Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Luật Đầu tư công: Ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan
Nam Sơn - 23/05/2014 12:15
 
Trong thời gian qua, đầu tư công đã góp phần quan trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Song do hệ thống pháp luật quản lý đầu tư công chưa đồng bộ, nên còn nảy sinh nhiều bất cập.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Dự thảo Luật Đầu tư công: Đã rõ các khái niệm
Luật Đầu tư công: Làm rõ thẩm quyền phê duyệt dự án
Để Luật Đầu tư công trở thành vũ khí chống tham nhũng
Không biết có bao nhiêu tiền, không được quyết dự án
Không còn vốn để xin, không còn vốn để hứa
Bịt lỗ hổng trong đầu tư công

Thực tế này đòi hỏi Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khoá XIII cần gấp rút xem xét chỉnh lý Dự thảo Luật Đầu tư công, sớm đưa Luật này vào cuộc sống để nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công.

  Theo Dự thảo Luật Đầu tư công, tất cả dự án đầu tư công phải thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư  
  Theo Dự thảo Luật Đầu tư công, tất cả dự án đầu tư công phải thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư  

Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến ở tổ và hội trường về Dự án Luật Đầu tư công.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã được nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và gửi lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội và tại Hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia ở cả 3 miền Bắc, Trung và Nam.

Hiện một số nội dung lớn của Dự án Luật đã được các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận và làm rõ, trong đó có một số nội dung sau:

Thứ nhất, về tiêu chí phân loại dự án đầu tư công.

Hiện nay, Nghị quyết 49/2010/QH12 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 10/2/2009 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình đã có quy định tiêu chí phân loại dự án sử dụng tổng mức đầu tư đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án Nhóm A, B, C.

Đây là những quy định đang thực hiện trong thực tiễn và có tính ổn định. Tuy nhiên, kể từ năm 2009 đến nay, chỉ số CPI đã tăng khoảng 50%, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các tiêu chí phân loại dự án đầu tư công đã được tính toán và được thể hiện trong Dự thảo Luật theo hướng hạn chế việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành.

Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án để tạo sự linh hoạt trong điều hành.

Thứ hai, về phân cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án.

Dự thảo Luật đã thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư, là nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật Đầu tư công; đó là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án; nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư, nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư.

Thực tế quản lý đầu tư công trong thời gian qua cho thấy, lãng phí, thất thoát có nhiều nguyên nhân khác nhau, như: do buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công..., nhưng lãng phí lớn nhất lại do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả. Tình hình trên đã kéo dài trong nhiều năm, nhưng chưa có biện pháp khắc phục triệt để. Vì vậy, trong Dự án Luật đã chế định các nội dung phân cấp, quy trình, phê duyệt chủ trương đầu tư.

Như vậy, so với quy định hiện hành về quản lý chương trình, dự án đầu tư công, Dự thảo Luật đã có những quy định mới, chặt chẽ hơn, phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cũng như xác định trách nhiệm cá nhân, tập thể trong quá trình thực hiện.

Dự thảo Luật quy định tất cả chương trình, dự án đầu tư công đều phải thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư, thay vì theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ những chương trình, dự án quan trọng quốc gia mới cần được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, cùng với thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư, Dự thảo Luật cũng có quy định nhằm tăng cường và đổi mới công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn, coi đó là một trong những nội dung quan trọng nhất của công tác thẩm định chương trình, dự án đầu tư công.

Tình trạng hiện nay, trong nhiều bộ, ngành và địa phương chưa coi trọng công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn hoặc chỉ làm hời hợt, chiếu lệ; quyết định các chương trình, dự án với quy mô lớn gấp nhiều lần khả năng cân đối vốn của cấp mình, cũng như khả năng bổ sung của ngân sách cấp trên. Việc quy định về thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn (thể chế hóa các chủ trương, giải pháp trong Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011) sẽ tạo điều kiện nâng cao chất lượng và hiệu quả của chương trình, dự án đầu tư công.

Thứ ba, về kế hoạch đầu tư trung hạn.

Việc triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn là bước đổi mới mạnh mẽ công tác lập kế hoạch đầu tư; chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Đây là điểm đổi mới lớn thứ hai trong quản lý đầu tư công.

Với việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ vừa bảo đảm các cân đối kinh tế lớn trong phạm vi cả nước, vừa tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương biết cấp mình, cơ quan mình có bao nhiêu vốn trong kế hoạch 5 năm để có quyết định chủ trương đầu tư đúng đắn, hiệu quả hơn.

Dự thảo Luật đã dành riêng một chương quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công (Chương III) bao quát toàn bộ quy trình từ lập kế hoạch đến thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm theo các nguyên tắc, điều kiện lựa chọn danh mục chương trình, dự án đầu tư theo từng nguồn vốn cụ thể. Việc lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch vẫn thực hiện theo phân cấp hiện hành; nguồn vốn do cấp nào quản lý sẽ chịu trách nhiệm lập và phê duyệt kế hoạch trên các nguyên tắc quy định trong Luật Đầu tư công.

Trong lập kế hoạch đầu tư công quy định nhiều nội dung mới, có căn cứ khoa học và thực tiễn, như việc lập kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ bảo đảm các chương trình, dự án khi được phê duyệt sẽ được bố trí đủ vốn để hoàn thành theo đúng quyết định phê duyệt, khắc phục tình trạng không cân đối được nguồn vốn, bị động, đầu tư cắt khúc ra từng năm hiện nay. Các căn cứ, nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm cho tất cả các nguồn vốn đầu tư công được quy định chặt chẽ, cụ thể bảo đảm việc lập kế hoạch phù hợp với mục tiêu, định hướng, trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Theo quy định của Dự thảo Luật, điều kiện để các dự án, chương trình được đưa vào danh mục dự án của kế hoạch đầu tư trung hạn là phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, lựa chọn trên cơ sở mức độ ưu tiên, tính cấp thiết và khả năng cân đối nguồn vốn. Kế hoạch đầu tư trung hạn mang tính tổng thể, bao quát hoạt động đầu tư của Nhà nước, hạn chế việc đầu tư dàn trải, chia nhỏ dự án và tình trạng vừa thi công vừa hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương biết cấp mình, cơ quan mình có bao nhiêu vốn trong kế hoạch 5 năm để chủ động ra quyết định đầu tư.

Thứ tư, về hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP).

Dự thảo Luật đã có quy định về những nội dung mang tính nguyên tắc chung để điều chỉnh loại hình đầu tư PPP. Đây là hình thức đầu tư mới áp dụng ở nước ta nên chưa phổ biến và có tính ổn định chưa cao. Để bảo đảm quyền lợi của các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án PPP, đối với nguồn vốn nhà nước đóng góp vào dự án sẽ được quản lý và sử dụng theo các quy định tại Luật này, đối với các khoản đầu tư của nhà đầu tư tham gia sẽ được quản lý theo quy định của pháp luật khác có liên quan và theo cơ chế quản lý của các tổ chức, cá nhân đó.

Điểm đáng chú ý nữa là về công khai, minh bạch và giám sát của cộng đồng trong đầu tư công, Dự thảo Luật đã có nhiều quy định rõ hơn nguyên tắc, nội dung công khai, minh bạch trong đầu tư công.... Dự thảo Luật cũng quy định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội hằng năm lập kế hoạch giám sát cộng đồng chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn...

Với những nội dung trên, Dự án Luật Đầu tư công sẽ góp phần tăng cường giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư công; phát hiện những việc làm xâm hại đến lợi ích của cộng đồng; những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường sinh sống của cộng đồng trong quá trình thực hiện đầu tư và vận hành dự án; hạn chế thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án.

Đất nước cần sự minh bạch

Đất nước cần sự minh bạch

"Có vụ trưởng nói: Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đang lấy đá ghè chân mình. Minh bạch thế này thì còn ai đến Bộ KH-ĐT nữa. Tôi bảo: Không, đất nước này cần sự minh bạch, đất nước này cần không có tham nhũng" - Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh nói tại buổi thảo luận tổ QH chiều 18/11 về dự luật Đầu tư công.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư