Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Lãnh đạo FPT Retail nói gì về 3 lo ngại lớn của nhà đầu tư
Duy Bắc - 10/09/2023 08:55
 
Kinh doanh lao dốc nửa đầu năm 2023, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT – sàn HoSE) đã giải thích 3 lo ngại chính của giới đầu tư về hoạt động kinh doanh.

Theo ghi nhận của SSI Research tại Hội thảo Ngày Doanh Nghiệp Việt Nam do Goldman Sachs & SSI tổ chức, lãnh đạo CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) đã chia sẻ và giải thích các lo ngại của giới đầu tư.

Hiện nay, nhà đầu tư có 3 mối quan tâm chính đối với FPT Retail bao gồm kế hoạch mở rộng của cả chuỗi cửa hàng thuốc Long Châu và FPT Shop; tác động của cuộc chiến giá với các đối thủ trong tương lai; và cuối cùng là vị thế đòn bẩy cao hiện nay tại FPT Retail.

Đầu tiên, đối với chuỗi nhà thuốc Long Châu, Công ty chia sẻ tiếp tục kế hoạch mở rộng đầy tham vọng của mình, đặt mục tiêu có 3.000 cửa hàng Long Châu (so với 1.243 cửa hàng tại thời điểm cuối quý II/2023) trong 5 năm tới.

Trong đó, nhà đầu tư lo ngại rằng doanh thu/tháng/cửa hàng có thể giảm khi công ty tăng cường mở cửa hàng tại khu vực nông thôn. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo của FPT Retail cho biết doanh thu/tháng/cửa hàng ổn định ở mức khoảng 1,1 tỷ đồng trong quý II/2023, tương đương với mức năm trước.

Ngoài ra, cửa hàng thuốc Long Châu sở hữu những lợi thế cạnh tranh nhất định so với các đối thủ như danh mục sản phẩm đa dạng, lượng khách đến cửa hàng cao và nguồn cung ứng trực tiếp nhiều hơn nên mang lại mức giá cạnh tranh hơn so với các công ty cùng ngành.

Chính vì vậy, điều này giúp chuỗi cửa hàng thuốc giành được thị phần từ cửa hàng thuốc truyền thống nhanh hơn so với các chuỗi thương mại hiện đại khác như chuỗi An Khang và Pharmacity. Ngoài ra, chuỗi Long Châu cũng có thể giành được một phần thị phần từ nhà thuốc bệnh viện, khi chuỗi cửa hàng thuốc Long Châu tạo ra từ 25% đến 30% doanh thu từ thuốc kê đơn.

Biên lợi nhuận gộp khó trở lại mức 2021-2022 khi bước vào cuộc chiến về giá

Thứ hai, đối với chuỗi FPT Shop, FPT Retail sẽ không mở cửa hàng mới trong năm 2023 do nhu cầu yếu. Công ty sẽ mở mới cửa hàng trở lại vào năm 2024 – 2025 với tốc độ chậm (50 cửa hàng mới mỗi năm).

Hiện tại, do nhu cầu điện thoại di động đã bão hoà, FPT Retail đã tập trung bổ sung các mặt hàng thiết bị gia dụng vào các cửa hàng FPT Shop trong vài quý vừa qua. Trong đó, hiện tại có tổng cộng 600 trong số 800 cửa hàng FPT Shop có ki-ốt bán đồ gia dụng, mang lại 5% tổng doanh thu cho chuỗi FPT Shop.

FPT Retail nhận thấy còn dư địa chưa khai thác hết, Công ty đặt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp lên 20% tổng doanh thu của FPT Shop.

Ngoài ra, một vấn đề lớn đối với chuỗi FPT Shop là hiện đang phải đối mặt với cuộc chiến về giá với các đối thủ cạnh tranh và ban lãnh đạo FPT Retail cho rằng sự cạnh tranh khốc liệt như vậy sẽ giảm bớt sau khi các công ty lớn giảm lượng hàng tồn kho.

“Tuy nhiên, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ ICT sẽ khó quay trở lại mức năm 2021 đến năm 2022, thời điểm nhu cầu về máy tính xách tay cao bất thường”, đại diện FPT Retail dự báo biên lợi nhuận thấp trong thời gian tới đối với chuỗi FPT Shop.

Và vấn đề cuối cùng mà nhà đầu tư lo ngại về đòn bẩy của FPT Retail (tỷ lệ D/E là 2,4x tính đến cuối quý II/2023, cao nhất trong số các doanh nghiệp bán lẻ). Tuy nhiên, FPT Retail vẫn đủ điều kiện để vay ngân hàng nếu cần, do đó việc huy động vốn thông qua chào bán và các công cụ tài chính khác có thể không cần thiết trong nửa cuối năm 2023.

Được biết, tại thời điểm 30/6/2023, tổng nợ vay ngắn hạn của FPT Retail giảm 21,4% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.146,3 tỷ đồng, về 4.217 tỷ đồng và bằng 237,3% vốn chủ sở hữu (đầu năm bằng 261,7% vốn chủ sở hữu).

Lỗ 213 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023

Tại báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2023, FPT Retail cũng ghi nhận lợi nhuận âm 212,68 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 216,13 tỷ đồng.

Giải trình về nguyên nhân kinh doanh thua lỗ trong nửa đầu năm 2023, lãnh đạo FPT Retail cho biết, mặc dù trong kỳ Công ty con là CTCP Dược phẩm Long Châu mở mới 565 cửa hàng so với cuối quý II/2022, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng doanh thu hợp nhất toàn Công ty, nhưng lợi nhuận của Long Châu chưa đủ lớn để bù đắp phần lỗ đến từ mảng ICT của công ty mẹ.

Được biết, trong năm 2023, FPT Retail đặt kế hoạch doanh thu 34.000 tỷ đồng, tăng 13%; lợi nhuận trước thuế 240 tỷ đồng, giảm mạnh 51% so với thực hiện 2022.

Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2023 với lợi nhuận trước thuế ghi nhận lỗ 198,3 tỷ đồng, FPT Retail còn cách rất xa kế hoạch lãi năm 2023.

Thực tế, trái ngược với tình hình kinh doanh, từ ngày 16/1/2023 đến ngày 8/9/2023, cổ phiếu FRT đã tăng 55,7%, từ 55.230 đồng, lên 86.000 đồng/cổ phiếu và vẫn tiếp tục xu hướng tăng. Trong đó, giới đầu tư chứng khoán đang kỳ vọng thời điểm khó khăn nhất đã qua đi tại nhóm doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm điện tử như FPT Retail, Thế giới Di động (mã MWG), Petrosetco (mã PET) ...

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/9, cổ phiếu FRT tăng 1.800 đồng, lên 86.000 đồng/cổ phiếu.

Doanh thu quý I/2023 FPT Retail đạt 7.753 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ
Trong bối cảnh kinh tế, xã hội trong 3 tháng đầu năm 2023 đầy biến động và trước xu hướng giảm tiêu dùng, FPT Retail ghi nhận doanh thu đạt 7.753...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư