong khi giao dịch ký hợp đồng mua nhà mới sẽ giảm bớt do lãi suất thế chấp tăng trở lại trên 7%.

Vào ngày 24/5, dữ liệu về các đơn đặt hàng và vận chuyển hàng hóa lâu bền tại Mỹ trong tháng 4 sẽ được công bố, mang đến cái nhìn sâu sắc về nhu cầu đầu tư vốn của các công ty Mỹ.

Còn tại Canada, ngoài dữ liệu lạm phát hồi đầu tuần, số liệu doanh số bán lẻ trong tháng 3 sẽ được công bố vào ngày 24/5, cung cấp cái nhìn sâu sắc về sức tiêu dùng của thị trường này. Trước đó, hai ngân hàng lớn nhất Canada đã công bố các phân tích về dữ liệu thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của khách hàng cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng đang chậm lại.

Những số liệu đáng chú ý của châu Á

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giữ ổn định lãi suất chuẩn thế chấp vào đầu tuần, giữ lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 5 năm ở mức 3,95% và 1 năm ở mức 3,45%.

Hơn nữa, thị trường đã định giá mức cắt giảm khiêm tốn đối với lãi suất cho vay cơ bản vào một thời điểm nào đó trong 12 tháng tới, do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đặt mục tiêu tăng cường hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản.

Tại New Zealand, ngân hàng trung ương nước này có thể sẽ duy trì quan điểm "diều hâu" (ủng hộ tăng lãi suất) vào ngày 22/5 ngay cả khi kỳ vọng lạm phát hạ nhiệt do giá tiêu dùng trong quý I/2024 tăng cao hơn dự kiến.

Ở những nơi khác, các ngân hàng trung ương của Indonesia và Hàn Quốc đều được cho là đang quan tâm đến khả năng giảm lãi suất vào cuối năm nay, và Ngân hàng Trung ương Australia dự kiến công bố biên bản cuộc họp chính sách tháng 5.

Singapore, Hong Kong và Malaysia cũng sẽ công bố dữ liệu lạm phát tiêu dùng trong tuần này. Australia, Nhật Bản và Ấn Độ nhận sẽ công bố chỉ số PMI cho tháng 5 trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand công bố số liệu thống kê thương mại.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể giảm thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Giới chức Trung Quốc cho biết họ sẵn sàng thực hiện các biện pháp tiếp theo để hỗ trợ tăng trưởng, nhưng lại chưa công bố bất kỳ kế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư