Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Luật Đầu tư: Đột phá trong phương pháp tiếp cận
Quang Hưng - 10/11/2014 15:52
 
Sau khi lắng nghe ý kiến góp ý dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), cuối giờ sáng nay (10/11), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày thêm những điểm thay đổi đột phá của đạo luật sửa đổi lần này.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
“Khai sinh” xong là kinh doanh
Đừng để “nở rộ” ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Rà soát pháp luật kinh doanh 6 tháng 1 lần
Cấp giấy chứng nhận đầu tư: Nếu không còn chữ “nếu”
  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh  
  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh bày tỏ sự vui mừng khi đại biểu đánh giá cao những thay đổi mang tính đột phá của dự án luật này  

“Dù dự án Luật đã đưa sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì tôi, với tư cách thành viên cơ quan soạn thảo lắng nghe ý kiến góp ý của 19 đại biểu hôm nay, tôi thấy rất nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, phù hợp. Tôi rất mừng vì có đại biểu là doanh nhân và đại diện cho cộng đồng doanh nhân như đồng chí Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hay đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường… đánh giá cao rất luật này”, Bộ Trưởng Bùi Quang Vinh mở đầu bài phát biểu.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, điểm mới nhất của dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) lần này là thay đổi phương pháp tiếp cận khi làm luật.

Phương pháp tiếp cận của từ trước đến nay là tiếp cận “chọn cho” - nghĩa là cái gì cho thì ghi trong luật. Trong khi đó, chúng ta không thể ghi đủ tất cả những thứ cần phải cho, bởi xã hội có quá nhiều ngành nghề, có những ngành nghề phát sinh mới. Một khi không ghi trong luật, người dân lại phải đi xin cơ quan quản lý nhà nước. Cũng vì không có ghi trong luật dẫn đến người thích thì cho, không thích thì không cho… gây khó khăn, tốn kém, không minh bạch.

Lần này, khi soạn thảo Luật đầu tư (sửa đổi), chúng ta dùng phương thức tiếp cận mới, đó là “chọn bỏ”. Đây là phương pháp tiếp cận tiên tiến, minh bạch, song cũng rất khó làm.

“Chọn bỏ là những gì khó làm thì cấm, và được ghi vào luật, cái gì luật không ghi hoặc ghi thiếu là người dân, doanh nghiệp được quyền làm. Đây là sự thay đổi rất mạnh mẽ của Chính phủ, Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải thích:

“Từ kỳ họp năm ngoái đến bây giờ, anh em ở bộ phận soạn thảo làm việc liên tục để rà soát danh mục, bởi vì nó rất phức tạp, chồng chéo, rất khó khái niệm. Cũng may là các bộ, ban, ngành rất ủng hộ nên hôm nay chúng ta có danh mục 272 ngành nghề kinh doanh có điều kiện”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Vấn đề thứ hai của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là thể hiện được sự bảo hộ đầu tư với các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, minh bạch và phù hợp với các thông lệ của quốc tế. Dự thảo đã cập nhật tất cả quyền sở hữu của nhà đầu tư, cam kết bồi thường thỏa đáng khi quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp không được đảm bảo, khi nhà nước quốc hữu hóa… đều phải bồi thường.

Vấn đề thứ ba mà dự án Luật hướng đến và được các đại biểu đồng tình đánh giá cao là thủ tục thông thoáng.

“Trong tất cả các quy định của Luật, Ban soạn thảo đã quy định bỏ toàn bộ giấy chứng nhận đầu tư với tất cả các dự án đầu tư trong nước. Đây không phải là buông lỏng, mà vì chúng ta đã đối chiếu với tất cả các luật lệ, các luật chuyên ngành. Các quy định đã quá chặt, quá cụ thể nên không nhất thiết bắt doanh nghiệp phải làm trùng lặp lại, điều này tạo thuận thuận lợi cho tất cả các nhà đầu tư trong nước.

Chỉ có đối với nhà đầu tư nước ngoài thì không thể cào bằng. Một khi anh đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, khi anh thành lập doanh nghiệp ở trong nước thì anh được hưởng các công bằng, không phân biệt đối xử, còn một khi anh mới vào anh phải chịu kiểm soát, không có nước nào không kiểm soát hết và chúng ta càng phải cần kiểm soát hơn trong điều kiện hiện nay. Chỉ có điều kiểm soát phải chính đáng, minh bạch và rút ngắn thời gian”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải thích.

Trước đó, góp ý dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) nhận xét, đây là bước đột phá rất quan trọng theo Hiến pháp 2013, chuyển cách quản lý theo kiểu là “chọn cho” sang quản lý theo kiểu “chọn bỏ”.

"Đây là đột phá mang tính cách mạng, tôi rất ủng hộ tư tưởng này”, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Du Lịch, đột phá là vậy, song nhiều đại biểu vẫn có ý kiến về điều 7 quy định kinh doanh có điều kiện.

“Đặc điểm của hệ thống pháp luật nước ta là không có chế tài. Làm luật đáng lẽ hàm chứa 3 nguyên tắc: một là giả định, hai là chế định, ba là chế tài. Nhưng luật của Việt Nam chỉ có giả định, chế định mà không có chế tài (còn chế tài thì chuyển về 2 luật là Bộ luật Hình sự và Luật Vi phạm hành chính, đại biểu Trần Du Lịch giải thích thêm).

Do đó, khi áp dụng, quy định các điều kiện thì đây là vấn đề. Thành ra, tôi xin nói rằng, vấn đề là ở hệ thống chứ không phải ở đạo luật cụ thể. Đây là cái khó nhất mà ban soạn thảo tại sao không lọc được các điều kiện kinh doanh. Chính vì vậy, tôi cho rằng, nếu chúng ta không làm triệt vấn đề này thì kỳ vọng cải thiện môi trường đầu tư bằng luật này là rất khó đạt được”, đại biểu Trần Du Lịch giải thích.

Chính vì vậy, riêng điều 7 về kinh doanh có điều kiện, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị sửa lại theo hướng:

“Thứ nhất, khái niệm kinh doanh có điều kiện đề cập trong luật này khác với kinh doanh có điều kiện mà ta nói tới trước đây, vì thực chất không có kinh doanh nào không có điều kiện hết. Không nên gọi kinh doanh nào không có điều kiện cả. Nhưng điều kiện mà ta muốn nói ở đây hàm chứa nội dung: Một là anh phải đảm bảo điều kiện mà anh phải có giấy phép trước khi ra kinh doanh như là lập ngân hàng, công ty chứng khoán... loại đó là loại cứng;

Loại thứ hai là hạn chế kinh doanh, điều kiện khắt khe, vì loại kinh doanh này liên quan đến tính mạng, sức khỏe, an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội, đạo đức xã hội… doanh nghiệp phải cam kết rằng, trước khi anh hoạt động là các điều kiện phải đảm bảo. Tôi đề nghị thiết kế lại điều 7 chỗ này”, đại biểu Trần Du Lịch đề xuất.

Xem chi tiết báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) tại đây.

Xem chi tiết dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) tại đây.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư