Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Lợi nhuận tăng 94% so với cùng kỳ, MSB dự kiến chia cổ tức ít nhất 15%
T.L - 05/01/2021 15:24
 
Lợi nhuận trước thuế năm 2020 ước đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 94,13% so với cuối năm 2019, Ngân hàng TMCP MSB sẽ trình phương án chia cổ tức tối thiểu 15% tại ĐHCĐ sắp tới.
MSB
MSB là ngân hàng đứng vị trí thứ 4 trong hệ thống về tỷ lệ CASA trên tổng tiền gửi.

Ngân hàng  TMCP MSB vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2020. Theo đó, kết thúc năm, MSB có tổng tài sản tăng 13% so với 2019, đạt mức trên 178 nghìn tỷ. Ngân hàng dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 94% so với năm 2019 và bằng 174% kế hoạch đặt ra.

MSB cho biết, có được kết quả kinh doanh tích cực này là nhờ tổng thu nhập thuần đã tăng gần 52% so với năm 2019 lên mức 7.013 tỷ đồng, trong đó, thu nhập lãi ròng ghi nhận kết quả 4.705 tỷ, (tăng 57% so với năm trước) trên cơ sở cơ cấu nguồn vốn hiệu quả, tập trung tăng trưởng quy mô ở các hạng mục tài sản sinh lời cao và quản lý tốt nợ xấu. Tổng thu nhập ngoài lãi của ngân hàng cũng tăng đến 42%/năm, đóng góp hơn 2.300 tỷ cho tổng thu nhập thuần.

Đặc biệt, thu thuần về hoạt động dịch vụ tăng đến 50%. Thu từ phí bán Bảo hiểm Banca cũng là điểm nhấn trong tổng thu nhập phí khi trong quý 4/2020, MSB liên tục lọt top ngân hàng có doanh thu Banca cao nhất thị trường. Với tốc độ tăng trưởng tốt của tổng thu nhập thuần, cùng sự tiết giảm chi phí hiệu quả của MSB trong giai đoạn vừa qua, chỉ số chi phí hoạt động trên tổng doanh thu nhập (CIR) của ngân hàng đã giảm tới 11% so với năm 2019.

Từ kết quả kinh doanh khả quan của 2020, MSB dự tính trả cổ tức tối thiểu 15% cho cổ đông sau khi được thông qua trong Đại hội cổ đông thường niên tháng 3-4 tới.

Về chất lượng tài sản, từ nỗ lực cải thiện chất lượng tài sản trong năm khó khăn 2020, ngân hàng đã xử lý hết toàn bộ trái phiếu VAMC trong quý 3/2020. Tổng nợ xấu của ngân hàng dự tính dưới 2% cho cả năm 2020. Nhờ tệp khách hàng đa dạng, ưu tiên ngành y tế và giáo dục nên danh mục cho vay của MSB không bị ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, tỷ lệ nợ cơ cấu theo thông tư 01 của NHNN trên tổng dư nợ khoảng 1,85%. Nguồn vốn được củng cố đảm bảo tăng trưởng bền vững, CAR dự kiến đạt trên 10% thời điểm 31/12/2020. Bên cạnh đó, MSB đang triển khai phát hành cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu trong quý 1/2021, hệ số CAR dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao giúp ngân hàng có mức đệm vốn an toàn cho hoạt động kinh doanh.

Với tệp khách hàng trung thành, các sản phẩm được thiết kế phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng khách hàng cũng như các dịch vụ, sản phẩm tài chính cạnh tranh, MSB luôn có lượng CASA cao trong ngành. Cuối quý 3/2020, MSB là ngân hàng đứng vị trí thứ 4 trong hệ thống về tỷ lệ CASA trên tổng tiền gửi. Dự kiến thời điểm 31/12/2020, MSB đạt tỷ lệ này ở mức 27% với hơn 23.400 tỷ tiền gửi không kỳ hạn.

 


MSB AMC kinh doanh ra sao trước khi ngân hàng mẹ quyết định thoái vốn?
Quyết định đầu tiên của HĐQT MSB sau khi niêm yết trên HoSE là thoái vốn tại MSB AMC – một trong hai công ty con của nhà băng này.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư