Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Lạm phát: Từ “vùng lãnh thổ xa lạ” thế giới đến “vùng trời bình yên” Việt Nam
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ tăng 4,2%, mức cao nhất trong 13 năm qua, đã buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải loay hoay giải thích sao cho mọi người “thấu hiểu”.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ tăng 4,2%, mức cao nhất trong 13 năm qua, vượt mục tiêu lạm phát bình quân 4%, đã buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải loay hoay giải thích sao cho mọi người “thấu hiểu”. Nhưng, chỉ số đo lường lạm phát mà Fed rất thích sử dụng là chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) vừa công bố lại gây ra sự “lẩm cẩm” mới của Fed.

Giá cả hàng hóa khá ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 và 5 tháng đầu năm của Việt Nam tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Ảnh: Đ.T

Phản ứng khác nhau của các ngân hàng trung ương trước lạm phát

Chỉ số PCE lõi tháng 4/2021 của Mỹ (trừ biến động giá thực phẩm và năng lượng) tăng 3,1% so với cùng kỳ, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/1992, sau khi tăng 1,9% trong tháng 3, cao hơn mức dự báo là 2,9%.

Còn nếu tính biến động giá năng lượng và thực phẩm, PCE tháng 4/2021 tăng 3,6% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,4% trong tháng 3. Chỉ số PCE tăng cao đặt ra cảnh báo mới về tình trạng phục hồi quá nóng của Mỹ trong bối cảnh nhu cầu bùng nổ khi đại dịch giảm dần.

Trước nguy cơ lạm phát tăng tốc, phản ứng chính sách từ khu vực EU có vẻ kiên quyết hơn so với Fed. Lạm phát tháng 5/2021 của EU lần đầu kể từ năm 2018 chạm ngưỡng 2%, trong khi lạm phát ở Đức vẫn ở mức độ còn báo động hơn, khi dự kiến tăng 4% trong quý II/2021. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) liền đưa ra cảnh báo khả năng tăng lãi suất để kìm hãm “sự hưng phấn thái quá” của thị trường.

Ngân hàng Trung ương Anh cũng tuyên bố khá cứng rắn rằng, việc bơm tiền theo kế hoạch nới lỏng định lượng (QE) có thể giảm tốc, làm cho lãi suất tăng lên.

Ngược lại, Fed lại phát tín hiệu cho thấy, các yếu tố (gói chi tiêu tài khóa khổng lồ, các nút cổ chai chuỗi cung ứng và thị trường lao động) dẫn đến lạm phát chỉ là “tạm thời” và sẽ giảm dần vào cuối năm.

Thị trường đang phần nào đặt niềm tin vào Fed

Dữ liệu công bố cũng cho thấy, trong tháng 4/2021, thu nhập cá nhân các hộ gia đình Mỹ giảm 13,1%, trong khi tiêu dùng chỉ tăng 0,5%. Sự kết hợp giữa tiêu dùng thực tế giảm và giá cả tăng vọt có khả năng dẫn đến tình trạng “lạm phát đình đốn” (stagflation): lạm phát cao, tăng trưởng chậm lại và thất nghiệp gia tăng. Fed đang nhận diện và xử lý từng vấn đề theo cách mà cả thế giới đang dõi theo.

Trước hết là lạm phát. Fed cho rằng, một trong những yếu tố lớn nhất thúc đẩy gia tăng lạm phát tháng 4/2021 là do “hiệu ứng năm cơ sở”, tức là mọi thứ đang được so sánh với các chỉ số năm 2020 [quá thấp] khi đại dịch bùng nổ. Vì vậy, theo Fed, giá cả tăng cao chỉ là tạm thời. Đó là đặc điểm giao thời hậu đại dịch, không phải “đặc tính cố hữu” của nền kinh tế. Lạm phát là hiện tượng giá cả gia tăng liên tục và thường xuyên. Chúng không phải “sự kiện giá cả”, mà là một “quá trình”. Giá phục hồi sau khi hoạt động kinh tế giảm sâu, được thúc đẩy bởi các yếu tố bên ngoài không phải lạm phát. Lạm phát là sự mất cân bằng mang tính hệ thống với những hậu quả lâu dài. Điều này hiện chưa đúng trong trường hợp nước Mỹ.

Các dấu hiệu kinh tế toàn cầu cho thấy, khả năng lạm phát tăng tốc đang chuyển từ “mức thấp” sang mức “không hề thấp”. Nếu các sự kiện cộng hưởng cùng lúc, cùng với tâm lý chủ quan trong kiểm soát lạm phát, thì mọi thứ có thể sẽ bất ngờ đảo chiều từ “vùng trời bình yên” sang “vùng áp thấp nhiễu loạn”.

Về tăng trưởng và thất nghiệp, tình hình có vẻ khả quan khi nhìn vào đề xuất ngân sách năm tài khóa 2022.

Các nhà kinh tế của Joe Biden tin rằng, họ có thể đưa một lượng lớn chi tiêu mới vào nền kinh tế mà không làm lạm phát tăng liên tục. Dự kiến, hơn 6.000 tỷ USD chi tiêu mới giúp củng cố mạng lưới an sinh xã hội cho các hộ gia đình thu nhập thấp và trung bình cũng như đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, với kế hoạch giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng 5,2% trong năm nay, trước khi chậm lại trong những năm tiếp theo.

Họ tin rằng, nguồn vốn chi tiêu này được “thiết kế” và phân bổ mỗi năm đủ để không tạo lạm phát tăng tốc. Thậm chí, các nhà kinh tế còn cho rằng, tăng lương sẽ là giải pháp tốt cho tình trạng bất ổn hiện nay trên thị trường lao động mà không làm gia tăng lạm phát. Đây cũng được xem như một cách gia tăng tiền lương [thực tế], bằng cách giúp các hộ gia đình có mức lương thấp theo kịp với mức cao hơn lạm phát. “Tỷ lệ nợ trên GDP của Mỹ tăng lên 117% trong thập kỷ tới, nhưng lạm phát vẫn sẽ ổn định ở mức trên 2% trong thập kỷ tới”, Nhà Trắng tự tin tuyên bố.

Thị trường 21.000 tỷ USD nợ trái phiếu chính phủ Mỹ ổn định sau khi các dữ liệu kinh tế công bố, với lợi tức trên các trái phiếu kỳ hạn dài hơn hầu như không thay đổi. Lợi suất trái phiếu chuẩn (ảnh hưởng đến chi phí vay mượn toàn cầu) kỳ hạn 10 năm hiện giao dịch ở mức 1,61%, dao động quanh mức 0,9% vào cuối năm trước và đạt mức cao nhất gần đây là 1,78% vào tháng 3/2021.

Thị trường cổ phiếu và USD tăng nhẹ sau khi chỉ số CPE được công bố cùng với các đề xuất chi tiêu lớn của chính quyền. Phản ứng thị trường khá tích cực vào tuần trước đã phần nào cho thấy, các nhà đầu tư đang đặt niềm tin vào việc tỷ lệ lạm phát cao hơn trong tháng 4, tháng 5 và tháng 6, nhưng sau đó sẽ giảm dần.

Fed bối rối khi lần đầu lạc lối vào “vùng lãnh thổ xa lạ”

Cả hai chỉ số đo lường lạm phát là CPI và PCE đều tăng mạnh, trong khi tháng 4/2021, nước Mỹ chỉ có 266.000 người nộp đơn xin việc, thay vì 1 triệu người như kỳ vọng. Lạm phát tăng mạnh, thất nghiệp tăng cao do 2 cú sốc cung và cầu xuất hiện cùng lúc thuộc thể loại “vùng lãnh thổ xa lạ” mà Fed chưa từng dấn thân trước đó. Khảo sát của Đại học Michigan sau khi dữ liệu CPE công bố cho thấy, kỳ vọng lạm phát một năm của người tiêu dùng tăng 4,6% trong tháng 5/2021, so với mức tăng 3,4% trong tháng 4; kỳ vọng lạm phát 5 năm tăng 3%, so với mức tăng 2,7% trong tháng 4.

Fed đã tìm ra chiến thuật truyền thông theo hướng tuân thủ tuyệt đối các “luận điểm chung” nhằm loại bỏ những lo ngại của thị trường bằng tuyên bố “không nghĩ đến việc suy nghĩ” tăng lãi suất.

Dù vậy, biên bản cuộc họp chính sách của Fed tiết lộ mới đây lại cho thấy, dường như họ bắt đầu dao động khi đề cập khả năng đem ra bàn thảo về lạm phát “trong các cuộc họp sắp tới”. Kể từ năm 2020, Fed đã áp dụng cách tiếp cận dễ chịu hơn đối với lạm phát, cố gắng đạt được mức tăng giá vừa phải so với mục tiêu, để bù đắp cho những năm lạm phát thấp để thúc đẩy mạnh mẽ toàn dụng lao động. Đồng thời, Fed cũng tuyên bố sẵn sàng hành động nếu lạm phát hoặc kỳ vọng lạm phát vượt tầm kiểm soát.

Nhiều nhà phê bình nhận xét, việc Fed lấy luận điểm mục tiêu lạm phát “bình quân” 2% đã phát đi tín hiệu vô cùng mơ hồ đối với thị trường. Câu hỏi đặt ra, việc tính bình quân 2% bắt đầu từ thời kỳ nào? Mục tiêu lạm phát bình quân giờ đây đã trở thành con tin chính sách của Fed, rằng có thể những gì Fed nói và làm đều đến từ động cơ giữ cho bằng được lạm phát bình quân, hơn là đến từ những gì họ thực sự nghĩ về diễn biến của nền kinh tế. Thái độ của bà Janet Yellen, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, đã phần nào minh họa cho nhận định này. Khi còn là Chủ tịch Fed, bà đã liên tục phê phán Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa "không bền vững". Vậy mà giờ đây, bà lại là người ủng hộ nhiệt thành rằng, cần phải “chi tiêu nhiều hơn vào thời điểm lãi suất thấp và quá trình phục hồi kinh tế vẫn chưa hoàn thành”, vì chúng hoàn toàn “có thể quản lý được”.

Các dữ liệu kinh tế tốt lên thời gian qua cùng với những đợt bùng nổ giá trị tài sản trên các thị trường dường như cho thấy điều tồi tệ nhất đang ở phía sau. Nước Mỹ cần phải nghĩ đến việc “tái bình thường hóa” và cân nhắc giảm dần các chương trình bơm tiền khổng lồ từ Fed và chính quyền. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư.

Đến “vùng trời bình yên” Việt Nam

Dữ liệu CPI tháng 5/2021 của Việt Nam tăng 0,16% so với tháng trước đó. Theo lý giải của Tổng cục Thống kê, giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, làm cho giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng; giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính của sự tăng giá. Trong khi đó, bình quân 5 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước (mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016). Khả năng, Việt Nam kiểm soát lạm phát trong vùng mục tiêu 4% có thể không là thách thức lớn.

Thế giới đang bối rối với diễn biến lạm phát do họ đang lạc lối vào “vùng lãnh thổ xa lạ” (giá cả leo thang đến đồng thời từ hai nút thắt cổ chai là chuỗi cung ứng và thị trường lao động). Ngược lại, Việt Nam rơi vào “vùng trời bình yên” lạm phát thấp.

Diễn biến dịch bệnh phức tạp đang cho thấy, quá trình phục hồi kinh tế cũng như thực hiện “mục tiêu kép” là vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế không đơn giản. Không loại trừ khả năng tới đây sẽ còn liên tiếp những thăng trầm trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu và đứt gãy tạm thời trong chuỗi cung ứng nếu Việt Nam không bằng mọi giá (mọi cách) để có được vắc-xin sớm nhất. Trong khi đó, các dấu hiệu kinh tế toàn cầu cho thấy, khả năng lạm phát tăng tốc đang chuyển từ “mức thấp” sang mức “không hề thấp”. Nếu các sự kiện cộng hưởng cùng lúc, cùng với tâm lý chủ quan trong kiểm soát lạm phát, thì mọi thứ có thể sẽ bất ngờ đảo chiều từ “vùng trời bình yên” sang “vùng áp thấp nhiễu loạn”.

Covid-19 và lạm phát
Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2021, Ngân hàng Thế giới chính thức cảnh báo, đợt dịch Covid-19 thứ 4 có thể ảnh hưởng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư