Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 01 năm 2025,
Làm sao để tránh tăng cân dịp Tết?
D.Ngân - 20/01/2023 16:28
 
Dịp Tết, nhiều người không ăn tinh bột mà chỉ ăn rau và đạm để không bị béo. Vậy quan niệm như thế liệu có đúng?

Tết Nguyên đán là dịp giúp gia đình sum họp, tuy nhiên chế độ ăn và thực phẩm trong ngày Tết lại có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với sức khỏe. Vì vậy để đảm bảo sức khỏe và duy trì cân nặng, theo chuyên gia người dân cần thực hiện các nguyên tắc cần thiết.

Nhiều người không ăn tinh bột mà chỉ ăn rau và đạm dịp Tết để không bị béo. 

TS.BS. Trương Hồng Sơn, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, dịp Tết người dân cần thực hiện chế độ ăn khoa học, lành mạnh, tốt cho sức khỏe, ăn đầy đủ 4 nhóm chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. 

Không nên loại bỏ tinh bột hoàn toàn, vì tinh bột vẫn là chất dinh dưỡng giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể. Mỗi người nên hạn chế sử dụng tinh bột tinh chế như: gạo trắng, bánh quy, bánh chưng… thay vào đó nên sử dụng gạo lứt, yến mạch, ngũ cốc nguyên hạt vì trong những thực phẩm này giúp hạn chế lượng tinh bột nạp vào cơ thể một cách đáng kể.

Ngoài ra, chúng còn chứa chất xơ giúp duy trì cảm giác no lâu hơn, giúp hạn chế lượng thực phẩm nạp vào sau đó.

Để tránh tăng cần, cần hạn chế ăn đồ chứa nhiều dầu mỡ, tăng cường ăn rau xanh, trái cây: Các loại rau xanh, trái cây không chỉ chứa nhiều vitamin và chất khoáng mà còn rất giàu chất xơ.

Trong ngày Tết có rất nhiều các món ăn giàu chất đạm như thịt gà, thịt bò, giò chả… và chất béo từ các món xào, chiên rán vì vậy tăng cường chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn chu, hạn chế bị táo bón khi ăn các thực phẩm giàu đạm và nhiều dầu mỡ.

Hạn chế đồ ăn vặt như bánh kẹo, mứt tết chứa nhiều đường là nguyên nhân khiến cân nặng tăng lên một cách nhanh chóng. Để duy trì cân nặng ngày tết, chúng ta nên lựa chọn những món ăn vặt như trái cây tươi ít ngọt, trái cây sấy khô ít ngọt, ăn các loại hạt (hạnh nhân, hạt bí, óc chó, hạt điều, hạt hướng dương…) thay thế bánh mứt, kẹo ngọt.

Uống đủ nước, hạn chế uống rượu bia và nước ngọt có ga: Trong nước ngọt có nhiều đường nên khi cơ thể hấp thụ nhiều sẽ tạo thành mỡ thừa dẫn đến tăng cân. Mặt khác khi uống rượu bia, các độc tố sẽ bị giữ lại gan gây ảnh hưởng đến sự trao đổi chất tại gan. 

Khi uống quá nhiều đồ uống có cồn, gan sẽ bị viêm nặng hơn có thể bị xơ gan làm giảm khả năng thải độc ra ngoài cơ thể. Vì vậy thay vào đó, chúng ta nên thay các loại đồ uống này bằng nước lọc hoặc các loại sinh  tố từ quả ít đường như nước ép dưa chuột, bí xanh, củ đậu, cà rốt…

Đặc biệt, uống một cốc nước đầy trước bữa khoảng 15 - 20 phút còn giúp giảm cân, vì uống nước trước khi ăn khiến bạn cảm thấy no và ăn ít lại trong bữa ăn. 

Kiểm soát lượng thực phẩm ăn vào mỗi bữa, không nên ăn quá nhiều. Việc ăn quá no không chỉ làm cho hệ tiêu hóa hoạt động quá tải mà còn làm dư thừa lượng năng lượng nạp vào và gây tăng cân. 

Để duy trì cân nặng hiệu quả, bạn cần áp dụng kiểm soát chế độ ăn không chỉ trong các ngày lễ tết mà còn trong cả ngày thường. Chỉ nên ăn đủ đến khi hết cảm giác đói chứ không nên ăn quá no.

Thêm vào đó mỗi người nên ăn thật chậm, nhai thật kỹ để cơ thể có thể nhận biết được đã đủ chưa và không muốn ăn thêm nữa.

Theo truyền thống, khi đi chúc Tết chúng ta sẽ thường ở lại và ăn cơm cùng gia chủ, việc này gây ra sự xáo trộn lịch ăn uống hàng ngày, với người trưởng thành điều này có thể không ảnh hưởng quá nhiều. Nhưng với trẻ em và người cao tuổi, việc ăn không đúng bữa có thể gây ra rối loạn tiêu hóa làm ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Cũng theo chuyên gia, dịp Tết người dân thường có thói quen mua thức ăn để dự trữ, tuy nhiên thói quen này là không tốt vì thức ăn để lâu ngày có thể bị ôi thiu, hỏng và có thể gây ngộ độc. 

Do vậy vào ngày tết chúng ta không nên mua dự trữ quá nhiều thực phẩm mà chỉ nên mua vừa đủ với nhu cầu sử dụng. Thêm vào đó, hiện nay vào các chợ dân sinh, người bán hàng cũng có thói quen mở cửa hàng sớm vào những ngày đầu năm vì vậy việc tích trữ thực phẩm là không cần thiết.

Tuy nhiên, việc mua dư thừa đồ là vẫn có thể xảy ra, vì vậy chúng ta cần rất chú ý đến quy trình bảo quản thực phẩm. Với thức ăn sống, nên lựa chọn mua ở những cửa hàng uy tín, có nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, khi mua về cần rửa sạch, để ráo, loại bỏ những phần dập hỏng rồi bọc kín rồi cất vào tủ lạnh.

"Với những thực phẩm chín cần để nguội hẳn rồi mới cho vào hộp đựng thực phẩm và giữ lạnh trong tủ. Nếu cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh sẽ làm thức ăn bị biến chất, ngưng đọng hơi nước và ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe", chuyên gia khuyến cáo.

Shokuiku - chế độ dinh dưỡng phòng đột quỵ từ xứ sở mặt trời mọc
Ăn nhiều rau, cá, trái cây, cơm, đậu phụ… là nền tảng của chế độ Shokuiku từ người Nhật, giúp tránh nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, cao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư