Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 21 tháng 01 năm 2025,
Lấy ý kiến biểu thuế xuất khẩu ưu đãi thực hiện Hiệp định CPTPP giai đoạn 2022-2027
Thế Hoàng - 27/06/2022 09:44
 
Dự kiến thuế suất trung bình thuế xuất khẩu ưu đãi năm 2022 là 8,3%; năm 2023 là 7,9%; năm 2024 là 7,4%; năm 2025 là 7%; năm 2026 là 6,6%; năm 2027 là 3,6%.
Thuế suất trung bình thuế xuất khẩu ưu đãi năm 2022 là 8,3%, đến năm  2027 là 3,6%.
Thuế suất trung bình thuế xuất khẩu ưu đãi năm 2022 là 8,3% và hạ dần xuống 3,6% vào 2027.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương giai đoạn 2022-2027 (Hiệp định CPTPP).

Dự thảo quy định rõ về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi thực hiện Hiệp định CPTPP, gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, thuế suất cho giai đoạn 2022-2027, áp dụng đối với 603 dòng thuế.

Thuế suất trung bình thuế xuất khẩu ưu đãi năm 2022 là 8,3%; năm 2023 là 7,9%; năm 2024 là 7,4%; năm 2025 là 7%; năm 2026 là 6,6%; năm 2027 là 3,6%.

Thuế suất ban hành trong Nghị định được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ cam kết theo Lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP. Lộ trình cắt giảm thuế quan trong Biểu thuế ban hành được áp dụng cho từng năm, được áp dụng từ ngày 01/12/2022 đến hết ngày 31/12/2027.

Các mặt hàng không thuộc Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định thì sẽ áp dụng thuế xuất khẩu ưu đãi 0% khi xuất khẩu sang lãnh thổ các nước là thành viên của Hiệp định CPTPP.

Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với 8 nước bao gồm Mexico, Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Peru và Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 3 và Phụ lục 2D của Hiệp định CPTPP, Mexico áp dụng thuế suất theo lộ trình cắt giảm bắt đầu từ năm thứ nhất; các nước Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Singapore và Peru áp dụng thuế suất theo lộ trình cắt giảm bắt đầu từ năm thứ hai.

Việc áp dụng hai lộ trình riêng cho hai nhóm nước như trên đảm bảo tuân thủ cam kết, đảm bảo lợi ích cho Việt Nam trên cơ sở thực hiện nguyên tắc có đi có lại.

Điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo Hiệp định CPTPP: Hiệp định CPTPP không có quy định cụ thể về các điều kiện để được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi.

Tuy nhiên, để đảm bảo kiểm soát được hàng hóa thực tế được nhập khẩu vào lãnh thổ các nước theo đúng đối tượng và tránh gian lận thương mại, dự thảo Nghị định quy định điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi là có chứng từ vận tải và tờ khai nhập khẩu thể hiện đích đến thuộc lãnh thổ các nước trên.

Theo dự thảo, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, các mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan, áp dụng đối với 11.525 dòng thuế, trong đó có 205 dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số.

Về mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt: Thuế suất trung bình năm 2022 là  2,18 %, năm 2023 là 1,77%; năm 2024 là 1,36%; năm 2025 là 1,06%; năm 2026 là 0,74%; năm 2027 là 0,4%.  

Thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với mặt hàng xe ô tô đã qua sử dụng thuộc các nhóm 87.02, 87.03, 87.04 áp dụng hạn ngạch thuế quan.

Thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các mặt hàng thuộc các nhóm 04.07 (trứng gia cầm), 17.01 (đường), 24.01 (lá thuốc lá) và 25.01 (muối) áp dụng hạn ngạch thuế quan.

Thuế suất áp dụng cho giai đoạn 2022-2027: Áp dụng nguyên tắc tương tự như đối với thuế xuất khẩu ưu đãi, theo đó: Mexico áp dụng thuế suất theo lộ trình cắt giảm bắt đầu từ năm thứ nhất; Các nước Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Singapore và Peru áp dụng thuế suất theo lộ trình cắt giảm bắt đầu từ năm thứ hai.

Đối với hàng hóa từ khu phi thuế quan của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường trong nước, để đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan của Việt Nam, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng lộ trình bắt đầu từ năm thứ hai (như áp dụng đối với các nước Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Singapore và Peru).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư