Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 01 năm 2025,
Lo Ban kiểm soát nhiều ngân hàng để “lọt lưới” rủi ro
Thùy Liên - 13/08/2023 10:12
 
Ban kiểm soát được coi là người "gác cổng" của các ngân hàng trong quản trị rủi ro, giám sát cả các ông chủ nhà băng. Tuy nhiên, thực tế, tại rất nhiều ngân hàng, Ban kiểm soát bị vô hiệu khiến hàng loạt rủi ro bị lọt lưới.

Ban kiểm soát nhiều ngân hàng chưa nhận diện được toàn diện rủi ro hoạt động

 Chiều 11/8, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng (TCTD), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, toàn ngành đang rất vất vả để đảm bảo các mục tiêu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và giữ ổn định an toàn của hệ thống TCTD, trong bối cảnh các nước như Mỹ có quản trị tốt cũng xảy ra đổ vỡ của một số ngân hàng.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành loạt văn bản nâng cao hoạt động kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ, ban hành hành lang pháp lý cho công tác thanh tra, giám sát, tăng cường bộ máy thanh tra, giám sát, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc tăng cường công tác này…

Dù vậy, ông Nguyễn Tuấn Anh, quyền Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tại một số TCTD, hoạt động của Ban kiểm soát còn chưa thực sự chủ động, hiệu quả; chưa đánh giá thường xuyên và nhận diện toàn diện rủi ro hoạt động của TCTD…

Quyền Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng cho rằng, Ban kiểm soát của TCTD phải tăng cường giám sát hoạt động, kịp thời nhận diện các rủi ro, phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các rủi ro có thể xảy ra; chủ động phối hợp với các thành viên Hội đồng quản trị, Ban điều hành để xử lý các vấn đề phát sinh cũng như các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của ngân hàng. Đồng thời, rà soát hoạt động của Ban kiểm soát, tình hình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, các nội dung, yêu cầu, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền để xử lý khắc phục các tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Ban kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban kiểm soát.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó thống đốc Đào Minh Tú đã chỉ ra một số vấn đề cần lưu ý trong hoạt động của Ban kiểm soát, công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ của TCTD liên quan đến một số lĩnh vực như tín dụng, kho quỹ tiền mặt… Theo Phó thống đốc, tín dụng là một lĩnh vực cần thiết nhất cần quản lý, phát hiện và ngăn chặn rủi ro sớm theo nguyên tắc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Chính vì vậy, trước tiên, Ban kiểm soát phải giám sát và kiểm soát chặt trong việc ban hành văn bản; Theo dõi và kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của Nhà nước, của cơ quan quản lý trong hoạt động của TCTD, coi đây là việc làm thường xuyên, hàng ngày. Ngoài ra, cũng cần kiểm soát việc thực hiện đúng những chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước...

Đặc biệt, Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ phải nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc phát hiện rủi ro ở các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, chủ động đề xuất giải pháp với Hội đồng quản trị, Ban điều hành nếu phát hiện có vấn đề…

Phải tăng tính độc lập của Ban kiểm soát các ngân hàng

Phát biểu tại Hội nghị, Phó thống đốc Đoàn Thái Sơn cho rằng, đội ngũ Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ của TCTD là những người sát sườn nhất với hoạt động của TCTD, vì vậy sẽ phát hiện nhanh nhất những rủi ro trong hoạt động của TCTD. Do đó, các TCTD phải nhận thức đúng và hiểu rõ vai trò, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ, đồng thời phải chú trọng và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận này.

Để Ngân hàng Nhà nước thực hiện tốt vai trò đại diện chủ sở hữu tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước do NHNN quản lý, Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng đề nghị Ban Kiểm soát cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, quyền hạn, tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, chấp hành nghiêm chế độ báo cáo định kỳ gửi NHNN. Cần tăng cường hơn nữa tính độc lập của Ban Kiểm soát, đặc biệt là trong việc thực hiện giám sát Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành TCTD, việc thực hiện quyền, chức trách của Người đại diện phần vốn nhà nước tại TCTD.  

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều thách thức, khó khăn, biến động, những rủi ro càng bộc lộ rõ hơn.Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả của công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ, góp phần phát huy tối đa vai trò của Ban kiểm soát trong công tác quản trị rủi ro, Thống đốc đề nghị, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban điều hành của các TCTD phải quan tâm đặc biệt tới công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ trong việc bố trí về nguồn lực để đảm bảo hoạt động của bộ phận này có hiệu quả. Hội đồng quản trị phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu để Ban kiểm soát thực hiện chức trách của mình, đồng thời tạo điều kiện để Ban kiểm soát tham gia toàn bộ các cuộc họp liên quan đến điều hành, triển khai hoạt động của ngân hàng để nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động của các TCTD.

Đối với Ban Kiểm soát của các TCTD, cần triển khai đầy đủ, nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ của mình theo đúng quy định pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước, lựa chọn bố trí nhân sự đầy đủ, đảm bảo có chất lượng để triển khai hiệu quả hoạt động của Ban kiểm soát.

Ngoài ra, tăng cường hoạt động của Ban kiểm soát, nhất là hoạt động tự phát hiện, tự cảnh báo, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, hoạt động rủi ro tiềm ẩn của các TCTD, đề xuất với Hội đồng quản trị, Ban điều hành các biện pháp khắc phục, tập trung vào những rủi ro như: rủi ro về thanh khoản, rủi ro tín dụng; rủi ro thị trường; rủi ro về tỷ giá; rủi ro về hoạt động thanh toán cả trong nước và quốc tế; những vấn đề liên quan đến phòng chống rửa tiền…

Những nội dung mới của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật số 14/2022/QH15 Phòng, chống rửa tiền năm 2022 được kết cấu gồm 4 Chương 66 Điều, giảm 1 Chương và tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư