Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Lỗ lũy kế nhưng TDC vẫn muốn ngân hàng cấp hạn mức lên tới 700 tỷ đồng
Duy Bắc - 18/08/2023 12:12
 
CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã TDC - sàn HoSE) thông qua kế hoạch vay vốn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương.

Cụ thể, Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2019 - 2024 vừa chấp thuận cho Công ty vay vốn ngắn, trung dài hạn, bảo lãnh, mở L/C, vay thấu chi và các hình thức cấp tín dụng khác tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của Công ty.

Trong đó, hạn mức cho vay ngắn hạn và bảo lãnh giai đoạn 2023 - 2024 là 700 tỷ đồng, mục đích bổ sung vốn lưu động, thời gian hiệu lực của hạn mức tín dụng là 12 tháng. Ngoài ra, Công ty cho biết sẽ dùng tài sản (tài sản cố định hữu hình, vô hình, cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi …) thuộc sở hữu, sử dụng và quản lý của Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương hoặc tài sản bảo đảm của bên thứ ba thế chấp, cầm cố tại ngân hàng để thực hiện nghĩa vụ hoàn trả nợ cho khoản vay nói trên.

Lỗ 281,65 tỷ đồng trong quý II/2023

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2023, Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ghi nhận doanh thu đạt 134,69 tỷ đồng, giảm 79,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ kỷ lục 281,65 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 131,37 tỷ đồng, tức giảm 413,02 tỷ đồng.

Được biết, theo dữ liệu iBoard của Chứng khoán SSI, Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương vừa trải qua hai quý lỗ liên tiếp. Trong đó, quý IV/2022 ghi nhận lỗ 105,7 tỷ đồng và quý I/2023 ghi nhận lỗ 40,37 tỷ đồng.

Ngoài ra, nếu nhìn rộng hơn từ khi niêm yết năm 2010 tới nay, chưa quý nào Công ty ghi nhận lỗ vượt quá mức lỗ quý II/2023 là 281,65 tỷ đồng.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 73,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 97,91 tỷ đồng, về 35,67 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 11,4%, tương ứng tăng thêm 6,6 tỷ đồng, lên 64,68 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 7%, tương ứng tăng thêm 1,98 tỷ đồng, lên 30,2 tỷ đồng; lợi nhuận khác ghi nhận âm 224,6 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 86,73 tỷ đồng, tức giảm 311,33 tỷ đồng.

Như vậy, trong quý II, lợi nhuận gộp tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng. Ngoài ra, hoạt động khác lại ghi nhận lỗ kỷ lục, đây là hai nguyên nhân chính dẫn tới Công ty báo cáo lỗ kỷ lục trong quý II/2023.

Công ty có thuyết minh lãi hoạt động khác âm, chủ yếu do lãi thanh lý, nhượng bán tài sản cố định là số âm, đồng thời chịu phạt do vi phạm hợp đồng.

Lỗ trong 6 tháng đầu năm 2023, lỗ lũy kế xóa toàn bộ lợi nhuận lũy kế nhiều năm

Lũy kế trong nửa đầu năm 2023, Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ghi nhận doanh thu đạt 239,7 tỷ đồng, giảm 70,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ 322,01 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 21,84 tỷ đồng, tức giảm 343,85 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý, với việc kinh doanh thua lỗ trong nửa đầu năm 2023, tính tới 30/6/2023, tổng lợi nhuận lũy kế chưa phân phối của Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương đã chuyển từ dương 38,9 tỷ đồng xuống âm 282,6 tỷ đồng, xóa bỏ toàn bộ lợi nhuận lũy kế kiếm được trong nhiều năm và bằng 28,3% vốn điều lệ.

Trong năm 2023, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.107,18 tỷ đồng, giảm 52,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế dự kiến 93,4 tỷ đồng, tăng 42,5% so với thực hiện trong năm 2022.

Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2023 với lợi nhuận trước thuế là âm 321,1 tỷ đồng, Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương còn cách rất xa kế hoạch có lãi trong năm tài chính 2023.

Bên cạnh kinh doanh thua lỗ, trong nửa đầu năm 2023, dòng tiền kinh doanh chính của Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương còn ghi nhận âm 60,8 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 539,1 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 13,8 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 68,1 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Nợ vay lên tới 203,5% vốn chủ sở hữu

Tính tới 30/6/2023, tổng tài sản của Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương giảm nhẹ 0,3% so với đầu năm, xuống 3.840,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 1.927,8 tỷ đồng, chiếm 50,2% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 583,9 tỷ đồng, chiếm 15,2% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 449,9 tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 398,1 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong kỳ, tài sản biến động mạnh chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn giảm 34,9% so với đầu năm, tương ứng giảm 312,5 tỷ đồng, xuống 583,9 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn tăng 18,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 305,9 tỷ đồng, lên 1.927,8 tỷ đồng.

Về phần nguồn vốn, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 4,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 78,05 tỷ đồng, lên 1.781,87 tỷ đồng và bằng 203,5% vốn chủ sở hữu (đầu năm chỉ bằng 141,5% vốn chủ sở hữu).

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/8, cổ phiếu TDC giảm 300 đồng về 13.900 đồng/cổ phiếu.

TDC: Lần đầu tiên từ khi niêm yết năm 2010 không trả cổ tức cho cổ đông
Sau một năm lao dốc, CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã TDC - sàn HoSE) đặt kế hoạch lợi nhuận tăng 42,5%, lên 93,4 tỷ đồng và không trả cổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư