Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lấy ý kiến các văn bản về chứng quyền có bảo đảm
Chí Tín - 29/11/2016 14:49
 
Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết, để thực hiện các công tác chuẩn bị triển khai sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (CW), HOSE đang thực hiện lấy ý kiến thành viên thị trường dự thảo các quy chế liên quan tới sản phẩm.
Chứng quyền có một số nét tương đồng như quyền chọn (option) nhưng cũng mang một số điểm khác biệt riêng
Chứng quyền có một số nét tương đồng như quyền chọn (option) nhưng cũng mang một số điểm khác biệt riêng

Theo đó, các văn bản đang được tiếp thu ý kiến gồm: Dự thảo quy chế niêm yết CW,  Dự thảo quy chế công bố thông tin và quản lý hoạt động phòng ngừa rủi ro đối với CW, Dự thảo quy chế giao dịch chứng khoán (có bổ sung quy định về CW),  Dự thảo quy chế hoạt động tạo lập thị trường đối với tổ chức phát hành CW. Theo HOSE, cơ quan này tiếp nhận các nội dung góp ý cho đến ngày 5/12/2016.

Chứng quyền có bảo đảm là sản phẩm đã được HOSE tiến hành nghiên cứu từ cuối năm 2012 và hiện đang trong quá trình phối hợp với cơ quan quản lý xây dựng các văn bản pháp lý và chuẩn bị các điều kiện để triển khai sản phẩm này ra thị trường trong thời gian tới.

Về quy định pháp lý, từ giữa năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2015/NĐ-CP (Nghị định 60) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2015, trong đó đã bổ sung định nghĩa về sản phẩm “chứng quyền có bảo đảm – Covered Warrant (CW)” và các điều kiện để trở thành tổ chức phát hành CW.

CW là một sản phẩm phổ biến tại nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới với các tên gọi khác như: Covered warrant (Anh, Đức, Thụy Sỹ, Úc, Canada), Derivative warrant (Hồng Kông, Thái Lan), Call/Put warrant (Đài Loan, Malaysia), Equity-linked warrant (Hàn Quốc)… CW cho phép người nắm giữ có quyền (nhưng không phải là nghĩa vụ) mua hoặc bán một tài sản cơ sở với giá được định trước (gọi là giá thực hiện) tại hoặc trước ngày đáo hạn.

Tại Việt Nam, CW được định nghĩa là “chứng khoán có tài sản đảm bảo do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở cho tổ chức phát hành chứng quyền đó theo một mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước một thời điểm đã được ấn định, hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện”.

CW có một số nét tương đồng như quyền chọn (option) nhưng cũng mang một số điểm khác biệt. Theo đó, CW không có khả năng gây ra các khoản lỗ vượt quá số tiền bỏ ra ban đầu của nhà đầu tư. Trong khi đó, đối với quyền chọn, khoản lỗ tối đa mà nhà đầu tư có thể phải chịu sẽ không chỉ dừng lại ở khoản vốn ban đầu mà còn có thể phải trả thêm tiền cho bên đối ứng.

Ngoài ra, CW thường được giao dịch phổ biến trên thị trường giao dịch (cash market) cùng với các sản phẩm truyền thống khác như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ….

Trong khi đó, quyền chọn lại được giao dịch trên thị trường phái sinh với đối tác thanh toán bù trừ trung tâm (Central Counterparty - CCP). Điều này tạo điều kiện giao dịch và thanh toán dễ dàng hơn cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân vốn quen thuộc với cách thức giao dịch trên thị trường cổ phiếu.

Với những đặc trưng đơn giản hơn quyền chọn nêu trên, việc triển khai CW có thể xem là bước đệm để nhà đầu tư và thành viên thị trường quen dần với các mức độ phức tạp của sản phẩm trên thị trường phái snh sắp được vận hành trong giai đoạn sắp tới, đồng thời giúp đáp ứng đa dạng các phân khúc nhu cầu khác nhau của nhà đầu tư trên thị trường.

Chứng quyền có thể được phân thành các loại sau:
- Dựa trên nội dung thực hiện quyền, chứng quyền được chia thành hai loại gồm “chứng quyền mua” (call warrant) và “chứng quyền bán” (put warrant). Theo đó, chứng quyền mua/chứng quyền bán cho phép người nắm giữ có quyền nhưng không phải là nghĩa vụ được mua/bán một tài sản cơ sở với mức giá được định trước vào hoặc trước ngày đáo hạn.
- Dựa trên kiểu thực hiện quyền, có chứng quyền theo kiểu Mỹ (người nắm giữ được thực hiện quyền trước hoặc vào ngày đáo hạn) và chứng quyền theo kiểu châu Âu (người nắm giữ chỉ được thực hiện quyền vào ngày đáo hạn).
- Dựa trên phương thức thanh toán, có chứng quyền thanh toán bằng tiền và chứng quyền thanh toán bằng chứng khoán cơ sở hoặc có thể kết hợp linh động giữa hai hình thức này.
Sẽ chạy thử hệ thống chứng khoán phái sinh trong tháng 10
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Trung tâm Lưu ký (VSD), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và các công ty chứng khoán dự kiến sẽ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư