Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lãnh đạo tiên phong không hưởng lương
Hồng Phúc - 09/04/2020 10:04
 
Bên cạnh việc đánh giá lại năng lực nhân sự cho kế hoạch cắt, giảm lao động tại các đơn vị, người đứng đầu doanh nghiệp được khuyên nên là người đầu tiên không nhận lương để vượt qua khủng hoảng từ Covid-19.
Đội ngũ Hoàng Gia Media cùng khách mời tham gia Chương trình CEO Chìa khoá thành công. Ảnh: H.P
Đội ngũ Hoàng Gia Media cùng khách mời tham gia Chương trình CEO Chìa khoá thành công. Ảnh: H.P

Cân nhắc giảm nhân sự

Ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn Tư vấn Chiến lược RBNC Khu vực Mỹ và Châu Á Thái Bình Dương hiện điều hành hệ thống khách sạn có 3.000 phòng ở Florida (Mỹ).

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, các khách sạn này hoàn toàn không có khách. Để hạn chế tối đa thiệt hại, họ hợp tác với chính quyền địa phương, cung cấp phần lớn phòng hiện có cho việc cách ly bệnh nhân nhiễm virus SAR-CoV-2.

“Chúng tôi được trả một mức phí cho quyết định liên kết này. Dù không nhiều, nhưng cũng góp phần không để lỗ duy trì hoạt động quá cao”, ông Robert Trần cho biết.

Lãnh đạo doanh nghiệp phải đối diện như thế nào với nhân sự làm công ăn lương trước ảnh hưởng từ dịch Covid-19? Đây không phải là bài toán khó dành riêng cho người đứng đầu doanh nghiệp Việt Nam.

“Người châu Á nặng tình cảm và với tình hình khủng hoảng hiện nay, quyết định cắt giảm nhân sự ở phòng, ban nào lại càng phải cẩn trọng. Cần đánh giá năng lực nhân sự, bộ phận nào tác động trực tiếp đến doanh thu của doanh nghiệp thì giữ lại, còn lại có thể giảm, chứ không cắt”, ông Robert Trần chia sẻ.

Trong khi đó, với kinh nghiệm quản trị hơn 20 năm trong vai trò Phó tổng giám đốc Bitis’s, Phó tổng giám đốc Kinh Đô…, ông Lê Phụng Hào chia sẻ, giai đoạn đình trệ hiện này sẽ là thời điểm để mỗi doanh nghiệp nhìn lại bộ máy nhân sự. Đi cùng với đó là đánh giá xem ai là người có kỹ năng, kinh nghiệm và trung thành với tổ chức.

“Giữ lại những nhân sự cốt lõi sẽ giúp duy trì mức độ hoạt động tối thiểu cho doanh nghiệp. Đến khi phục hồi sau khủng hoảng, nguồn nhân sự này cũng có thể đào tạo cho nhân sự tuyển mới”, ông Lê Phụng Hào nói.

Lãnh đạo “cầm cờ” tiên phong không lương

Những ngày đầu trở lại công việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Ban lãnh đạo của Hoàng Gia Media Group đã liên tục tổ chức các cuộc họp, đưa ra hàng loạt kịch bản có thể xảy ra do dịch Covid-19 diễn biến khó lường.

Ông Hoàng Hải Âu, Chủ tịch Hoàng Gia Media Group, Tổng đạo diễn chương trình CEO Chìa khóa Thành công đã không nhận lương 3 tháng nay.

“Mảng nào không tạo ra doanh số thì cắt. Doanh nghiệp phải tự tìm giải pháp sống qua khủng hoảng. Còn việc cắt giảm như thế nào thì chỉ lãnh đạo doanh nghiệp mới hiểu rõ nhất cũng như khả năng nhận định tình hình trong tương lai để liệu cơm gắp mắm”, ông Hoàng Hải Âu chia sẻ. Cũng theo ông Hải Âu, giữa tháng 2/2020, Hoàng Gia Media đã dồn toàn lực sản xuất các chương trình cũng như triển khai làm việc trực tuyến.

“Các máy móc đã được chuyển về nhà tôi. Hiện giờ, mọi thứ tôi có thể làm ở nhà”, ông Hải Âu cho biết.

Theo ông Hải Âu, nếu sống qua khủng hoảng, còn thương hiệu, còn pháp nhân, còn nguồn lực tối thiểu, thì mọi doanh nghiệp đều có thể vực dậy kinh doanh.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa được đánh giá là có thể thay đổi linh hoạt hơn, dễ tái cấu trúc so với doanh nghiệp quy mô lớn. Dù vậy, với vốn liếng kinh nghiệm còn ít và nguồn lực hạn chế, thì sự linh hoạt thay đổi cũng có thể dẫn đến kết cục là chưa hoàn thành đã rơi vào tình trạng cạn nguồn lực.

“Sau khi đi qua, bệnh dịch chắc chắn sẽ để lại hậu quả lớn phải giải quyết. Nhưng người đứng đầu không được mất niềm tin vào chính mình và cũng chỉ họ mới có thể tìm ra cách ứng phó tốt nhất khi nhìn thẳng vào sự thật, dựa trên sự hiểu biết về sức khoẻ tài chính, khách hàng mục tiêu cũng như nội lực hiện có”.

GS. Hà Tôn Vinh, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tổ hợp Giáo dục và Tư vấn quốc tế Stellar Management.

Ông Hải Âu cho rằng, giai đoạn cuối của chu kỳ khủng hoảng sẽ xuất hiện những nhu cầu, thói quen tiêu dùng mới. Do đó, doanh nghiệp nhỏ phải duy trì nguồn lực đủ lớn, theo dõi nhu cầu tiêu dùng, thì mới có thể nắm bắt được cơ hội kinh doanh.

GS. Hà Tôn Vinh là người không xa lạ trong giới kinh doanh tại Việt Nam. Ông hiện là Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tổ hợp Giáo dục và Tư vấn quốc tế Stellar Management, đồng thời làm cố vấn tại nhiều doanh nghiệp.

Có 2 việc mà GS. Vinh thường làm mỗi khi có bất kỳ cuộc khủng hoảng nào xảy ra.

Thứ nhất, nhắc nhở bản thân về niềm tin vào chính mình, vào khả năng lãnh đạo của bản thân.

Thứ hai, làm gương cho đội ngũ khi tự cắt lương toàn phần.

“Khó khăn nhất để vượt qua khủng hoảng là thoát khỏi khủng hoảng niềm tin về bản thân, về khả năng lãnh đạo doanh nghiệp... Đại dịch sẽ qua đi và trở thành quá khứ, còn hậu quả mà nó để lại là chuyện khác, đòi hỏi niềm tin của những người đứng đầu”, GS. Hà Tôn Vinh nói.

GS. Hà Tôn Vinh cũng cho rằng, việc cắt, giảm lương phải bắt đầu từ đối tượng đầu tiên là lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức, bởi họ thường là những người có cuộc sống vật chất đủ đầy hơn so với nhân viên.

Những doanh nghiệp mà GS. Vinh đang điều hành hay hợp tác tư vấn đều tổ chức những buổi làm việc với nhân sự, để cùng nhau đề xuất mức lương cần giảm. Tùy từng vị trí, mức lương giảm 50-75%, thậm chí lãnh đạo đứng đầu như GS. Vinh chấp nhận không có lương trong 5 tháng - khoảng thời gian doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh.

CEO Trần Xuân Hiếu: Viết câu chuyện mang tên “Làm Tử Tế”
Trong bối cảnh thị trường bất động sản hết sức loạn nhịp, vàng thau lẫn lộn, việc một doanh nghiệp bất động sản ra đời và hoạt động...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư