Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Lego “đặt cược” vào M&A công nghệ giáo dục
Anh Hoa - 04/11/2022 09:49
 
Thực thi chiến lược định vị “thúc đẩy sáng tạo qua vui chơi”, Lego đang mạnh tay chi tiền cho những thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) các tên tuổi trong lĩnh vực công nghệ giáo dục.
Quyết định đầu tư nhà máy mới tại Việt Nam, Lego đặt niềm tin vào thị trường châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong dài hạn
Quyết định đầu tư nhà máy mới tại Việt Nam, Lego đặt niềm tin vào thị trường châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong dài hạn

Chạy đua đầu tư công nghệ

Kirkbi A/S, công ty mẹ của Lego, vừa chi 875 triệu USD để mua lại BrainPOP - một công ty công nghệ giáo dục. Đây là một phần trong tham vọng tham gia sâu vào quá trình chuyển đổi kỹ thuật số chương trình học phổ thông của Lego. Hơn nữa, thương vụ cũng rất phù hợp với định vị của tên tuổi này, đó là “thúc đẩy sáng tạo qua vui chơi”.

BrainPOP được Kadar thành lập năm 1999 tại New York (Mỹ), chuyên sản xuất các video giáo dục cho trẻ về một số chủ đề. Hiện BrainPOP có mặt tại 2/3 các học khu ở Mỹ, tiếp cận 25 triệu học sinh. Theo Kirkbi A/S, việc đầu tư vào “trò chơi và học tập kỹ thuật số” đến từ mong muốn biến Lego trở thành động lực học tập toàn cầu bằng cách vui chơi.

Định vị của Lego là “sáng tạo qua vui chơi”. Điều này thể hiện rất rõ qua các quảng cáo nhất quán từ nhiều năm nay của Lego. Việc mua một công ty công nghệ giáo dục sẽ càng làm định hướng “sáng tạo” của Lego rõ ràng và sâu hơn.

Cần phải nói thêm rằng, mua lại BrainPOP không phải thương vụ đầu tiên của Kirkbi A/S trong mảng công nghệ giáo dục. 5 năm qua, Kirkbi A/S đã thực hiện khoảng 15 thương vụ đầu tư thiểu số vào các hãng công nghệ giáo dục. Đầu năm nay, Kirkbi A/S chi 1 tỷ USD cùng với Sony đầu tư vào Epic Games (công ty sở hữu, phát hành trò chơi điện tử Fortnite và tạo ra phần mềm đồ họa Unreal Engine nổi tiếng ở Hollywood) để thúc đẩy quá trình xây dựng vũ trụ ảo. 

Nhà máy mới tại Việt Nam sẽ giúp Lego sớm đạt mục tiêu
phát triển dài hạn tại châu Á. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng, nhà máy này nằm gần kề các thị trường chính trong khu vực để rút ngắn thời gian cho quy trình sản xuất”.

- Ông Carsten Rasmussen, Giám đốc vận hành Tập đoàn Lego 

Sau thương vụ này, Lego và Epic công bố kế hoạch tạo ra trải nghiệm kỹ thuật số nhập vai, truyền cảm hứng sáng tạo và hấp dẫn cho trẻ em và gia đình.

“Một phần đầu tư của chúng tôi tập trung vào các xu hướng mà chúng tôi tin rằng sẽ tác động đến thế giới tương lai mà chúng tôi và con cái chúng tôi sẽ sống”, Giám đốc điều hành Kirkbi Søren Thorup Sørensen chia sẻ với truyền thông quốc tế.

Trong thương vụ với BrainPOP, Kirkbi A/S sẽ kiểm soát vốn chủ sở hữu, nhưng BrainPOP vẫn được độc lập về mặt hoạt động. Scott Kirkpatrick tiếp tục làm CEO của BrainPOP. Vị CEO này hy vọng, định hướng từ Kirkbi A/S sẽ giúp BrainPOP kết nối với mạng lưới khán giả toàn cầu và bán trực tiếp các sản phẩm đến phụ huynh.

Cả hai bên đều lạc quan về thương vụ, nhưng giới chuyên gia giáo dục lại không nghĩ vậy. Họ cho rằng, đây là một khoản đầu tư không hiệu quả của Kirkbi A/S.

Cụ thể, thương vụ không thiết lập được một giá trị mới rõ ràng cho BrainPOP ngoài những mối quan hệ mà tự nó đã có được trước đó.

Những lo ngại này đối với Lego không phải vô cớ. Bởi Mattel (hãng chuyên sản xuất đồ chơi cho trẻ sơ sinh và mẫu giáo) đã để lại bài học đau xót, gần lâm vào cảnh phá sản khi coi M&A như công cụ để đuổi kịp công nghệ. Mattel đã chi hàng tỷ USD để mua lại Hãng Sản xuất game và phần mềm LearningCo, nhưng sau đó, chuỗi kết quả kinh doanh rất thất vọng, khiến giám đốc điều hành bị mất việc. Thời điểm này, Mattel đang có báo cáo tăng trưởng sụt giảm mạnh và tình hình tiếp tục xấu đi.

Dẫu vậy, M&A vẫn là công cụ hiệu quả giúp các hãng đồ chơi trên thế giới có được vị thế “bá chủ” mong muốn.

Điển hình là trường hợp của hãng đồ chơi lớn nhất thế giới - Hasbro, sản xuất đồ chơi dưới nhiều thương hiệu như G.I. Joe, Littlest Pet Shop, Mr. Potato Head, Transformers, Marvel và Pokemon. Ngoài đồ chơi, Hasbro còn sở hữu những công ty chuyên về cờ bàn (board game) như Milton Bradley và Parker Brothers, sản xuất những trò chơi kinh điển như bắn tàu chiến Battleship, truy tìm manh mối Clue, cờ tỷ phú Monopoly và cờ chiến thuật Risk.

Từ nửa sau thập niên 1980 đến nay, Hasbro liên tục mua lại nhiều công ty đồ chơi, trong đó có Playskool, Tiger Electronics, Nerf và Tonka. Với những thương hiệu mới nhất gia nhập Hasbro, như Marvel, Transformers, G.I. Joe, hãng này sẽ tiếp tục lớn mạnh và hướng tới vị trí dẫn đầu trong tương lai.

Trong khi đó, danh tiếng của MGA Entertainment đã được khẳng định và ngày càng nâng cao qua từng năm khi tập trung vào nhiều loại búp bê, thú nhồi bông… Với việc mua lại nhãn hiệu Little Tikes (chuyên về những đồ chơi lớn bằng nhựa), MGA Entertainment cho thấy tham vọng củng cố thương hiệu và mở rộng danh mục sản phẩm của mình.

Một tên tuổi khác là Jakks Pacific cũng liên tục mua lại nhiều hãng khác, như Remco và Pet Pal Corp. Sức mạnh của Jakks Pacific là khả năng đàm phán để sở hữu độc quyền những thương hiệu từ rất nổi tiếng cho tới ít người biết đến. Trong những năm tới, Jakks

Pacific được dự đoán sẽ có thêm nhiều sản phẩm mới, đem tới sự ngạc nhiên cho khách hàng.

Dốc sức chiêu mộ nhân tài

Đầu năm 2021, Lego Ventures, chi nhánh liên doanh của Lego® Brand Group, bổ nhiệm bà Cecilia Qvist, cựu Giám đốc Thị trường toàn cầu tại Spotify, làm Giám đốc mới. Bà Cecilia là sự bổ sung nghiêm túc cho tham vọng toàn cầu của Lego Ventures với tư cách nhà đầu tư phù hợp trên lĩnh vực công nghệ trò chơi và giáo dục.

Tại Spotify, bà Cecilia có vai trò giám sát chiến lược tăng trưởng toàn cầu tại các lãnh thổ hiện tại và mới với trọng tâm là mở rộng quốc tế, nội địa hóa sản phẩm, tăng trưởng người dùng. Bà có công trong việc mở rộng quy mô Spotify thành một doanh nghiệp đa quốc gia như ngày nay, với hơn 345 triệu người dùng trên 170 thị trường. Trước đây, bà Cecilia đã có thời gian làm việc với Ericsson, Swedbank và Nasdaq OMX.

Lãnh đạo Tập đoàn Lego tin rằng, bà Cecilia có thể đưa những nỗ lực mạo hiểm của thương hiệu Lego lên một tầm cao mới cùng với đội ngũ chuyên trách của mình. Lego Ventures đặt tham vọng đặc biệt và niềm tin vào sức mạnh của chiến lược “học qua chơi” của Tập đoàn. 

Bà Cecilia có kinh nghiệm thực tiễn trong việc phát triển các thương hiệu toàn cầu mạnh mẽ cho cả phụ huynh và trẻ em. Bởi vậy, theo lãnh đạo Lego, những kinh nghiệm của bà trong lĩnh vực M&A và thời gian của bà ở Trung Quốc, Ấn Độ sẽ là vô giá.

Nhấn mạnh rằng, các ngành công nghiệp như trò chơi, giáo dục thích ứng và thực tế ảo sẽ có tác động to lớn đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta trong những năm tới, bà

Cecilia mong muốn được dẫn dắt Lego Ventures và làm việc với danh mục đầu tư để hiện thực hóa tầm nhìn.

Ngoài việc đưa bà Cecilia Qvist làm Giám đốc đều hành, Lego Ventures cũng bổ nhiệm ông Jacob Fonnesbech Aqraou vào Ban cố vấn của mình. Ông Jacob là nhà đầu tư, Chủ tịch của Boats Group, Chronext và Wallapop (ứng dụng mua - bán đồ cũ trên Internet). Trước đó, ông đã có 9 năm làm Giám đốc tài chính của eBay tại châu Âu.

Không chỉ đầu tư các thương vụ M&A, thông qua quỹ giáo dục của mình, Lego muốn cải thiện giáo dục sớm trên toàn thế giới. Hiện Quỹ Lego đang sở hữu 25% cổ phần của Tập đoàn Lego.

Kế hoạch tại Việt Nam

Cuối năm 2021, sau hàng thập kỷ cân nhắc, Lego đã chính thức đặt chân đến Việt Nam thông qua Biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng một nhà máy mới với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD tại Bình Dương. Chưa tiết lộ kế hoạch chi tiết, song ông Carsten Rasmussen, Giám đốc vận hành Tập đoàn Lego bày tỏ tin tưởng, thị trường châu Á, gồm khu vực Đông Nam Á và Việt Nam, nắm giữ tiềm năng phát triển lớn.

“Nhà máy mới tại ở Việt Nam sẽ giúp Lego sớm đạt mục tiêu phát triển dài hạn tại châu Á. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng, nhà máy này nằm gần kề các thị trường chính trong khu vực để rút ngắn thời gian cho quy trình sản xuất”, ông Carsten Rasmussen nói.

Nhà máy tại Trung Quốc của Lego trong tương lai sẽ chủ yếu sản xuất cho thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, trong khi cơ sở mới của Việt Nam sẽ phục vụ phần còn lại của châu Á.

Theo kế hoạch, Lego dự kiến khởi công nhà máy này vào tháng 11/2022 và bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024. Trong khi nhiều mảng của ngành bán lẻ toàn cầu vẫn đang phải nỗ lực vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và nhiều vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, Lego cho biết, Hãng tiếp tục “đặt cược” vào những cửa hàng truyền thống để thu hút khách hàng mới.

Lego đã tăng tốc phát triển trong suốt thời kỳ đại dịch Covid-19 và củng cố vị thế của mình trước các đối thủ với tư cách là nhà sản xuất đồ chơi bán chạy nhất và có lợi nhuận cao nhất thế giới. Kết quả này có được là nhờ hoạt động sản xuất của Lego không bị gián đoạn do dịch bệnh và hầu hết cửa hàng của Lego đều đã mở cửa trở lại.

“Chúng tôi thực sự đang nhìn vào dài hạn và đầu tư cho dài hạn. Có một tiềm năng lớn cho chúng tôi ở châu Á và Trung Quốc”, Giám đốc vận hành Tập đoàn Lego chia sẻ.

Không chỉ xây dựng nhà máy và bán sản phẩm, Lego đầu tư tại Việt Nam với mong muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Do đó, Lego sẵn sàng đón các đoàn tham quan nhà máy để tìm kiếm cơ hội làm ăn với Công ty tại Việt Nam. 

Ông Preben Elnef, Tổng giám đốc Lego Việt Nam cho biết, 5 nhà máy khác của Lego trên thế giới cũng có mong muốn hợp tác với các nhà cung ứng là doanh nghiệp Việt Nam.

Sự hiện diện của Lego tại Việt Nam càng khẳng định, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia và sẽ trở thành một trung tâm sản xuất chủ chốt ở châu Á; đồng thời cũng sẽ kéo theo các thương vụ M&A của các ông lớn

Diễn đàn M&A 2022

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 14 - năm 2022 do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Tư, ngày 23/11/2022.

Với chủ đề “Kích hoạt những cơ hội mới”, Diễn đàn dự kiến thu hút hơn 500 khách tham dự và cùng nhau thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam.

Ngoài Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế, Diễn đàn năm nay sẽ tiếp tục vinh danh các thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2021 - 2022; phát hành Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A.

Diễn đàn M&A 2022 sẽ bao gồm các hoạt động chính: 

I. Hội thảo chuyên đề M&A với 2 phiên chính:
Phiên 1 với chủ đề “Cơ hội M&A trong thị trường đầy biến động”
Phiên 2 với chủ đề “Thiết lập các giá trị mới”

ĐẶT VÉ THAM DỰ TẠI ĐÂY

II. Bên lề Diễn đàn:
Ban Tổ chức sẽ dành không gian và thời gian cho các hoạt động kết nối đầu tư, gặp gỡ các doanh nghiệp để cùng nhau chia sẻ thông tin, tìm kiếm đối tác.
Đặc biệt, Diễn đàn năm nay sẽ tiếp tục vinh danh các Thương vụ và Nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2021 - 2022.

III. Phát hành Đặc san “Toàn cảnh thị trường M&A Việt Nam 2022”:
Đặc san được xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh trong tháng 11/2022, cập nhật đầy đủ thông tin về hoạt động M&A tại Việt Nam cũng như chia sẻ kinh nghiệm về M&A từ các thương vụ và những xu hướng, lĩnh vực mới trong thời gian tới.

M&A Vietnam Forum 2022: “Kích hoạt những cơ hội mới”
Sáng nay, 3/11, Ban Tổ chức Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2022 (M&A Vietnam Forum 2022) tổ chức họp báo cung cấp các thông tin chính thức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư