Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 20 tháng 08 năm 2024,
Làm rõ phương án đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku trị giá 37.621 tỷ đồng
Anh Minh - 20/08/2024 08:11
 
UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép đầu tư tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo hình thức đầu tư công.

UBND tỉnh Gia Lai vừa có công văn gửi Bộ GTVT về việc hoàn thiện nội dung liên quan phương án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Cấp thiết đầu tư sớm

Tại công văn này, UBND tỉnh Gia Lai khẳng định việc sớm đầu tư tuyến đường bộ cao tốc đoạn Quy Nhơn - Pleiku là phù hợp với quan điểm và giải pháp phát triển của Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Nghị quyết 23 xác định tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng tới các cảng biển, cảng hàng không nội địa và Quốc tế. Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành một số hạ tầng giao thông quan trọng: tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương…

“Tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku được đầu tư sẽ nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian, chi phí vận tải và đảm bảo an toàn giao thông, tạo động lực liên kết, lan tỏa thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, đặc biệt nối Tây Nguyên với cảng biển nước sâu, đồng thời tăng cường quốc phòng, an ninh trong khu vực”, lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai cho biết.

Bên cạnh đó, tuyến cao tốc nói trên còn góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải trên trục Đông - Tây, là hành lang vận tải quan trọng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, kết nối cảng biển của khu vực duyên hải miền Trung với cửa khẩu vùng Tây Nguyên nói riêng và kết nối Biển Đông với khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam nói chung, xa hơn nữa là khả năng kết nối với các nước Thái Lan, Myanmar.

Theo UBND tỉnh Gia Lai, do đặc điểm về địa hình nên hệ thống giao thông kết nối giữa khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng Nam Trung Bộ không thể phát triển giao thông đường thủy, hạn chế trong việc phát triển đường sắt (đặc biệt là đường sắt vận tải hàng hóa), chỉ có vận tải hàng không và đường bộ là phương thức vận tải phù hợp.

Hiện nay, hệ thống giao thông đường bộ trong khu vực chủ yếu tập trung ở 2 trục dọc hiện hữu là Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 và đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang dần hình thành, trục ngang chỉ có duy nhất đường Quốc lộ 19.

Trong bối cảnh đường Quốc lộ 19 được khai thác từ năm 1961, trên tuyến có 2 vị trí đèo An Khê (chiều dài khoảng 9km, chênh cao khoảng hơn 400m) và đèo Mang Yang (chiều dài khoảng 5km, chênh cao khoảng hơn 300m) quanh co, hiểm trở có những đường cong tay áo rất hạn chế về lưu thông, đặc biệt đối với các xe tải nặng, xe container, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Mặc dù Quốc lộ 19 đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp bởi Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (vốn vay WB) nhưng tuyến đường vẫn còn nhiều điểm khó khăn về yếu tố hình học, thời gian hành trình từ TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đến TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) hiện tại khoảng 3,5 giờ - 4 giờ.

Trong khi đó, nếu đưa tuyến đường cao tốc Quy Nhơn – Pleiku vào khai thác thời gian rút ngắn còn khoảng 1,5 giờ - 2 giờ, đảm bảo yếu tố vận doanh và nâng cao an toàn giao thông cho các phương tiện cơ giới lưu thông.

Đề xuất phương án đầu tư công

Số liệu khảo sát cho thấy, lưu lượng xe của Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku chỉ bằng khoảng 60 - 75% so với lưu lượng xe khảo sát tại Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, vì vậy việc đầu tư theo hình thức PPP không hiệu quả, khó khả thi.

Liên quan đến hướng tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, UBND tỉnh Gia Lai cho biết, công tác nghiên cứu hướng tuyến đoạn qua tỉnh Gia Lai về cơ bản đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai thống nhất tại văn bản số 1001-KL/TU ngày 25/11/2022 của Tỉnh ủy Gia Lai.

Trong quá trình triển khai chi tiết sẽ xem xét vi chỉnh một số đoạn để hạn chế tối đa ảnh hưởng khu dân cư, đất quốc phòng và các dự án đầu tư ở các địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Cụ thể, chiều dài tuyến trên địa phận tỉnh Gia Lai khoảng 85,6 km; kết nối với điểm cuối từ hướng tuyến trên địa phận tỉnh Bình Định tại đèo An Khê, tuyến đi hoàn toàn về phía Nam so với Quốc lộ 19.

Hướng tuyến cơ bản tuân thủ theo quy hoạch đã được phê duyệt, có điều chỉnh một số đoạn đảm bảo các yếu tố kinh tế - kỹ thuật và phù hợp với quy hoạch của địa phương như: đoạn Km37+300 – Km64+700 sẽ điều chỉnh tuyến về phía Bắc so với quy hoạch từ 1-3 km do khống chế vị trí để xây dựng hầm An Khê tại khoảng Km37+300, khắc phục điều kiện rất khó khăn về địa hình ở phía Nam, cũng như tăng tính kết nối với ĐT.667 về thị xã An Khê tại Km52+300 và với đường Trường Sơn Đông về Đak Pơ tại Km63+200; đoạn từ Km64+700 – Km94+700 sẽ điều chỉnh hướng tuyến về phía Bắc so với quy hoạch để tránh ảnh hưởng đến phạm vi rừng phòng hộ, khống chế tại vị trí hầm Mang Yang và đảm bảo kết nối các trục đường về thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang.

Dự kiến, tuyến đi qua địa phận các huyện, thị xã như: Thị xã An Khê về phía Nam, giao cắt với ĐT.667, huyện Đak Pơ về phía Nam, giao cắt với đường Trường Sơn Đông; huyện Mang Yang, giao cắt với ĐT.666, huyện Đak Đoa. Điểm cuối Km122+900, kết nối với đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14), thuộc TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.

UBND tỉnh Gia Lai đề nghị GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép đầu tư tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo hình thức đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách Trung ương.

Qua tham khảo các dự án cao tốc tương tự, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có địa hình và các yếu tố kỹ thuật, quy mô công trình phức tạp hơn nhiều.

Trên tuyến có 2 vị trí đèo An Khê (chiều dài khoảng 9km, chênh cao khoảng hơn 400m) và đèo Mang Yang (chiều dài khoảng 5km, chênh cao khoảng hơn 300m); 2 hầm An Khê, Mang Yang có chiều dài tổng cộng khoảng 5 km; chiều dài và chiều cao các cầu dẫn lớn.

Hiện nay các đơn vị quản lý dự án trên địa bàn tỉnh chưa có kinh nghiệm trong công tác quản lý dự án cao tốc có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp. Do vậy về tổ chức thực hiện, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ GTVT  làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án; UBND mỗi tỉnh phối hợp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo địa giới hành chính.

Trước đó, vào tháng 7/2024, Sở GTVT Gia Lai đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo hình thức đầu tư công.

Dự án này sẽ có điểm đầu tại nút giao với Quốc lộ 19B (khoảng lý trình Km39+200) thuộc xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối tại nút giao đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14), thuộc TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai với tổng chiều dài tuyến 122,9 km.

Sở GTVT Gia Lai đề xuất thực hiện đầu tư Dự án theo quy mô quy hoạch 4 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 37.621 tỷ đồng. Dự kiến, công trình sẽ thực hiện chuẩn bị đầu tư từ năm 2024-2025; triển khai xây dựng cơ bản hoàn thành trước năm 2030.

Sở GTVT Gia Lai dự kiến phân chia Dự án thành 3 đoạn. Đoạn 1 bắt đầu từ điểm đầu (Km0+000) đến hầm An Khê (Km39+300) dài 39,3Km, nằm hoàn toàn trên địa phận tỉnh Bình Định. Đoạn 2 bắt đầu từ Hầm An Khê (Km39+300) đến hết hầm Mang Yang (Km79+700) dài khoảng 40 km, nằm hoàn toàn trên địa phận tỉnh Gia Lai. Đoạn 3 bắt đầu từ Km 9 đến cuối tuyến (Km122+900) dài khoảng 43,2 km nằm hoàn toàn trên địa phận tỉnh Gia Lai.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư