Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 05 năm 2024,
Lập Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định điều chỉnh cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Anh Minh - 01/01/2024 09:36
 
Đây sẽ là lần thẩm định điều chỉnh thứ hai kể từ khi Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình thức PPP được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2020.
Phối cảnh cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Phối cảnh cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1749/QĐ – TTg thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo phương thức PPP.

Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm chủ tịch; Phó chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các ủy viên Hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ GTVT, Tài chính, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo UBND các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định liên ngành.

Tại Quyết định số 1749, Thủ tướng lưu ý Hội đồng thẩm định liên ngành cần đưa ra ý kiến nhận xét cụ thể đối với từng nội dung thẩm định và có kiến nghị rõ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đủ điều kiện để Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư theo đúng quy định tại Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29//2021 của Chính phủ.

Trước đó, vào giữa tháng 12/2023, UBND tỉnh Cao Bằng đã có Tờ trình số 3448/TTr – UBND gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.

UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1212/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 và điều chỉnh chủ trương tại Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 16/1/2023.

UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt dự án tại Quyết định số 1199/QĐ-UBND ngày 15/9/2023 và lựa chọn xong nhà đầu tư thực hiện dự án.

Tuy nhiên, quá trình đàm phán ký kết hợp đồng đã phát sinh một số yếu tố ảnh hưởng đến tính khả thi và tiến độ hoàn thành dự án, trong đó chủ yếu là khó khăn về huy động vốn tín dụng.

Do đặc thù dự án khu vực miền núi nên nhu cầu vận tải giải đoạn đầu chưa cao, thời gian hoàn vốn dài nên chưa thực sự hấp dẫn các tổ chức tín dụng cho vay nên Nhà đầu tư gặp khó khăn về thu xếp nguồn vốn tham gia vào dự án.

Được chấp thuận của Quốc hội tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023, phần vốn nhà nước tham gia trong dự án được điều chỉnh từ 6.580 tỷ đồng thành 9.800 tỷ đồng (chiếm 68,76 % tổng mức đầu tư của dự án).

“Ngoài ra, trong thời gian thẩm định và phê duyệt dự án, nhiều yếu tố về kinh tế - xã hội có sự thay đổi theo chiều hướng không như dự báo trong báo cáo nghiên cứu khả thi, do đó, theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP, dự án cần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, làm cơ sở cho việc triển khai các bước tiếp theo”, UBND tỉnh Cao Bằng cho biết.

Trong số các nội dung điều chỉnh, UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, giá trị tổng mức đầu tư Dự án không bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng là không thay đổi (13.809,21 tỷ đồng), chỉ thực hiện việc cập nhật lại giá trị phần vốn ngân sách nhà nước trong dự án từ 6.580 tỷ đồng thành 9.800 tỷ đồng. Việc thay đổi phần vốn ngân sách nhà nước trong dự án dẫn đến phần lãi vay trong thời gian xây dựng thay đổi, do đó giá trị tổng mức đầu tư (bao gồm phần lãi vay trong thời gian xây dựng) điều chỉnh là 14.251,92 tỷ đồng.

Trên cơ sở tính toán về phương án tài chính và sự phù hợp với tính khả thi để có thể thu xếp vốn nhưng đảm bảo tiết kiệm tối đa cho ngân sách nhà nước, UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất vốn ngân sách nhà nước tham gia khoảng 9.800 tỷ đồng (chiếm 68,76% tổng mức đầu tư), tăng khoảng 3.220 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương; vốn do nhà đầu tư huy động là 4.451,92 tỷ đồng (chiếm 31,24% tổng mức đầu tư), bao gồm: vốn chủ sở hữu, vốn vay, vốn huy động khác.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Cao Bằng còn kiến nghị điều chỉnh thời điểm thực hiện các công việc, trong đó thời gian thực hiện Dự án sẽ là từ tháng 6/2024 đến tháng 6/2027 (36 tháng); phương án tài chính của Dự án

Các nội dung còn lại không thay đổi so với nội dung được phê duyệt tại Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 16/01/2023; Quyết định số 1212/QĐ-TTg ngày 10/8/2020, gồm: phạm vi, quy mô dự án; địa điểm thực hiện dự án; thời gian thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất; loại hợp đồng dự án; các thông số kỹ thuật và hồ sơ thiết kế của dự án; tổng mức đầu tư (không bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư